Tiền thừa mà khó cho vay: Khối u nào khiến dòng vốn bị tắc nghẽn?
Việc ngân hàng dư thừa nguồn lực nhưng không thể cho vay đặt ra câu hỏi cho các nhà quản lý: Khối u nào đang lớn dần trong mạch máu của nền kinh tế khiến dòng vốn bị tắc nghẽn?
Phải khai thông thị trường, kích thích tiêu dùng
Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ lại khó khăn như bây giờ. Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải ‘chữa bệnh thừa tiền’, giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền”.
Câu chuyện ngân hàng thừa tiền được Phó thống đốc đề cập khá nhiều trên các diễn đàn. Theo đó, chữa “bệnh” thừa tiền bằng… chính sách đã được triển khai trên cơ sở Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Các ngân hàng hưởng ứng rất nhiệt tình và Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi vay ưu đãi.
Đáng nói, mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm nhưng dòng vốn huy động tại các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trong 9 tháng qua.
Ở góc độ này, ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cho rằng đến nay, phần lớn trong số những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đã kiệt quệ về tài chính, không còn tài sản thế chấp, trong khi đó hệ thống ngân hàng cũng gặp khó khăn khi dư thừa nguồn lực nhưng không thể cho vay.
“Điều này đặt ra một câu hỏi lớn cho các nhà quản lý rằng khối u nào đang lớn dần trong mạch máu của nền kinh tế khiến dòng vốn bị tắc nghẽn. Câu trả lời phải chăng nằm ở thị trường tiêu dùng”, ông Thân đặt câu hỏi.
Theo ông Thân, mặc dù từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần lãi suất với mức 0,5% - 2%/năm, thậm chí các ngân hàng thương mại đang dư tiền trong ngân hàng nhưng không thể cho vay, việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp và vòng quay tiền chậm.
“Trong bối cảnh phục hồi lại xuất hiện hai nghịch lý, thứ nhất là các ngân hàng đang phải ôm một lượng tiền gửi lớn chưa từng có của người dân từ trước đến nay trong khi tín dụng tăng chậm dù lãi suất cho vay giảm. Nghịch lý tiếp theo là tiền dư, lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng không thể tiếp cận”, ông Thân nói.
Lý giải hiện tượng “tồn kho tiền”, ông Nguyễn Văn Thân phân tích, ngoài biến động kinh tế, chính trị thế giới làm ảnh hưởng nguồn cung, đơn hàng và giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu… thì ở trong nước, cầu đầu tư chưa có tiến triển do các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản và trái phiếu vẫn “tê cứng”…
“Nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ, còn nhiều doanh nghiệp được ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay. Vậy, phải chăng việc khai thông nguồn vốn tín dụng không chỉ hướng tới các đối tượng có nhu cầu vay mà phải hướng tới cả các đối tượng có tiền mang đi gửi ngân hàng do chưa biết phải đầu tư vào đâu? Nói một cách khác là làm sao để họ rút tiền gửi và lưu thông vào thị trường”, ông Thân nêu.
Ông Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, dường như khẩu vị rủi ro của các ngân hàng thương mại đang có sự thay đổi.
“Rõ ràng tính đến cuối tháng 6/2023, các ngân hàng thương mại đã cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. Đây là con số không hề nhỏ nhưng thực tế tình hình cho vay 3 tháng gần đây lại có xu hướng khó khăn hơn. Phải chăng các ngân hàng thương mại đang dự báo tình hình tăng trưởng của thị trường khác so với dự báo của doanh nghiệp?”, ông Thân đặt vấn đề.
Tuy nhiên, ông Thân cũng thừa nhận rằng thực trạng yếu kém trong công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh từ phía doanh nghiệp vừa và nhỏ là không thể phủ nhận, thậm chí là chậm tiến bộ. Điều này khiến cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể xây dựng lòng tin với nhau để từ đó tăng cường hoạt động cho vay tín chấp.
Theo đó, về bản chất, các ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên khi cảm thấy yên tâm về sức khỏe của người đi vay thì họ chắc chắn sẽ không từ chối. Việc lựa chọn khẩu vị rủi ro đối với ngân hàng thương mại là quyền được pháp luật quy định.
“Do vậy, khó khăn của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng không thể hoàn toàn quy chụp cho các ngân hàng thương mại. Mấu chốt của giải pháp là khai thông thị trường, kích thích tiêu dụng, nhất là tiêu dùng trong nước”, ông Thân nói.
Nhà nước nên tháo gỡ những nút thắt nóng?
Để giải quyết vấn đề nêu trên, ông Thân cho rằng vai trò dẫn lối của nhà nước trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng. Với nguồn lực có hạn, nhà nước nên tập trung tháo gỡ những nút thắt “nóng”, có sức lan tỏa cao để tạo động lực cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động.
Chẳng hạn thúc đẩy lĩnh vực đầu tư công và bất động sản, đây là những khu vực có khả năng lan tỏa cao và trước mắt cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công và phát triển nhà ở xã hội.
“Nhà nước cần có những chính sách để khuyến khích doanh nghiệp 'thích thú với nhà ở xã hội', tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được tham gia ít nhất 30% vào các dự án đầu tư công để từ đó huy động được đa dạng nguồn lực xã hội”, ông Thân nói.
Ngoài ra, nhà nước cần ban hành các chính sách thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa thông qua các giải pháp về tài khóa như kéo dài thời gian giảm 2% thuế GTGT, hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu, giảm các loại thuế, phí lệ phí…
Ông Thân cũng đề nghị hoàn thiện cơ chế phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán; nghiên cứu mở rộng, tạo điều kiện cho các kênh dẫn vốn khác; sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về các tổ chức tín dụng và quyết tâm loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sân sau trong hoạt động ngân hàng để lành mạnh hóa thị trường vốn tín dụng.
Về phía ngành ngân hàng, cần xem xét giảm các điều kiện cho vay; nghiên cứu hạ lãi suất trên cơ sở ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, kiểm chế lạm phát và giữ ổn định tỷ giá…
Theo ông Thân, đứng ở cả góc độ của cả nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp, có thể nói vấn đề tín dụng hiện nay không thể giải quyết bằng ý chí của một bên mà các bên cùng phải lắng nghe, đứng vào vị trí của nhau để cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Ông Thân cho rằng việc giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Mấu chốt là nhà nước, đặc biệt là Chính phủ cần làm sao hỗ trợ, nâng tầm doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng để họ có khả năng tự tìm kiếm cơ hội phát triển một cách bền vững, thay đổi tư duy kiếm cơm qua ngày; đáp ứng được yêu cầu cho vay (cụ thể là khả năng công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh…).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận