menu
24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hiểu Minh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tiền khôn tiền dại

Năm tôi lên sáu, cha tôi thửa một ống tre, khoét rãnh nhỏ trên thân, tạo thành cái ống tiết kiệm. Ông dạy, nếu bỏ tiền vào đây thay vì mua kem, cuối năm tôi sẽ có một khoản để mua cái gì đó lớn hơn. Ông hào phóng nhét vào mấy đồng lẻ “làm mẫu”.

Nhà nghèo, không có thu nhập gì đặc biệt, cuối năm tôi chẻ ống tre, mua được một... bánh pháo. Bài học tài chính đầu đời tôi cũng chóng quên. Không có tiền nghĩ gì tới chuyện quản lý?

Nhưng ở tuổi trung niên, tôi nhận thấy, có người trở nên bất hạnh vì giàu sau khi may mắn trúng số hoặc được hưởng thừa kế; lại có người khốn khổ ngụp lặn không thoát khỏi cái nghèo. Giữa họ có một điểm chung: không hiểu và không biết cách quản lý tài chính.

Không phải ai sinh ra cũng đều khôn ngoan về tiền bạc. Thế hệ 7X chúng tôi được trang bị kỹ lưỡng về văn chương và các môn khoa học nhưng không được dạy cách kiếm tiền và tiêu tiền. Người khôn, kẻ dại chủ yếu do tư chất bẩm sinh hoặc quá trình tự quan sát, lượm lặt của mỗi cá nhân từ hoàn cảnh, môi trường sống riêng.

Lãnh đạo một ngân hàng khi tham dự cuộc hội thảo gần đây đã kể câu chuyện cay đắng: trong khi ông đang điều hành ngân hàng với các quyết định nghìn tỷ, ở nhà mẹ ông lặng lẽ gom tiền tiết kiệm để mua... trái phiếu doanh nghiệp, theo lời rủ rê của những người bạn ở tổ hưu. Gặp lúc doanh nghiệp khó khăn, mớ trái phiếu trở thành giấy lộn. Mất tiền nhưng vừa sĩ diện, vừa sợ con, bà giấu biệt cho đến khi con trai tình cờ tiếp cận được dữ liệu khách hàng mua trái phiếu và biết chuyện.

Năm 1995, thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ xếp thứ chín trên mười quốc gia ASEAN, đạt 277 USD. Một hành trình cải thiện thứ hạng đầy vất vả nhưng cũng rất ấn tượng đã diễn ra từ đó đến nay. Năm 2022, GDP bình quân đạt mức 4.100 USD, xếp thứ sáu khu vực ASEAN. Năm 2023, IMF dự báo GDP bình quân của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đạt khoảng 4.682 USD. Và đến năm 2024, vẫn theo IMF, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ vượt mốc 5.000 USD.

Thu nhập ấy và với quy mô dân số vượt mốc 100 triệu người, Việt Nam trở thành một thị trường tài chính sôi động. Khi không còn áp lực cơm áo, người dân bắt đầu quan tâm đến các dịch vụ, tiện ích gia tăng chất lượng sống. Và khi bắt đầu có của ăn của để, bài toán quản lý tiền sao cho hiệu quả, đầu tư sao cho sinh lời sẽ được đặt ra.

"Tiền khôn tiền dại ở tay người dùng". Một xã hội mà ai cũng "khôn tiền" thì xã hội sẽ vận hành hiệu quả hơn. Nhưng, mặt trái của vấn đề là những rủi ro, phần lớn đến từ sự thiếu hiểu biết, lòng tham, hoặc đơn giản là sự kém may mắn.

Giáo dục về tiền bạc không chỉ là vấn đề cung cấp kiến thức quản lý, tiêu dùng cho mỗi cá nhân mà còn liên quan đến trình độ dân trí về tài chính của cả một quốc gia, vì vậy, sẽ gián tiếp tác động đến nền kinh tế.

Để đo lường dân trí về tài chính, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) căn cứ vào ba tiêu chí gồm: Kiến thức hay hiểu biết về tài chính, Hành vi tài chính và Thái độ tài chính. Theo nghiên cứu của OECD (2016), chỉ số dân trí tài chính ở Việt Nam hiện còn ở mức rất thấp so với các nước thu nhập cao.

Kiến thức và kỹ năng cơ bản về tài chính và quản lý tài chính được đưa vào chương trình giáo dục của các nước phát triển từ rất sớm. Nhưng ở Việt Nam trước đây, các môn học này chỉ được giảng dạy một cách bài bản từ cấp cao đẳng, đại học.

Sự thiếu am hiểu về kiến thức tài chính căn bản, các sản phẩm tài chính cũng như khả năng đánh giá rủi ro trong đầu tư... đã khiến nhiều người thời gian qua mất tiền vì bảo hiểm, trái phiếu...

Việt Nam đã và đang dành nhiều nỗ lực để cải thiện tình trạng dân trí về tài chính thấp thông qua nhiều chương trình hành động, bắt đầu từ giáo dục. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục tài chính lần đầu xuất hiện trong sáu môn học và hoạt động giáo dục. Học sinh từ lớp 2 cũng có những tiếp xúc ban đầu với đồng tiền qua các bài học về mệnh giá các tờ tiền Việt Nam. Từ những chuyển động này, thế hệ con cái tôi sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức tài chính hơn bố chúng.

Mới đây, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam cũng khởi động Đề án Hoạch định tài chính cá nhân, nhằm phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Mục tiêu dài hạn của Đề án là tư vấn tài chính cho người dân, đào tạo chuyên gia về hoạch định tài chính cá nhân. So với thế giới, câu chuyện này được khởi động quá muộn, nhưng muộn còn hơn không. Tại các quốc gia phát triển, hoạch định tài chính cá nhân đã trở nên phổ biến: 81% người dân Hong Kong, 33% người Mỹ, 34% người Anh, 48% người Canada, 59% người Singapore, 76% người Malaysia, 16% người Australia đều có kế hoạch tài chính của riêng họ.

Trang bị kiến thức về tài chính là điều mà người dân Việt Nam đáng được thụ hưởng từ chính sách, định hướng phát triển của nhà nước, để mỗi người Việt sẽ trở nên "khôn tiền" hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả