Tiền gửi ngân hàng tăng đột biến, nhà đầu tư sẽ cần chờ bao lâu để giải ngân?
Bất chấp lãi suất giảm xuống mức thấp, dòng tiền vẫn chảy mạnh vào ngân hàng cho thấy, người dân đang có sự thận trọng cao và các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản vẫn chưa đủ hấp dẫn.
Yếu tố an toàn đang được ưu tiên
Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế bất ngờ tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm 2023. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng. Số liệu cập nhật hồi tháng 10/2023 cho thấy, quy mô lượng tiền gửi trên chỉ đạt hơn 12,7 triệu tỷ đồng. Như vậy, có tới thêm 800.000 tỷ đồng gửi ngân hàng trong 2 tháng cuối năm 2023, tương đương gần một nửa trong tổng mức tăng thêm của cả năm 2023 (1,68 triệu tỷ đồng). Xu hướng trên xảy ra trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã rơi xuống thấp và tiếp tục giảm trong tháng cuối năm 2023.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, thực trạng lượng tiền gửi tăng đột biến trong thời gian gần đây trong bối cảnh lãi suất huy động thấp kỷ lục không phải điều hiếm gặp, được gọi là nghịch lý của tiết kiệm trong kinh tế học.
Theo ông Huân, khi người dân lo lắng về tình hình kinh tế có thể xấu đi trong tương lai, họ sẽ thắt chặt chi tiêu, tăng tỷ lệ tiết kiệm. Điều này sẽ khiến tiêu dùng giảm, kéo theo sự giảm sút của tăng trưởng tổng cầu.
Về lý thuyết, khi tổng cầu giảm có thể sẽ khiến nền kinh tế rơi vào vòng xoáy giảm phát và bẫy thanh khoản. Tuy nhiên theo ông Huân, Việt Nam sẽ khó rơi vào giảm phát hay suy thoái kinh tế. Mặc dù vậy, sức cầu yếu sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng hồi phục của nền kinh tế.
Ngoài ra, lượng tiền gửi ngân hàng tăng cao còn cho thấy tâm lý chung của nhiều người dân vẫn là thận trọng và chờ đợi cơ hội đầu tư vào các kênh khác. Điều này cho thấy yếu tố an toàn đang được ưu tiên trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Nhận định về nguyên nhân kéo dòng tiền vào kênh ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các kênh đầu tư khác không tạo được sức hấp dẫn. Trong các kênh đầu chính thống, chỉ còn kênh gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng là vừa cho lãi suất thực dương và an toàn.
Hiện, hầu hết nhà băng niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất về dưới 4,5%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng và dưới 6%/năm cho kỳ hạn trên dưới 12 tháng. Trong khi tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam bình quân trong năm 2023 là 3,25%.
“Lãi suất dù thấp nhưng vẫn thực dương và an toàn nhất. Người có tiền gửi vào ngân hàng vẫn có lãi. Đó là lý do chính người dân vẫn đổ tiền vào ngân hàng”, vị chuyên gia này đánh giá và cho biết, đây là thực trạng đáng lo ngại khi mà hệ thống ngân hàng đang “thừa tiền”, lãi suất ở mức thấp tiếp tục hạ, nhưng người dân vẫn tiếp tục đổ tiền vào ngân hàng.
Tiền mặt vẫn là “vua”?
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh hiện tượng dòng vốn đổ vào kênh tiền gửi nếu tiếp tục kéo dài có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Trường hợp ngân hàng có quá nhiều tiền mà không cho vay được, lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, hoặc ngân hàng có thể sử dụng sai mục đích. Điều này sẽ kéo nền kinh tế đi xuống.
Vị chuyên gia này kỳ vọng, thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ tăng tốc mạnh hơn vào giữa năm 2024. Từ đó, kéo dòng tiền trở lại với thị trường, thay vì bị “ứ đọng” tại ngân hàng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới 2023 phải đối diện với những thách thức như tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm bởi chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột địa chính trị…, nhu cầu tiêu dùng tại các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu… suy giảm, kéo theo hoạt động sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng âm, ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế, dẫn đến nhiều rủi ro đối với các kênh đầu tư. Trong đó, thị trường chứng khoán bất định, giá vàng tăng mạnh nhưng bất ổn, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, kênh đầu tư ngoại tệ không phải ai cũng tiếp cận được.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh quốc tế năm 2024 được kỳ vọng có thuận lợi hơn cho các kênh đầu tư có khẩu vị rủi ro cao hơn.
Trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), các chuyên gia phân tích của công ty này cho rằng, lạm phát toàn cầu nhìn chung đã hạ nhiệt, mở đường cho các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, cùng việc các tổ chức quốc tế dự báo sẽ có 152 đợt giảm lãi suất trong năm 2024, cao nhất kể từ 2009, sẽ là yếu tố vĩ mô tích cực.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 kỳ vọng đến từ khối xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư công, du lịch... Năm 2024 cũng là năm cần có sự bứt phá mạnh mẽ để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sẽ tập trung cao độ để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Trên thị trường toàn cầu, tiền mặt cũng không còn là ưu tiên của nhiều tổ chức lớn. Trong báo cáo mới đây của Khối Dịch vụ Ngân hàng Tư nhân Toàn cầu HSBC (HSBC GPB), các chuyên gia từ HSBC nhận định, vẫn có nhiều cơ hội trong thế giới đầy biến động.
Trong 6 tháng tiếp theo, HSBC GPB sẽ áp dụng chiến lược đầu tư chấp nhận rủi ro vừa phải với việc giảm tỷ trọng đầu tư tiền mặt, tăng nhẹ tỷ trọng đầu tư công cụ nợ của Chính phủ Mỹ và trái phiếu cấp đầu tư toàn cầu, đồng thời tăng tỷ trọng đầu tư chiến thuật đối với các quỹ phòng hộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận