Tiền không có chỗ chạy, HOSE bất ngờ “rút phích“: Thấy gì từ cơn “sóng thần“ của TTCK?
HOSE chủ động ngừng hệ thống kiểu rút phích nhưng hàng triệu nhà đầu tư lại bị động vì không được thông báo trước. Bất chấp rủi ro hệ thống, dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán.
HOSE bất ngờ ngừng giao dịch theo kiểu "rút phích" khi thấy hệ thống có dấu hiệu quá tải
Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến "cơn điên" của dòng tiền. Theo giới trong ngành, dòng tiền đang "không có chỗ chạy", do lượng tiền đổ về từ F0 quá lớn. Điều này được thể hiện qua cơn sóng thần của VN-Index khi liên tục chinh phục đỉnh mới sau mỗi phiên. Phiên ngày 4/6, VN-Index vượt qua mốc 1.374 điểm và nhà đầu tư vẫn "cướp cổ trên sàn" với khối lượng giao dịch trên 30.000 tỷ đồng.
Nhìn lại tuần qua, chiều 1/6, bất ngờ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo ngừng giao dịch vì quá tải liên tục. HOSE đồng thời có thông báo gửi các công ty chứng khoán thành viên về sự cố giao dịch trên. Theo đó, với việc ngừng giao dịch phiên chiều, giá đóng cửa của chứng khoán niêm yết trên HOSE ngày 1/6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng.
Chia sẻ với báo chí trong buổi chiều cùng ngày về việc tại sao HOSE lại phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho rằng, hiện tượng quá tải hệ thống giao dịch trên HOSE đã xảy ra từ cuối năm 2020.
“Ngày mai (2/6), hệ thống giao dịch của HOSE sẽ trở lại giao dịch bình thường. Như đã chia sẻ, đây là giải pháp ngoài mong muốn, vì vậy chúng tôi hy vọng nhận được sự cảm thông, bình tĩnh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường”, ông Trà cho hay.
Theo giải thích của ông Lê Hải Trà, sự việc này có thể còn xảy ra trong tháng 6. Theo lãnh đạo HOSE, hiện đơn vị này và FPT đã cùng phối hợp, triển khai tích cực việc xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng cho hệ thống hiện tại và dự phòng cho cả hệ thống KRX sau này.
Đến nay, mọi công đoạn xây dựng hệ thống đang được triển khai theo đúng lộ trình đề ra và chưa xuất hiện khó khăn gì lớn. Hiện các bước đang vào những khâu cuối cùng. Vừa qua, HOSE và FPT đã phối hợp cùng các thành viên thị trường “test” chức năng cho hệ thống giao dịch này. Quá trình test diễn ra khá trôi chảy. Các bộ phận đang hoàn thiện để sớm tổ chức “test” thực tế với các công ty chứng khoán.
Đối với hệ thống công nghệ chưa thể khẳng định trước điều gì, nhưng với tiến độ này và không có rủi ro quá lớn xảy ra, thì phía FPT có thể bàn giao hệ thống cho HOSE vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Sau đó, HOSE sẽ có báo cáo các cấp có thẩm quyền để sớm đưa hệ thống này vào vận hành.
Hệ thống mà HOSE và FPT đang xây dựng kỳ vọng sẽ giải quyết được dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh, vì được thiết kế với năng lực nhận lệnh lớn hơn thời điểm hiện tại rất nhiều.
Nhà đầu tư hưng phấn, chỉ quan tâm đến việc "cướp cổ"
Trao đổi với Reatimes về việc HOSE tạm dừng giao dịch, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, với sự hưng phấn của thị trường, nhà đầu tư sẽ bỏ qua thông báo dừng của HOSE. Cách đây 1 - 2 tháng kể cả có tín hiệu nghẽn lệnh và dừng giao dịch, nhà đầu tư cũng chỉ quan tâm đến mua - bán và mua - bán.
"Nhà đầu tư đang hăm hở và kỳ vọng. Điều này không có gì ngạc nhiên. Những kênh đầu tư siêu lợi nhuận, lừa đảo và dùng phương pháp rất cũ mà cũng vẫn có rất nhiều người tham gia, huống chi là chứng khoán không có nguy cơ “lừa đảo” mà chỉ có cơ hội lời lỗ. Nhà đầu tư tham gia vào giai đoạn này kiếm lợi nhuận cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Họ sẵn sàng mua vì còn có “máu cờ bạc” nên đầu tư không có tính dài hạn", TS. Đinh Thế Hiển cho hay.
Quả thực ngay phiên hôm sau HOSE đột ngột ngừng giao dịch, dòng tiền chảy vào ầm ầm, thị trường chứng khoán vẫn tăng điểm. Các công ty chứng khoán thông báo không được sửa hoặc huỷ lệnh. Giá trị giao dịch chứng khoán vẫn liên tục tăng mạnh, đi ngược lại logic kinh tế và khó lý giải theo kiến thức thông thường của những năm trước. Bởi theo logic kinh tế, khi dịch bệnh, nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp gặp khó, thị trường chứng khoán suy giảm. Nhưng lần này, giá trị giao dịch chứng khoán lại tăng mạnh khi nền kinh tế khó khăn.
"Nếu lý giải điều này dựa trên logic, các nhà đầu tư đang dự đoán diễn biến của nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, khi dịch được kiểm soát. Nhưng thực tế, đó lại là điều không logic bởi không ai có thể đoán trước chính xác khi nào dịch bệnh sẽ hết. Thậm chí có dự đoán còn cho rằng Covid-19 sẽ kéo dài tới năm 2023. Thế nên, lý giải này không hợp lý.
Vậy, lý do có thể giải thích rằng, nhà đầu tư đang lướt sóng vì thấy có cơ hội kiếm tiền, quan sát thấy rất nhiều broker tư vấn nhà đầu tư nên mua cổ phiếu không phải vì giá cổ phiếu thấp mà vì giá cổ phiếu đang tăng, thậm chí tăng rất mạnh. Dễ nhận thấy, các nhà đầu tư cá nhân hiện nay tham gia vào thị trường thường nghe theo khuyến nghị mà broker đưa ra. Do đó, diễn biến của thị trường sẽ ảnh hưởng một phần từ nhóm công ty chứng khoán.
Khi nhà đầu tư đặt lệnh mua vào liên tục, cổ phiếu đó sẽ tăng điểm liên tục. Cứ theo logic đó, nhà đầu tư lại mua tiếp và muốn kiếm lời trong ngắn hạn. Như vậy, có thể giải thích rằng, chứng khoán tăng điểm mạnh chính là nhờ lực mua mạnh, dòng tiền chảy vào thị trường quá lớn", TS. Đinh Thế Hiển nhận định.
Đặc biệt, nhiều đại gia có các công ty chứng khoán riêng của mình với quy mô nhỏ, nên vẫn có thể đặt lệnh vào bất kỳ lúc nào mà không sợ phải cạnh tranh lệnh với ai. Dù sàn HOSE bị nghẽn, nhưng không phải tất cả lệnh mua bán từ các công ty chứng khoán thành viên đều bị chặn lại, mà một số nhà đầu tư vẫn có thể vào lệnh và đẩy giá nhiều mã cổ phiếu tăng vọt về cuối phiên. Thực trạng này khiến không ít nhà đầu tư nghi ngờ việc nghẽn lệnh trên thị trường đang bị lợi dụng để thao túng, hoặc có sự thiếu minh bạch, phân biệt nhận/từ chối lệnh giữa các nhà đầu tư.
Một số giải trình đưa ra là do ảnh hưởng của cơ chế phân bổ lệnh cho các công ty chứng khoán hiện nay. Cụ thể, hệ thống giao dịch đang chia đều khoảng 80% số lệnh cho các công ty chứng khoán, còn lại 20% cho lệnh dự phòng. Theo đó, mỗi thành viên sẽ được phân bổ 3.000 đơn vị lệnh cố định, phần lệnh còn lại được hệ thống phân bổ cho các thành viên dựa trên số lượng lệnh bình quân trong vòng giao dịch 30 ngày/thành viên. Do đó, những công ty có thị phần lớn được phân bổ nhiều và ngược lại.
Liệu có bong bóng chứng khoán?
Theo TS. Đinh Thế Hiển, bong bóng chứng khoán ở Việt Nam hiện tại sẽ không xảy ra vì biên độ đều có kiểm soát, có mức trần tăng và mức trần giảm, nên sự sụp đổ là không có. Nhưng khả năng sẽ có một đợt suy thoái, những nhà đầu tư mới vào mua cổ phiếu giá cao sẽ đối mặt với tình trạng thua lỗ.
Tuy nhiên, khi thị trường xuống không phải nhà đầu tư nào cũng lỗ. Quan sát trong 1 năm qua, quá nhiều mã chứng khoán tăng 100% chỉ trong 3 tháng. Nếu nhà đầu tư mua mã cổ phiếu giá 15.000 đồng thì hiện tại lên 40.000 đồng. Giả sử, nhà đầu tư mua trước đó giá 15.000 đồng với số lượng lớn, rồi sau đó họ tiếp tục mua hàng, khi giá điều chỉnh về 30.000 đồng thì nhà đầu tư vẫn lãi. Còn nhà đầu tư mua vào thời điểm giá cao 40.000 đồng nhưng sau đó thị trường điều chỉnh xuống giá, nhà đầu tư sẽ lỗ.
Những nhà đầu tư tham gia vào thị trường cách đây 3 tháng khả năng cao không lỗ, còn nhà đầu tư lao vào lúc giá cổ phiếu tăng cao thì nguy cơ rủi ro lớn. Mua ở giá cao thì nhà đầu tư phải xem xét lịch sử của mã cổ phiếu trong vòng 6 tháng hay 1 năm, cũng như đưa ra những phân tích, tính toán.
Quá nhiều tiền trên sàn, có vào cổ phiếu bất động sản?
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam trao đổi với Reatimes rằng, cần phải nhắc lại, ngành bất động sản là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng bởi chính sách điều tiết dòng tiền của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đây là ngành cần nhiều vốn để đầu tư trong khi lực cầu của thị trường giảm sút nghiêm trọng do đại bộ phận dân chúng đã và đang trải qua một giai đoạn kinh tế khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19. Thế nên, doanh nghiệp địa ốc buộc phải phát hành vốn bằng nhiều hình thức.
Cũng không phải đến thời điểm hiện tại, mà kể từ đầu năm 2018 khi Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng với bất động sản bằng nhiều công cụ điều tiết từ "room" tín dụng tới các công cụ hạn chế dòng tiền, thị trường bất động sản đã đi xuống, các doanh nghiệp cũng như người mua rất vất vả huy động vốn.
Để ứng phó với tình trạng này và tìm nguồn vốn, các doanh nghiệp bất động sản đã tìm đến kênh trái phiếu với số lượng phát hành tăng vọt qua các năm 2018, 2019 và 2020. Đây cũng là con đường "lách" cho vay từ các ngân hàng cho nhóm doanh nghiệp bất động sản khi họ có thể bơm vốn bằng trái phiếu cho nhóm doanh nghiệp này.
Bên cạnh kênh vốn trái phiếu, còn có dòng vốn quốc tế đổ vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, phải là doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, nền tảng doanh nghiệp tốt mới hút được dòng vốn này. Do đó có thể nói, nguồn tiền này là hữu hạn cho nhóm doanh nghiệp bất động sản trên thị trường.
Còn đối với vốn trên thị trường chứng khoán, thực tế nhiều năm nay, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã không còn tăng vốn bằng con đường phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu. Hơn nữa, hầu hết nhà đầu tư đều hiểu nhóm doanh nghiệp bất động sản là "máy ngốn vốn" khổng lồ (chỉ có vào mà không có ra). Do đó, hầu hết các doanh nghiệp phải tăng vốn bằng lợi nhuận để lại. Đây thực chất chỉ là kỹ thuật tài chính chứ không thu được dòng tiền thật sự cho doanh nghiệp.
Hiện tại có thể thấy, doanh nghiệp bất động sản rất khó hút vốn trên thị trường chứng khoán vì đặc thù của nhóm, trừ một vài doanh nghiệp thật sự chất lượng về mặt quỹ đất, quản trị hay tiềm năng tăng trưởng mạnh. Đó cũng là lý do trong "cơn sóng thần" vừa qua, chỉ một số mã cổ phiếu bất động sản theo kịp đà tăng của cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và thép./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận