menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Trang

Tiếp sức cho hàng Việt trên sân nhà

Những ngày gần đây tỷ giá hối đoái dập dìu nổi sóng. Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại giãn mức lên xuống tới 100 đồng/đô la Mỹ và luôn cao hơn giá trên thị trường tự do. Chẳng bù cho những tháng trước, tỷ giá niêm yết chuyển khoản bán ra của nhiều ngân hàng cứ đứng ỳ ở 23.240 đồng/đô la Mỹ.

Các ngân hàng xác nhận nguồn cung ngoại tệ không thiếu. Khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, đáp ứng đủ điều kiện giao dịch ngoại tệ, muốn mua bao nhiêu cũng có. Vậy vì sao tỷ giá lại nhấp nhổm theo hướng đồng nội tệ giảm giá so với đô la Mỹ?

Lời giải thích phổ biến là do biến động của đô la Mỹ so với các ngoại tệ khác trên thị trường quốc tế. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang lên nấc mới, đồng nhân dân tệ giảm giá so với đô la Mỹ và dù muốn hay không các nhà hoạch định chính sách đã buộc phải đặt ra câu hỏi: đồng tệ mất giá có dẫn đến chiến tranh tiền tệ? Và nếu có sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam?

Ở Trung Quốc, nơi nền kinh tế chưa được Mỹ và nhiều quốc gia phát triển công nhận là kinh tế thị trường, bất kể một sự phá giá mạnh tay nào đối với đồng tiền sẽ phá niềm tin của các chủ thể khác nhau. Nhà nước luôn có động thái can thiệp vào thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán.

Khi chỉ số chứng khoán Shanghai giảm sâu vào đầu tuần trước, các quỹ đầu tư nhà nước đã mua vào cổ phiếu để đỡ thị trường. Tương tự với tiền tệ, hơn bao giờ hết lúc này Trung Quốc cần củng cố niềm tin của nhà đầu tư và người dân vào đồng NDT.

Trong khi đó, ở bên ngoài, sự đầu cơ của giới tài chính quốc tế đối với đồng tệ luôn thường trực. Chỉ cần vài động thái mang tính “mào đầu” của Trung Quốc, đồng tệ có thể bị short (bán tháo) không thương tiếc. Điều này đã từng xảy ra không chỉ một lần và cũng không chỉ một lần đồng tệ vọt lên tận 7 tệ/đô la Mỹ do sức ép đầu cơ quốc tế.

Nếu hai yếu tố trên cùng xảy ra một lúc, sức “tàn phá” của chúng sẽ khó đo lường đối với kinh tế Trung Quốc. Cho nên Trung Quốc sẽ không muốn một cuộc chiến tranh tiền tệ mà khởi nguồn từ sự mất giá của đồng tệ.

Sự biến động của đồng tệ lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam có lẽ không đáng ngại. Điều đáng ngại chính là 200 tỉ đô la Mỹ giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đáng lẽ xuất vào Mỹ, giờ đây chịu thuế suất cao tới 25%, sẽ được chuyển hướng xuất sang các thị trường khác, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.

Chúng ta đang nói nhiều đến sự dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp nước ngoài ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam để né thuế và nhờ đó Việt Nam hưởng lợi. Sự dịch chuyển này cần có thời gian, đôi khi tính bằng năm, nhưng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ thì đã bị áp thuế rồi và chúng buộc phải được xuất sang các nước khác như Việt Nam ngay từ giờ, chứ không cần phải chờ đợi.

Hàng hóa Việt Nam sẽ khó khăn hơn ngay trên sân nhà bởi hàng Trung Quốc vào Việt Nam qua tiểu ngạch hay chính ngạch đều có lợi thế về giá. Cho dù chất lượng hàng Trung Quốc ở các phân khúc không đều nhau, song giá cả của chúng phù hợp với không ít địa bàn Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, chúng ta cũng không thể điều chỉnh tỷ giá để giảm bớt sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc trên sân nhà và hỗ trợ xuất khẩu. Mỹ đang là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất nhì của Việt Nam và chúng ta đang có hàng chục tỉ đô la Mỹ thặng dư thương mại với đối tác này.

Một sự điều chỉnh tỷ giá công khai và không tính toán kỹ liều lượng có thể khiến Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Trên cơ sở đó, Mỹ có thể áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Đây là điểm các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách không thể không lưu tâm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, phương thức khả thi và hiệu quả hiện nay là giảm bớt các loại thuế, phí và đẩy mạnh, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phí không tên cho các nhà sản xuất, phân phối, vận tải, bán lẻ.

Cuộc bầu cử tổng thống 2020 ở Mỹ đang đến gần và ông Donald Trumps sẽ đưa đẩy cuộc chiến thương mại với Trung Quốc lên mức có lợi nhất cho Mỹ nhằm tạo điều kiện cho ông có một nhiệm kỳ thứ hai. Ngày 14-5-2019, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ chi 15 tỉ đô la Mỹ, bằng đúng số tiền nông dân Mỹ xuất sản phẩm sang Trung Quốc, để hỗ trợ nông dân - những người đã bỏ phiếu cho ông mạnh mẽ trong cuộc bầu cử gần nhất.

Trung Quốc có thể câu giờ, tìm kế hoãn binh, nhưng Mỹ thì không. Không ai có thể dự đoán chiến tranh thương mại bao giờ kết thúc

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả