Tiền gửi của kho bạc đang chi phối diễn biến thị trường tiền tệ
Đang có những diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ trong thời gian gần đây. Theo đó, trong nửa đầu tháng 4-2019, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng cao liên tục. Nhưng từ một tuần trở lại đây, lãi suất liên ngân hàng lại đột ngột giảm mạnh.
Lãi suất liên ngân hàng tăng, giảm bất thường
Trong nửa đầu tháng 4-2019, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng cao liên tục, kỳ hạn qua đêm và một tuần lần lượt chạm mức 4 và 4,5%/năm. Đây là diễn biến thực sự rất khó hiểu với tất cả ngân hàng bởi hiện tại thường là thời điểm nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong năm.
Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt mức 3,19% trong quí 1-2019, thấp hơn con số 3,29% của cùng kỳ năm 2018 và 4,37% của năm 2017. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua được 8,35 tỉ đô la Mỹ, đồng nghĩa với việc phải bơm gần 194.000 tỉ đồng ra nền kinh tế.
Chính vì vậy mà thanh khoản của thị trường tiền tệ được các ngân hàng dự báo sẽ rất dư thừa. Lãi suất các kỳ hạn qua đêm và một tuần hoàn toàn có thể giảm xuống mức 1%/năm như diễn biến đã từng xảy ra trong năm 2018.
Tuy nhiên, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao liên tục kể từ đầu tháng 4 đến ngày 20-4-2019 do Kho bạc Nhà nước (KBNN) rút tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM) về NHNN. Rồi trong tuần qua, KBNN lại chuyển tiền gửi từ NHNN về lại các NHTM.
Động thái này khiến cho cung tiền trên thị trường tăng cao đột ngột và đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm rất mạnh, kỳ hạn một tuần đã giảm từ mức 4,5% xuống chỉ còn dưới 3%/năm. Việc lãi suất tăng rồi giảm mạnh trong thời gian ngắn cho thấy khối lượng tiền được chuyển có thể rất lớn.
Chính sách tiền tệ và tài khóa đang dẫm chân lên nhau
Chúng ta biết rằng, tiền gửi của KBNN do Bộ Tài chính quản lý nhằm mục đích phục vụ chi tiêu của Chính phủ. Đây được x là bên đại diện và trực tiếp điều hành chính sách tài khóa. Tuy nhiên, việc tăng giảm số tiền gửi này tại các NHTM đã ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến trên thị trường tiền tệ trong thời gian vừa qua. Theo đó, như chỉ ra ở trên, lãi suất tăng giảm rất mạnh chỉ trong vòng một tháng đã gây ra những tác động tiêu cực đến các thị trường khác.
Tỷ giá cũng đã bất ngờ tăng rất mạnh trong tuần vừa qua, gần chạm ngưỡng 23.300 đồng/đô la Mỹ sau khi duy trì mức ổn định liên tục quanh ngưỡng 23.200 đồng/đô la từ tháng 12-2018 đến nay. Lợi suất (yield) của trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng đã có những đợt tăng giảm trái chiều chỉ trong một thời gian ngắn.
Nguyên nhân là do lãi suất trên thị trường liên ngân hàng chính là chi phí đầu vào để các ngân hàng mua bán ngoại tệ hay đầu tư vào TPCP. Nếu động thái trên của KBNN chỉ gây ra những xáo trộn trên thị trường tiền tệ thì NHNN hoàn toàn dễ dàng xử lý.
Tuy nhiên, hệ quả sẽ là rất lớn nếu như nó không được kiểm soát và lan ra toàn bộ nền kinh tế. Kịch bản người dân và doanh nghiệp tăng cường mua ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá như đã từng diễn ra trong những tháng cuối năm 2018 hoàn toàn có thể lặp lại. Cơ chế tác động sẽ là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng xuống thấp sẽ kích thích các ngân hàng đẩy mạnh đầu cơ ngoại tệ. Tỷ giá tăng nhanh trong một thời gian ngắn sẽ kích hoạt tâm lý phòng ngừa của các doanh nghiệp.
Rõ ràng việc KBNN đang gửi tại các ngân hàng trên 240.000 tỉ đã gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho thị trường tiền tệ.
Cần tách bạch vai trò giữa chính sách tài khóa và tiền tệ
Mặc dù đây không phải là vấn đề mới, nó đã tồn tại từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có một cách giải quyết triệt để. KBNN cứ phát hành TPCP để huy động vốn theo kế hoạch được giao từ đầu năm tài khóa. Các bộ, ngành và địa phương giải ngân nguồn vốn đầu tư công rất chậm đã là câu chuyện thường kỳ từ nhiều năm nay. Tiền huy động không sử dụng hết được KBNN đ gửi tại các ngân hàng để tối ưu hóa nguồn vốn trong lúc tạm thời nhàn rỗi.
Vòng luẩn quẩn này, KBNN huy động vốn từ các ngân hàng rồi lại đ gửi lại cho chính các ngân hàng, cứ lặp đi lặp lại. Thiệt hại đầu tiên chính là ngân sách nhà nước. Theo đó, KBNN đang phải phát hành TPCP với lãi suất quanh mức 5-6%/năm tùy từng kỳ hạn. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi của KBNN tại các NHTM chỉ quanh mức 3-4%/năm, bằng với mức lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
Bỏ qua vấn đề có lợi ích nào đó hay không trong câu chuyện này, sẽ là rất khó hiểu nếu thực trạng trên còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Tại sao không ban hành quy định không cho phép KBNN gửi tiền tại các NHTM? Nếu giải ngân đầu tư công chậm thì tại sao KBNN không dừng phát hành TPCP?
Tất nhiên, câu chuyện điều hành ngân sách không đơn giản như vậy, không phải cứ muốn là có thể huy động vốn trong vòng 1-2 ngày được. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và NHNN hoàn toàn có thể ngồi lại để đưa ra các tính toán nhằm xác định các hạn mức cụ thể nhằm giảm thiểu tới mức tối đa lượng tiền thừa của KBNN trong khi ngân sách vẫn phải chi trả lãi suất đều đặn hàng ngày.
Theo ước tính thì hiện có khoảng trên 1 triệu tỉ đồng TPCP đang lưu hành, nhưng có tới 240.000 tỉ được KBNN gửi tại các NHTM và một con số tương đương tại NHNN thì hoàn toàn không hợp lý đối với công tác cân đối ngân sách của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận