Tiền gửi giá rẻ quay trở lại hệ thống ngân hàng
Sau giai đoạn sụt giảm, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng đang có dấu hiệu phục hồi tích cực, giúp các ngân hàng có thêm điều kiện kéo giảm lãi suất huy động đầu vào. Đâu là động lực hỗ trợ cho xu hướng này?
CASA phục hồi
CASA của Vietcombank trong năm 2023 tăng hơn 69.000 tỉ đồng, tương đương tăng 16%, lên gần 491.000 tỉ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng có số dư CASA lớn nhất hệ thống. Theo đó, tỷ lệ CASA so với tổng số dư tiền gửi khách hàng của ngân hàng này cũng tăng thêm 1,3%, từ mức 33,9% vào cuối năm 2022 lên 35,2% vào cuối năm 2023.
VietinBank cũng chứng kiến CASA tăng mạnh, với số dư tăng thêm 68.000 tỉ đồng, tương đương tăng 27%, lên hơn 318.000 tỉ đồng, giúp tỷ lệ CASA so với tổng số dư tiền gửi khách hàng tăng mạnh từ 20% vào cuối năm 2022 lên 22,5% vào cuối năm 2023.
Tương tự, BIDV cũng ghi nhận CASA tăng gần 66.000 tỉ đồng, tương đương tăng 24%, lên mức hơn 344.000 tỉ đồng, nâng tỷ lệ CASA thêm 1,3%, lên 20,2%.
Báo cáo tài chính quí 4-2023 của MBBank cho thấy số dư CASA tăng ròng gần 48.000 tỉ đồng trong năm 2023, tương đương tăng 27%, lên hơn 228.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do tổng số dư tiền gửi có tốc độ tăng lớn hơn là 28%, nên tỷ lệ CASA của MBBank giảm nhẹ 0,4%, dù vậy vẫn duy trì ở mức rất cao là 40,2% tại thời điểm cuối năm 2023.
Techcombank – ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ CASA trong nhiều năm trở lại đây cũng chứng kiến xu hướng phục hồi tương tự, tăng mạnh từ 33,6% ở cuối quí 3-2023 lên 39,9% vào cuối quí 4-2023. Số dư CASA của ngân hàng này đã tăng trong ba quí liên tiếp, đạt 181.500 tỉ đồng, tăng 37,0% so với cùng kỳ năm trước và 31,9% so với quí 3-2023.
Trong khi đó, ngân hàng tăng cường số hóa những năm qua là TPBank ghi nhận số dư CASA tăng 34% so với năm 2022, lên hơn 47.000 tỉ đồng, theo đó tỷ lệ CASA cũng tăng mạnh 4,6% trong năm 2023 lên mức 22,7% vào cuối năm 2023.
Đáng chú ý là VPBank, khi thông tin từ ngân hàng này cho thấy CASA trở thành điểm sáng trong hoạt động huy động vốn với quy mô đạt 78.200 tỉ đồng, tăng 33% so với cuối năm 2022, với khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng 61%, tương đương 47.000 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2022. Số dư CASA cải thiện qua từng quí đã giúp nâng tỷ lệ CASA trong cơ cấu huy động của VPBank lên 17,6% tại thời điểm cuối quí 4-2023. Trên nền tảng đó, lãnh đạo VPBank đặt ra mục tiêu tham vọng tiếp tục nhân đôi con số này trong năm 2024.
Động lực phía sau
Có thể thấy sau giai đoạn sụt giảm trong các năm 2021, 2022 và những tháng đầu năm 2023, CASA của hệ thống nói chung và nhiều ngân hàng nói riêng đã có dấu hiệu phục hồi. Đây là một tín hiệu tích cực, dòng vốn rẻ này quay lại sẽ giúp các ngân hàng tiếp tục có điều kiện kéo giảm chi phí vốn đầu vào, từ đó giảm thêm lãi suất cho vay theo định hướng của nhà điều hành. Có nhiều yếu tố lý giải cho xu hướng này.
Đầu tiên, trước đây, lãi suất tiền gửi tiết kiệm leo cao, với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn mở rộng chênh lệch rất lớn so với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, thúc đẩy dòng vốn nhàn rỗi của khách hàng chuyển sang gửi có kỳ hạn để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Hiện nay, chênh lệch này đã thu hẹp đáng kể sau động thái giảm lãi suất liên tục của các ngân hàng kể từ quí 2-2023.
Đơn cử như lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng hiện nay thấp nhất chỉ còn 1,7%/năm, trong khi lãi suất không kỳ hạn phổ biến ở 0,2%, chênh lệch giữa hai kỳ hạn này chỉ còn quanh 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với mức chênh lệch 4-4,5% của giai đoạn trước đó. Trong khi đó, với nền kinh tế đang có triển vọng tích cực hơn, các kênh đầu tư như chứng khoán cũng đang mang lại nhiều cơ hội lớn hơn, có lẽ một lượng lớn tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đang chuyển thành tiền gửi không kỳ hạn để có thể tham gia đầu tư vào bất kỳ lúc nào.
Số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng trưởng trở lại cũng là dẫn chứng ủng hộ cho xu hướng này. Theo dữ liệu cập nhật gần nhất từ Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống các ngân hàng đến cuối tháng 11-2023 đạt hơn 6,38 triệu tỉ đồng, tăng 7,23% so với đầu năm 2023 và chiếm gần 50% tổng tiền gửi của toàn hệ thống. Về cơ bản tiền gửi của các doanh nghiệp phần lớn nằm dưới dạng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn để phục cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong năm 2023 tăng trưởng tích cực, các dự án đầu tư công được thúc đẩy giải ngân trong những tháng cuối năm 2023, cũng góp phần lan tỏa đến hoạt động của các thành phần doanh nghiệp khác, từ đó nguồn vốn hoạt động của nhóm này cũng được cải thiện giúp tăng lượng tiền giao dịch qua hệ thống ngân hàng.
Hoạt động chuyển đổi số, phát triển mạnh các kênh giao dịch tự động, ngân hàng số cũng góp phần làm tăng CASA tại các ngân hàng. Các dịch vụ mở tài khoản thanh toán số đẹp, số tài khoản theo số điện thoại của một số ngân hàng, bên cạnh các giải pháp mở tài khoản và xác thực trực tuyến ngày càng phổ biến hơn, đã giúp các ngân hàng thu hút khách hàng mở tài khoản thanh toán, từ đó giúp số dư CASA tăng.
Chiến lược tài chính toàn diện và các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh cũng góp phần quan trọng vào xu hướng tăng trưởng trở lại của CASA trong toàn hệ thống và nhiều ngân hàng có thế mạnh giao dịch trực tuyến và chuyển đổi số.
Như tại Techcombank, tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch trên các kênh số tăng vọt, cụ thể năm 2023 tăng 41% so với năm 2022 lên 2,2 tỉ giao dịch, tương đương 13% thị phần giao dịch NAPAS, và lượng truy cập ứng dụng mỗi tháng dẫn đầu toàn cầu – hơn 50 lượt/ khách hàng active.
Hay như TPBank năm 2023 nối dài chuỗi tăng trưởng khách hàng thần tốc với 3,5 triệu tài khoản mới, nâng tổng số khách hàng phục vụ vượt mốc 12 triệu. Trong ba năm qua, với chiến lược ngân hàng số, TPBank đã thu hút thêm hơn 8,6 triệu khách hàng, gấp 2 lần tổng số lượng khách hàng của 12 năm trước đó.
Còn theo thông tin từ MBBank, 2023 là năm thứ ba liên tiếp ngân hàng này thu hút được hơn sáu triệu khách hàng mới (năm 2021 là 6,2 triệu; năm 2022 là 6,9 triệu và năm 2023 là 6,3 triệu khách hàng mới). Tỷ lệ giao dịch trên kênh số của MBBank duy trì ở mức cao, đạt 97%; quy mô giao dịch chuyển tiền của MB qua NAPAS đứng đầu hệ thống trong ba năm liên tiếp (2021-2023). Trong năm 2023, số lượng thanh toán không tiền mặt của MBBank đạt 3,6 tỉ giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận