Tiền tệ kỹ thuật số: Các thách thức về kinh tế và địa chính trị
Theo hai chuyên gia Stewart Fleming và Stephen Pickford thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Chatham House (Anh), tiền điện tử kỹ thuật số đang thu hút nhiều sự chú ý trong chương trình nghị sự chính sách tài chính của các nước, trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ tìm cách khai thác kiếm tiền từ kiến thức chuyên môn về công nghệ và dữ liệu từ hàng tỷ người dùng.
Chính phủ thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhận thức rõ về lợi ích của công nghệ tài chính kỹ thuật số, nhưng cũng rất lo ngại về chính sách công và các mối đe dọa địa chính trị từ sự đổi mới có khả năng gây rối loạn này, đặc biệt là từ cái gọi là “đồng tiền kỹ thuật số ổn định toàn cầu” (Global Stablecoin) được vận hành bởi các quy định lỏng lẻo và các gã khổng lồ công nghệ phi tài chính, nhưng lại được tính bằng đồng tiền quốc gia.
Cho đến nay, Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong ghi nhận phản ứng từ khu vực công, khi tung ra thử nghiệm trong nước đối với đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn vào năm 2020. Nước này cũng bắt đầu kiểm soát Ant Group, công ty công nghệ tài chính lớn nhất của Trung Quốc.
Nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương lớn khác, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), hiện đang xem xét liệu có nên làm theo cách của Trung Quốc, bằng cách tung ra các loại tiền kỹ thuật số chính thức hay không. Họ cũng nhận thức rằng, đây là những quyết định có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống tài chính quốc tế rộng lớn hơn, chẳng hạn như vai trò tương lai của đồng USD và các đồng tiền dự trữ khác, và vai trò của họ trong hỗ trợ thương mại và tài chính quốc tế.
Tại sao các ngân hàng trung ương muốn tiền tệ kỹ thuật số của riêng họ?
Một lý do đã nêu là hiệu quả của các hệ thống thanh toán có thể tạo ra, nhưng thực tế là động cơ của mỗi nước là khác nhau và vượt xa lập luận về hiệu quả. Trong trường hợp của Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể thúc đẩy quá trình quốc tế hóa nhân dân tệ và giúp hạn chế vai trò thống trị của đồng đô la trong thương mại và tài chính quốc tế. Điều này có thể giúp hạn chế việc Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các chính sách trừng phạt của Mỹ vốn dựa nhiều vào vị thế ưu việt của đồng USD trong tài chính quốc tế.
Các biện pháp trừng phạt cũng là động lực thúc đẩy Liên minh châu Âu nghiên cứu về đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, kể từ khi chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với một số công ty EU.
Các ngân hàng châu Âu cũng nói rõ rằng, họ muốn chính phủ của họ đảm bảo EU không bị bỏ lại phía sau trong bất kỳ cuộc đua nhằm phát triển tiền tệ kỹ thuật số cả khu vực tư nhân và nhà nước, để các ngân hàng này có thể tận dụng hiệu quả mang lại.
Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng mới của các “gã khổng lồ công nghệ” - chẳng hạn như Facebook - hiện không bị ràng buộc bởi quy định ngân hàng, trong khi sở hữu công nghệ vượt trội, cơ sở hàng tỷ khách hàng tiềm năng trên toàn cầu và khả năng mở rộng quy mô kinh doanh với tốc độ nhanh. Những gã khổng lồ công nghệ có khả năng đi trước một cách nhanh chóng nếu được phép.
Các loại tiền kỹ thuật số sẽ ảnh hưởng đến địa chính trị như thế nào?
Sự mở rộng của các công ty công nghệ lớn vào lĩnh vực tài chính toàn cầu vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, khi những gã khổng lồ này mở rộng và bản thân các ngân hàng cũng mở rộng dấu chân kỹ thuật số của mình, công nghệ tài chính sẽ định hình lại không chỉ lĩnh vực thương mại mà còn cả lĩnh vực địa chính trị.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia của Vương quốc Anh, ông Mark Lyall Grant gần đây đã cảnh báo về mối đe dọa tài chính của Trung Quốc từ đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, cho rằng sự ra đời của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ mang lại cho Trung Quốc khả năng “vượt qua các hệ thống ngân hàng truyền thống của thế giới và sau đó thách thức đồng USD”.
Thế giới đang hướng tới hợp tác tiền tệ hay đối đầu?
Sự ra đời rộng rãi của các loại tiền kỹ thuật số có khả năng biến đổi hệ thống tài chính thế giới. Vào tháng 01/2020, một nhóm các ngân hàng trung ương của nền kinh tế tiên tiến - gồm Canada, Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - đã thông báo rằng họ đang làm việc cùng nhau về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã tham gia vào nhóm các nước trên, nhưng Trung Quốc không phải là một phần của nhóm, mặc dù đã tung ra thử nghiệm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trong nước. Chắc chắn thách thức địa chính trị đang rình rập từ Trung Quốc là động lực để các nước khác - đặc biệt là các nền kinh tế G7 - hợp tác.
Các thỏa thuận hợp tác giữa các ngân hàng trung ương này không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình không chỉ các tiêu chuẩn quốc tế cho các loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền, mà còn cho việc quản lý và giám sát một hệ thống tài chính toàn cầu được số hóa sâu sắc hơn. Và cơ hội để nhóm các nền kinh tế tiên tiến này hợp tác với nhau càng được nâng cao khi Tổng thống Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng.
Với bản chất hội nhập toàn cầu của tài chính ngày nay, Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của chính mình tốt nhất bằng cách hợp tác với các chính phủ cùng chí hướng khác để cùng nhau định hình thiết kế tổng thể của tài chính kỹ thuật số, thay vì tập trung vào việc bảo vệ vị trí truyền thống của đồng USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận