menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Quang

Tiền thuê mặt biển quá đắt, dầu khí khó hút vốn

Không một nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài nào có thể chịu được mức tiền thuê mặt nước, mặt biển, khiến thu hút đầu tư vào ngành dầu khí gặp khó khăn.

Thêm khoản nộp lớn

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, với diện tích bình quân của 1 lô dầu khí khoảng 5.000 km2, thì với quy định về tiền thuê mặt nước, mặt biển hiện nay, mỗi năm nhà thầu dầu khí sẽ phải bỏ ra 10-15 triệu USD. Mà đây cũng chỉ là trong giai đoạn thăm dò thôi.

“Không một nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài nào có thể chịu được mức tiền này. Áp dụng quy định này thì tự đóng cửa chính chúng ta”, ông Thanh nói.

Vướng mắc được Chủ tịch HĐTV của PVN nhắc tới ở đây liên quan tới quy định thu tiền thuê mặt nước, mặt biển theo Nghị định 123/2017/NĐ-CP (Nghị định 123), có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Theo đó, Nghị định 123 đã bổ sung quy định về cho thuê mặt nước, mặt biển với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí (liên quan đến Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, mặt nước), đồng thời bãi bỏ điều khoản loại trừ nghĩa vụ nộp tiền thuê mặt nước trong mẫu hợp đồng dầu khí (liên quan Nghị định 33/2013/NĐ-CP).

Dẫu vậy, từ khi Nghị định 123 có hiệu lực đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa thể thu được một đồng nào tiền cho thuê mặt biển đối với hoạt động dầu khí.

Theo tính toán của PVN, với những trường hợp ký hợp đồng dầu khí mới, phần diện tích mặt biển phục vụ hoạt động tìm kiếm, thăm dò sẽ khá lớn, thậm chí lên tới hàng chục ngàn km2. Do vậy, giá trị tiền thuê mặt nước theo quy định của Nghị định 123 cũng sẽ rất lớn so với chi phí của nhà thầu ở giai đoạn này.

Một số ví dụ cụ thể cũng đã được PVN chỉ ra. Đơn cử, một lô dầu khí có diện tích mặt biển được cấp là 2.576 km2, tổng chi phí cho tiền thuê mặt nước mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà là hơn 16 triệu USD. Với một lô dầu khí khác có diện tích 1.184 km2, tổng chi phí cho tiền thuê mặt nước phải trả cho nước chủ nhà cũng là khoảng 15 triệu USD.

Trong trường hợp gia hạn thời hạn hợp đồng dầu khí, nhà thầu cũng phải trả tới 300 triệu đồng cho 1 km2 diện tích mặt biển thuộc phạm vi được cấp để khai thác.

“Diện tích phát triển của một mỏ đang hoạt động được phê duyệt là 150 km2, thì tổng chi phí cho tiền thuê mặt nước mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khoảng 1,9 triệu USD/năm. Con số này so với chi phí hoạt động (OPEX) của mỏ hiện nay và trong thời gian gia hạn đang được tính toán chỉ là 2-3 triệu USD/năm sẽ là quá lớn, khiến nhà thầu không mặn mà kéo dài thời gian khai thác, dẫn tới không tận thu được tài nguyên”, nguồn tin từ PVN nói.

Chờ sửa

Theo các chuyên gia, ở giai đoạn thăm dò, nhà thầu được độc quyền triển khai hoạt động dầu khí ở diện tích rất lớn, từ hàng trăm đến hàng chục ngàn km2 và kéo dài từ 2 đến 9 năm. Tuy nhiên, hoạt động thực địa không diễn ra liên tục mà theo chiến dịch. Chẳng hạn, chiến dịch thu nổ địa chấn thường thực hiện trong thời gian 1-2 tháng; chiến dịch khoan 1-2 giếng thì mất 2-6 tháng; hoạt động khảo sát đáy biển, thu thập mẫu có khi ngắn hơn.

Mỗi hoạt động như vậy, ở thời điểm cụ thể chỉ diễn ra ở khu vực biển nhất định, diện tích nhỏ và mọi hoạt động kinh tế biển khác ở quanh đó vẫn diễn ra bình thường, kể cả trong diện tích biển rộng lớn mà nhà thầu được độc quyền thăm dò. Và về nguyên tắc, doanh nghiệp có hoạt động kinh tế biển đó vẫn có nghĩa vụ tài chính thuê mặt biển và dẫn tới thuế chồng thuế, phí chồng phí.

Vì quy định về cách tính diện tích mặt biển, thời gian tính tiền thuê và mức phí cho mỗi loại hoạt động dầu khí không rõ ràng, nên bài toán tài chính ra kết quả khác nhau, khó đoán định. Đã có những nhà thầu dầu khí trì hoãn ký hợp đồng dầu khí. Trên thực tế, cả năm 2018, PVN không ký thêm được hợp đồng nào, kể cả ký gia hạn thỏa thuận cũ.

Bởi vậy, PVN cũng liên tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh Nghị định 123 theo hướng giữ nguyên mẫu hợp đồng trong Nghị định 33/2013/NĐ-CP, miễn áp dụng thu tiền thuê mặt nước.

Được biết, ngày 5/8/2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, cùng PVN nghiên cứu ý kiến của Bộ Tài chính tại Văn bản 7567/BTC-QLCS (ngày 1/7/2019) và Công văn 7100/DKVN-QLHĐ (ngày 20/11/2018), trên cơ sở đó xem xét, cân nhắc sự cần thiết sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại