menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đinh Thị Ngân

Tiến gần hơn giấc mơ công xưởng của châu Á

Với những kết quả tích cực trong thu hút FDI, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, Việt Nam đang tiến gần hơn đến giấc mơ trở thành công xưởng của Châu Á.

Tiến gần hơn giấc mơ công xưởng của châu Á
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

- Ông đánh giá như thế nào về những thành công của Việt Nam về thu hút FDI trong năm 2023?

Thành công trong thu hút FDI trong năm 2023 với tổng số vốn đăng ký cả năm đạt 36,6 tỷ USD là không phải tình cờ, nó thể hiện nỗ lực bền bỉ và thành quả trong công tác thu hút FDI suốt hơn 30 năm qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới và có Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tiên năm 1987, Việt Nam luôn được coi là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Cụ thể, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tính tới 20/12/2023, ước tính đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước, tăng nhẹ 0,6 điểm phần trăm so với 11 tháng năm 2023. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt gần 258,8 tỷ USD, giảm 6,2% so với năm trước, chiếm 73,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 256,9 tỷ USD, giảm 6,1%, chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Các con số thống kê trong quá khứ cho thấy, tổng giá giá trị FDI đăng ký và FDI thực hiện có xu hướng tăng đều qua các thời kỳ với những biến động nhỏ trong ngắn hạn. Đặc biệt, từ năm 2010 (sau khi Việt Nam gia nhập WTO và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009), nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư tại Việt Nam với những dự án quy mô lớn, vốn đầu tư/dự án từ 1 tỷ USD trở lên, đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao của thế giới, như điện thoại di động, máy tính bảng, hàng điện tử...

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 – 2022, được coi là giai đoạn tăng trưởng mới với kết quả ấn tượng từ dòng vốn FDI vào Việt Nam.

- Để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, chúng ta có ưu thế nào trong thu hút FDI?

Đứng trước những khó khăn từ sự thay đổi và biến động kinh tế toàn cầu, cụ thể là suy giảm tổng cầu của nền kinh tế thế giới được dự báo còn tiếp diễn, nguy cơ một số nền kinh tế lớn trên thế giới như châu Âu, Trung Quốc tiếp tục suy giảm, thậm chí rơi vào suy thoái vẫn hiện hữu. Thêm vào đó, xung đột địa chính trị trên thế giới tạo ra những căng thẳng đang tồn tại như Nga - Ukraine, Trung Đông… là những nguy cơ thường trực sẵn sàng bùng và nổ leo thang trong năm 2024.

Trong bối cảnh đó, việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư về các quốc gia gần hoặc thân thiện là xu thế tất yếu. Vì các doanh nghiệp, đặc biệt với những doanh nghiệp toàn cầu phải tính đến phương án phòng ngừa rủi ro về địa chính trị. Việt Nam nhờ chiến lược ngoại giao đúng đắn, càng ngày càng mở rộng quan hệ ngoại giao thân thiện và hợp tác chiến lược với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đang trở thành điểm đến tin cậy và an toàn của cộng đồng kinh doanh và doanh nhân toàn cầu.

- Đó là những điểm tích cực, còn đâu là những hạn chế của Việt Nam trong thu hút FDI thời gian tới, thưa ông?

Trước hết nhu cầu và xu thế tiêu dùng trên thế giới cũng đã và đang điều chỉnh, người tiêu dùng đã chuyển sang tiêu chí mới về chuẩn mực sản phẩm.

Những chuẩn mực mới, yêu cầu mới này đang khiến cho nền sản xuất của Việt Nam không theo kịp, từ đó dẫn đến bị mất đơn hàng, rõ nét nhất là dệt may, da giày… Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thu hút đầu tư nói chung, đầu tư FDI nói riêng vào Việt Nam.

Việt Nam cũng có thể đang có nguy cơ chậm chuyển đổi năng lượng đầu vào cho sản xuất công nghiệp, dẫn đến tiêu chuẩn sản xuất xanh của Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn mới trong dệt may, da giày. Áp lực cạnh tranh từ các đối thủ vì Việt Nam duy trì lợi thế về giá cả thông qua nhân lực lao động trẻ, giá nhân công thấp, duy trì ưu đãi thuế, một số yếu tố đầu vào rẻ như tiền thuê đất, nhà xưởng, điện, nước… Việc này cũng sẽ góp phần vào quá trình làm chậm lại đà phát triển của dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Một trong những hạn chế lớn nhất trong hành trình này là sự thiếu liên kết giữa nhóm doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.

- Ông có thể nói rõ hơn về hạn chế về liên kết giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI?

Doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp. Nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI.

Việt Nam chủ yếu hình thành mối liên kết với một số doanh nghiệp FDI bằng hình thức liên kết dọc, bao gồm liên kết ngược và liên kết xuôi. Nhưng cả liên kết ngược và xuôi giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp Việt đều yếu.

Thực tế, hiện nay liên kết ngược được đánh giá là khá phổ biến và đem lại lợi ích tích cực cho doanh nghiệp nội địa và nước nhận đầu tư. Tuy nhiên, mức độ liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam trong cả liên kết xuôi, liên kết ngược... đều khá yếu. Bởi hầu hết các doanh nghiệp FDI có mục đích xuất khẩu nhiều hơn là tiêu dùng.

Liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam tới chuỗi giá trị toàn cầu tại Việt Nam, hay sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào thông qua nhập khẩu hoặc các công ty FDI khác tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu để thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI nên khó khăn trong việc tham gia liên kết.

Trong khi đó, những liên kết hữu ích giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa ở Việt Nam hiện nay còn thể hiện nhiều sự rời rạc, đặc biệt là các liên kết với các nhà đầu tư nhóm tìm kiếm hiệu quả như Samsung và các nhà đầu tư khác sản xuất tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường thế giới. Ngay cả trong trường hợp có sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thì đa phần các liên kết đó cũng mới chỉ liên quan đến nguồn cung đầu vào có giá trị gia tăng thấp hay những đầu vào không có giá trị thương mại như vật tư bao bì.

- Ông có kiến nghị như thế nào để Việt Nam thu hút thành công dòng vốn FDI chất lượng cao?

Ngoài hoàn thiện chính sách thu hút các dòng vốn FDI vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển về kinh tế như sự phát triển công nghiệp bán dẫn, chip, năng lượng tái tạo thì việc đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường, cũng như phát triển bền vững, hài hòa lợi ích trong nước với các cam kết và ràng buộc quốc tế. Cần tiếp tục làm rõ các chính sách hỗ trợ về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối để tạo thuận lợi cho sản xuất lẫn thương mại xuyên biên giới giữa Việt Nam với các quốc gia đầu tư và thương mại chủ chốt.

Trên hết là cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế đảm bảo sự minh bạch, công khai, quyền tiếp cận các nguồn lực công bằng thông qua cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước dành cho mọi doanh nghiệp trong và ngoài nước như nhau, có như thế mới tạo sân chơi công bằng bình đẳng.

Việt Nam cũng cần chú ý tới bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, và năng suất lao động cho doanh nghiệp trong nước; đồng thời, nhấn mạnh việc thiết lập liên kết vùng. Việc tạo ra sự kết nối giữa các vùng đang trở thành một biện pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Cuối cùng là cần tiếp tục và kiên trì đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến. Trong đó, Chính phủ cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Về phía doanh nghiệp Việt, cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, bao gồm các thỏa thuận mua bản quyền, phát minh hoặc thương quyền…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại