Tiền lãi trái phiếu: VEC xin miễn hoặc được khoanh hơn 4.500 tỷ đồng
Tổng Công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng, nếu phải trả khoản lãi hơn 4.500 tỷ đồng trái phiếu cho Bộ Tài chính, tổng công ty có nguy cơ mất cân đối tài chính, mất khả năng trả các khoản nợ đã vay đầu tư cao tốc.
VEC vừa có văn bản báo cáo các bộ ngành đề xuất trình Chính phủ phương án xử lý tiền lãi phát sinh từ lô trái phiếu Bộ Tài chính đã trả nợ thay VEC. Theo đó, lô trái phiếu công trình này trị giá hơn 5.334 tỷ đồng, được Chính phủ bảo lãnh, Bộ Tài chính đã ứng ngân sách trả thay VEC và tính lãi từ năm 2012 tới nay.
Chủ tịch HĐTV VEC Trương Việt Đông cho biết, tháng 6/2022, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu VEC trả lãi phát sinh của khoản trái phiếu kể trên. Trong đó, lãi phát sinh giai đoạn 2012-2021 khoảng 4.561 tỷ đồng và dự kiến giai đoạn 2022-2026 khoảng 1.179 tỷ đồng (lãi suất bình quân 12%/năm). “Nếu phải trả khoản lãi phát sinh này, sẽ bị vỡ phương án tài chính 5 cao tốc do VEC đầu tư khai thác, mất khả năng trả nợ vay nước ngoài đầu tư dự án”, ông Đông lo lắng.
Theo ông Đông, VEC tiếp tục phải tự thu xếp hơn 18.500 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện, mở rộng các tuyến cao tốc đang khai thác. Do đó, nếu VEC phải thanh toán ngay khoản tiền lãi trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả trước (cùng tiền gốc), VEC sẽ mất cân đối tài chính từ năm 2025 (năm 2025 sẽ âm 762 tỷ đồng, năm 2026 âm 1.204 tỷ đồng).
Hiện VEC chưa được tăng phí tại các tuyến cao tốc theo lộ trình được duyệt (theo lộ trình 3 năm tăng 1 lần, mỗi lần tăng phí 12%). Cụ thể, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có lộ trình tăng phí từ năm 2011; cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Dầu Giây tăng phí năm 2014; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tăng phí năm 2017, nhưng đều chưa được tăng.
VEC đề nghị các bộ, ngành báo cáo Chính phủ 2 phương án xử lý với khoản tiền lãi trái phiếu. VEC xin miễn khoản lãi phát sinh từ số trái phiếu trên trong giai đoạn 2012-2021 (hơn 4.561 tỷ đồng) và các khoản lãi phát sinh sau đó. Hoặc, Chính phủ khoanh khoản lãi trên và không tính lãi từ năm 2022 trở đi với VEC; số tiền lãi hơn 4.500 tỷ đồng cho VEC trả góp trong 5 năm, từ năm 2030 trở đi, mỗi năm trả 912 tỷ đồng để không ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động của đơn vị.
Lãnh đạo VEC cho rằng, nếu chưa phải trả khoản tiền lãi trái phiếu kể trên, dòng tiền của VEC sẽ luôn dương. Dự kiến, năm 2023 dương 7.920 tỷ đồng, năm 2024 hơn 7.400 tỷ đồng, năm 2025 hơn 7.300 tỷ đồng... Hết năm 2022, VEC đang có dòng tiền kết dư hơn 9.700 tỷ đồng.
Về dòng tiền của VEC, Bộ GTVT cho hay, trên cơ sở tính toán doanh thu, chi phí, đầu tư, lãi suất, lạm pháp, khả năng trả nợ trái phiếu cho Bộ Tài chính… trong các năm tới dòng tiền luỹ kế sau thuế của VEC vẫn luôn dương. Bộ GTVT tính toán, hết năm 2022, dòng tiền của VEC dương hơn 9.600 tỷ đồng, năm 2023 dự kiến dương hơn 9.400 tỷ đồng, tới năm 2025 dự kiến dương hơn 12.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VEC đang chờ Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VEC, trong đó có việc tăng vốn điều lệ, cho phép VEC huy động thêm vốn tín dụng để đầu tư các tuyến cao tốc mới, mở rộng cao tốc đang khai thác.
Bộ Tài chính đánh giá, hiện VEC thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ theo các hiệp định vay đầu tư cao tốc, không phát sinh nợ quá hạn. Nếu tính riêng lẻ từng năm, dòng tiền của VEC âm, như năm 2022 âm 518 tỷ đồng, năm 2023 âm 167 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế sau thuế dòng tiền luôn dương, như năm 2022 dương hơn 9.600 tỷ đồng, dự kiến năm 2025 dương hơn 12.500 tỷ đồng.
Tới hết năm 2021, tổng vốn ngân sách đã đầu tư cho 5 tuyến cao tốc của VEC quản lý, khai thác hơn 48.126 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA hơn 33.000 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 15.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VEC tự huy động hơn 56.800 tỷ đồng đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận