Tiến sỹ Võ Trí Thành: “Chúng ta sẽ viết hoa từ DOANH NGHIỆP VIỆT”
Đằng sau những con số thống kê về tăng trưởng và phát triển của một quốc gia chính là câu chuyện doanh nghiệp. Thắng, thua, thành, bại đều ở doanh nghiệp.
Khi khát vọng được chuyển giao
Ngày cuối cùng của tháng 10/2020, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội, trong một cuộc gặp vô cùng đặc biệt giữa những người cha và những đứa con, đã có những giọt nước mắt rơi xuống.
Chủ đề của cuộc nói chuyện là sự chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình, nơi mà những người cha đã dành cả cuộc đời để gây dựng và đang trông đợi vào những đứa con đã được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Nhưng không phải đứa con nào cũng sẵn có đam mê, khát vọng kinh doanh.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã ở đó, đã thấy nước mắt kìm nén trên khuôn mặt những đứa con và cả những giọt nước mắt lặn vào bên trong những người cha, người mẹ doanh nhân.
“Có người cho là ngôn từ, là cách nói, nhưng tôi cảm nhận phần chân thật rất rõ khi được nghe, được thấy các doanh nghiệp nói với nhau về khát vọng muốn lớn lên, muốn mạnh hơn, muốn sánh vai với các cường quốc”, ông Thành tâm sự.
Chưa bao giờ thấy ông hào hứng nói về khát vọng Việt, nói về doanh nghiệp Việt đến vậy?
Năm vừa rồi, tôi có dịp làm việc với nhiều doanh nghiệp, trao đổi với họ về sự chuyển giao thế hệ. Khi tôi nghe những thế hệ doanh nhân hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước nói về chuyển giao giá trị, về khát vọng của thế hệ với những người con của mình, tôi thấy hạnh phúc.
Tất nhiên, trong các kế hoạch chuyển giao, thì tài sản, vốn liếng mà thế hệ đi trước đã tích lũy rất quan trọng, rất có ý nghĩa đối với sự phát triển tiếp theo của doanh nghiệp.
Nhưng khi thế hệ kế tiếp cảm nhận được sự thôi thúc phải sống đàng hoàng hơn của thế hệ đi trước - những người đã phải mất nhiều thời gian, sức lực để sống, để đủ ăn, đủ mặc... trước khi gây dựng được sự nghiệp như hiện tại, thì kinh doanh có thể không chỉ là một nghề, mà sẽ trở thành đam mê, thành hoài bão.
Khi đó, câu chuyện về khát vọng bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên ở một vài điểm nào đó sẽ không là giấc mơ hay ước vọng hão huyền…
Như ông đã từng nói, một đất nước không thể thịnh vượng, hùng cường nếu thiếu vắng lực lượng cùng sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt và doanh nhân của đất nước.
Tôi tin vào tiềm năng để thực hiện sứ mệnh trên từ chính sự chuyển giao khát vọng trong từng doanh nhân với các thế hệ kế tiếp.
Cuối năm 2020, Brand Finance đã ghi nhận mức tăng 29% về giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam so với năm 2019, lên tới 319 tỷ USD, mức tăng cao nhất thế giới.
Đằng sau con số trên và nhiều thống kê về tăng trưởng và phát triển của một quốc gia chính là câu chuyện doanh nghiệp. Thắng, thua, thành, bại cũng ở doanh nghiệp.
Tất nhiên, còn rất nhiều thách thức để cộng đồng doanh nghiệp thực sự là động lực tăng trưởng và phát triển quan trọng nhất, nhưng tôi muốn viết hoa từ Doanh nghiệp Việt.
Nhìn lại dòng chảy của những năm Đổi mới, 3 - 4 thế hệ doanh nhân Việt đã hình thành, đầy bươn trải cùng với sự “gồ ghề” của các từ ngữ khi nói về khu vực tư nhân. Đến giờ, khi chúng ta có hơn 800.000 doanh nghiệp, hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) và nhiều tập đoàn, công ty tư nhân lớn, những tranh luận về vị trí, vai trò của khu vực này trong sự phát triển của đất nước vẫn còn.
Song, năm 2020, chúng ta đã có những thương hiệu Việt có giá trị trong top 500, 1.000 của thế giới, được định giá hàng chục, hàng trăm triệu và cả tỷ USD. Chúng ta có 6 tỷ phú USD, đã có 2 kỳ lân. Doanh nghiệp Việt đã hoàn thành công trình cao 81 tầng, làm chủ công nghệ cao, đã làm nên diện mạo của ngành công nghiệp ô tô, của du lịch…
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã bước sang các lĩnh vực gắn nhiều hơn với công nghệ và sáng tạo, với xanh hơn, bền vững hơn như nông nghiệp thông minh, sản xuất xanh… Đã có những con sếu đầu đàn, dù chưa nhiều.
Giới khởi nghiệp có mang lại cho ông sự hào hứng nào không?
Start-up theo nghĩa khởi nghiệp gắn với đổi mới, sáng tạo đang nổi bật lên với khát vọng tràn đầy. Trong 2 - 3 năm qua, giới start-up Việt lớn lên về kinh nghiệm, lớn lên về ý chí, khát vọng, lớn lên về cách làm kinh doanh. Tôi thấy ở đó chất sáng tạo khác thường, tốc độ tăng trưởng rất nhanh, tất nhiên là rủi ro lớn. Nhưng khi giới trẻ dám “chơi” với rủi ro, gắn với sáng tạo, họ sẽ là thế hệ dám dấn thân.
Vẫn còn giấc mơ về những doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh
Doanh nghiệp Việt Nam chưa lớn, khó lớn không chỉ là sự trăn trở của giới chuyên gia kinh tế. Các doanh nhân cũng đau đáu về điều này. Có người nói, họ không ngần ngại lao vào cạnh tranh, học cách lớn lên và cũng đang lớn lên…
Doanh nghiệp Việt có “lớn” nhưng chưa đủ “lớn mạnh”. Một số doanh nghiệp ít nhiều đã có nguồn lực, có điều kiện hơn để “đi tắt đón đầu” và có thể bắt kịp xu hướng thời đại. Song để thực sự “lớn mạnh” là cả một câu chuyện đầy thách thức.
Lớn mạnh theo nghĩa là phải làm chủ công nghệ và có năng lực sáng tạo cao; là phải có thương hiệu đầy sức cuốn hút, dần được thế giới ghi nhận.
Lớn mạnh là phải tạo ra những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của cuộc cách mạng tiêu dùng mới (xanh, thuận tiện/thông minh, nhân văn, và cá tính/biểu tượng người dùng).
Lớn mạnh hơn nữa là chi phối hệ thống phân phối cùng tạo được hiệu ứng lan tỏa cao.
Để trở nên “lớn mạnh”, những người đứng đầu doanh nghiệp lớn phải thực sự có khát vọng, sự dấn thân, phải có tầm nhìn toàn cầu, bản lĩnh, sự chuyên nghiệp và khôn khéo.
Cạnh tranh là cạnh tranh thật bằng sản phẩm, thành quả thật. Lớn mạnh còn là sự tiên phong trong đột phá phát triển và đầu đàn trong tạo dựng mạng liên kết sản xuất, kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Và chính vì vậy, họ phải tạo được khả năng thu hút những người tài/những kỹ năng tốt nhất trên toàn cầu. Khi đó, giá trị, đóng góp và hình ảnh, thương hiệu của họ sẽ tăng lên nhiều lần.
Có thể hiểu là, chuyển đổi từ “lớn” sang “lớn mạnh” là cuộc chuyển đổi chiến lược, về bản chất là chuyển đổi giá trị của công ty, tập đoàn. Mọi việc sẽ đi nhanh hơn trong cuộc cách mạng 4.0, trong nền kinh tế số, thưa ông?
Đúng như vậy. Một trào lưu mới đang nổi lên mạnh mẽ là chuyển đổi chiến lược thông qua chuyển đổi số. Cách này sẽ tạo ra bước nhảy vượt bậc về năng lực quản trị, trải nghiệm khách hàng và mô hình kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số. Một số công ty/tập đoàn Việt tuyên bố sẽ trở thành doanh nghiệp số.
Nhưng phải thấy rõ, chuyển đổi số doanh nghiệp là một tiến trình đầy gian lao, cũng không có đáp án sẵn cho mọi doanh nghiệp. Nhưng tôi nghĩ đến 3 bài học lớn nhất ở đây.
Một là, “nghĩ lớn, làm cụ thể”, thực thi quyết liệt từ những việc nhỏ, có tính sáng tạo và mức độ lan tỏa cao. Hai là, gắn bó chuyển đổi số với chiến lược công ty. Ba là, lãnh đạo phải đi tiên phong.
Nhưng cũng phải nhắc đến những hỗ trợ thích hợp, thiết thực của Nhà nước rất cần thiết cho tiến trình đó. Đất nước cần tiếp thêm lửa cho những xu hướng chuyển đổi tích cực của họ?
Một dân tộc tràn đầy sức sống suốt hàng ngàn năm dựng và giữ nước không thể thiếu bản lĩnh và sáng tạo. Song chất công nghệ, sáng tạo, trong tiến trình phát triển đất nước suốt thời gian dài qua, nhất là trong hoạt động kinh tế, còn thấp.
Ngay từ năm 1976, Việt Nam đã coi cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. Đến năm 1996, Việt Nam thậm chí đưa vào đường lối phát triển là “từng bước phát triển kinh tế tri thức”. Tuy nhiên, cả hai lần, Việt Nam đều lỡ nhịp.
Nhưng sẽ không có lần nữa khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là của người đứng đầu, sự “đau đáu” trong nghĩ suy và quyết liệt trên thực tế khi nói về phát triển, về chuyển đổi số.
Đây là điểm quan trọng. Kinh tế số có nhiều khác biệt căn bản, thậm chí là nhiều điểm dị thường so với kinh tế “thực” truyền thống, cả về nguồn lực, đặc trưng và cách thức tương tác, vận hành.
Sẽ có những va đập, thậm chí xung đột là khó tránh khỏi giữa hai cơ chế vận hành kinh tế - cũ và mới. Lúc này, ý chí chính trị, nguyên tắc chức nghiệp thực tài và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hoạch định chính sách phải được đề cao hơn bao giờ hết. Lúc này, chần chừ, do dự cải cách là có lỗi với nhân dân, có tội với đất nước.
Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, vai trò trung tâm của quá trình chuyển đổi này chính là tinh thần kinh doanh và sáng tạo, doanh nhân và doanh nghiệp. Và đó là trung tâm, mục tiêu của những thay đổi về tư duy theo hướng thoát cũ, xây mới.
Khi đó, chúng ta sẽ giải bài toán tạo dựng các công ty, tập đoàn tư nhân lớn trở nên lớn mạnh mà căn cơ hơn, đồng thời tạo dựng nền móng tốt nhất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giới start-up ra đời và trưởng thành.
Đất nước, con người và doanh nhân Việt Nam xứng đáng có nhiều doanh nghiệp như vậy.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận