menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phan Hà Liên

Tiền gửi "không cánh mà bay": Ai chịu trách nhiệm?

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng là nạn nhân trong vụ việc bị “hack” mất gần 500 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.

Thời gian gần đây, thông tin về hàng loạt vụ việc số tiền gửi của khách hàng trong tài khoản bỗng nhiên bị “bốc hơi” đã làm nóng dư luận khiến nhiều người không khỏi hoang mang…

Tiền trong tài khoản “dồn dập bốc hơi”

Theo đó, những ngày qua, nhiều khách hàng hoang mang khi ngành công an thông tin về vụ việc một khách hàng sau hơn 2 năm gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) bỗng dưng bị mất hơn 58 tỉ đồng. Ngoài ra nhiều khoản tiền của các khách hàng khác cũng "bốc hơi" khỏi tài khoản MSB.

Liên quan tới nội dung này, Cơ quan an ninh điều tra cho biết ngày 18/10/2023 đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh (40 tuổi, ở Q.Long Biên, Hà Nội), Giám đốc Trung tâm khách hàng cá nhân MSB chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội), có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Bước đầu cơ quan điều ta xác định bà Hoài Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỉ đồng. Tuy nhiên những khách hàng cũng bức xúc vì đến lúc này họ vẫn chưa lấy lại được số tiền của mình.

Từ vụ việc này, nhiều người lại nhớ đến một vụ án chấn động dư luận vài năm trước đây khi hàng trăm tỉ đồng tiền gửi của một khách hàng cũng bỗng dưng “biến mất”. Cụ thể, đó là số tiền 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình gửi tại một ngân hàng thương mại có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Theo cơ quan điều tra, do số tiền gửi rất lớn nên bà Bình được Ngân hàng chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP.

Phó giám đốc ngân hàng này, đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình cũng như kẽ hở của ngân hàng để chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả, rút tiền từ tài khoản của bà Bình với tổng số tiền 245 tỉ đồng. Năm 2018, vụ án được đưa ra xét xử và Ngân hàng này đã phải trả lại bà Bình toàn bộ số tiền cùng lãi 92 tỉ đồng.

Trên đây chỉ là một số vụ việc lừa đảo điển hình có nguồn cơn từ chính cán bộ, nhân viên bên trong Ngân hàng. Còn những cú "hack" được thực hiện từ bên ngoài ngân hàng cũng đang có dấu hiệu gia tăng với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Đáng chú ý, không chỉ khách hàng bình thường bị mất tiền mà đến chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng là “bị hại” khi toàn bộ số tiền trong tài khoản đã “không cánh mà bay”.

Theo đó, là một chuyên gia tài chính - ngân hàng, và dù nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để khuyến nghị người dân cảnh giác, bảo mật thông tin nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng là nạn nhân trong vụ việc bị “hack” mất gần 500 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.

Chia sẻ với báo chí mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết cách đây vài tháng, ông đến ngân hàng N. giao dịch thì ngã ngửa khi biết 500 triệu đồng trong tài khoản của mình chỉ còn 50.000 đồng. Qua rà soát hệ thống, ngân hàng N. cho ông biết đối tượng lừa đảo sử dụng Internet banking, cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân mạo danh ông, hai lần yêu cầu ngân hàng cấp mật khẩu mới.

Kết quả, ngân hàng N. gửi tin nhắn là mã OTP vào số điện thoại ông Hiếu nhưng thực tế lại gửi vào một thiết bị khác, cụ thể là điện thoại Xiaomi theo thông tin mà ông Hiếu nhận được từ Ngân hàng N. Còn điện thoại iphone của ông Hiếu thì không nhận được tin nhắn mã OTP. Ông Hiếu nói thêm vấn đề là ông không thể hiểu làm sao mã OTP mà ngân hàng N. gửi vào số điện thoại trên iPhone của ông mà lại chuyển sang điện thoại Xiaomi nào đó.

"Tôi đã làm đơn kêu cứu cơ quan công an nhưng đến nay chưa có kết quả. Có thể, trong thời gian tới, tôi sẽ khởi kiện ngân hàng N. để tòa án ra phán quyết hoàn trả tiền", ông Hiếu nói.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với phóng viên xung quanh những vụ việc này từ góc nhìn pháp lý, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH EMME LAW cho biết, bên cạnh vụ việc những cán bộ, nhân viên bên trong ngân hàng trực tiếp “rút ruột” thì kẽ hở, hạn chế trong hoạt động ngân hàng số chính là nguyên nhân khiến tội phạm trong lĩnh vực này gia tăng.

Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, hầu hết các nạn nhân trong các vụ án phạm tội sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng có tâm lý chủ quan, thiếu cảnh giác khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến của ngân hàng số. Nhiều nạn nhân bị tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công là do quá trình sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử đã dùng máy tính, các thiết bị số không cài đặt hoặc không sử dụng các phần mềm bảo vệ hoặc không thiết lập tường lửa để bảo vệ.

“Đây là cơ hội để đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao phát tán, cài đặt các phần mềm gián điệp để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, thư điện tử”, luật sư Tuấn chia sẻ.

Đồng quan điểm và chỉ rõ hai nguyên nhân khiến những vụ việc tiền trong tài khoản của khách hàng bỗng dưng “bốc hơi”, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do hạn chế trong công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và quản lý cán bộ của chính hệ thống ngân hàng. Theo vị luật sư, thực tiễn vẫn còn tình trạng một số cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng vị trí công tác của mình để truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của khách hàng, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hoặc tiếp tay, cung cấp thông tin tài khoản, tạo kẽ hở để các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát nội bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động tín dụng, tiền tệ, thẩm định hồ sơ, kiểm soát nội bộ, lộ lọt thông tin bảo mật của ngân hàng... phải sau khi có đơn thư khiếu kiện, tố giác của khách hàng mới bị phát hiện.

Nguyên nhân thứ hai theo luật sư Biên là do sở hở trong bảo mật thông tin của các ngân hàng. Theo luật sư này, mặc dù, các ngân hàng đã có sự quan tâm, đầu tư đến việc bảo mật thông tin, nhất là thông tin khách hàng. Tuy nhiên, sức mạnh của hệ thống bảo mật hay hệ thống phát hiện sự tấn công chưa đủ mạnh, chưa đạt hiệu quả cao, đồng thời đội ngũ cán bộ phụ trách bảo mật của ngân hàng chưa có trình độ thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trong khi đó, hoạt động của các đối tượng phạm tội luôn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, đặc biệt luôn đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại để tấn công vào hệ thống bảo mật thông tin của ngân hàng. Do đó dẫn đến các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao có thể tìm ra lỗi, sơ hở để tấn công hệ thống bảo mật, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Trao đổi về câu chuyện trách nhiệm trong những vụ việc này, luật sư Nguyễn Đức Biên cho rằng, việc trong thời gian phía khách hàng và ngân hàng đang thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản, nhưng phía ngân hàng để mất tiền của khách hàng thì phía ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, phải bồi thường cho khách hàng một cách kịp thời tránh ảnh hưởng tới uy tín. Còn việc nhân viên ngân hàng là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền gửi của khách thì ngân hàng phải là người trình báo công an vì phía ngân hàng đang là bên quản lý tài sản, khi đó ngân hàng là bị hại trong vụ án hình sự.

“Trường hợp nếu ngân hàng thoái thác không nhận trách nhiệm, không bồi thường cho khách hàng thì khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu ngân hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho khách hàng”, vị luật sư nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả