Tiếp cận EVFTA chậm như CPTPP thì chỉ có cơ hội trên giấy
Nếu các bộ, ngành, địa phương triển khai tiếp cận hiệp định EVFTA vẫn chậm trễ như triển khai CPTPP thì tất cả những bài trình bày về cơ hội vẫn là trên giấy.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công thương) nhận định như vậy tại hội thảo "Nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) sớm được thông qua" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10-7.
Ông Khanh nhận định lợi ích cộng hưởng từ việc tham gia hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA, sắp tới có thể thêm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các FTA khác mà nếu cộng đơn thuần theo một số tính toán dự báo thì có thể làm tăng GDP từ 13% - 16%.
"Nhưng khả năng hấp thụ đến đâu? Bởi nhiều FTA giống như nhiều thang thuốc bổ, nếu cơ thể chúng ta đủ khỏe để hấp thụ thì rất tốt, nhưng nếu cơ thể chúng ta yếu thì lợi bất cập hại" - ông Khanh nhấn mạnh
Theo ông Khanh, phía doanh nghiệp và cả các bộ, ngành, địa phương vẫn còn chưa có sự chủ động.
Đơn cử như khi Thủ tướng ban hành quyết định thực thi hiệp định CPTPP và yêu cầu các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổng hợp, nhưng chỉ nhận được kế hoạch của có 10 bộ ngành.
Theo ông Khanh, doanh nghiệp phải chuẩn bị ngay để tận dụng cơ hội từ hiệp định này vì EVFTA có lộ trình cắt giảm thuế quan rất ngắn, rất nhiều mặt hàng có cơ hội vào EU tốt với thuế suất bằng 0%.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng nhận thức rõ được các cơ hội mà các hiệp định CPTPP hay EVFTA mang lại, nhưng độ sẵn sàng của cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý vẫn còn thấp, vì vậy cần phải tiếp tục cải cách thể chế, hội nhập hóa để có lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam.
"Chúng ta vẫn nói cắt giảm 50% thủ tục nhưng có thực chất không? Có thể cắt giảm nữa không? Chúng ta đã có nhiều cải cách trong xuất nhập khẩu qua biên giới nhưng thủ tục hành chính, chi phí trong năm ngoái vẫn còn gấp 2, 3 lần so với ASEAN, vấn đề này phải được tiếp tục cải cách" - ông Lộc nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận