24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kim Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Tiền” Facebook khác Bitcoin...

Facebook công bố mô tả đầu tiên về đồng tiền mật mã (cryptocurrency) của mình, gọi là Libra. Tuy vậy, không như nhiều người nghĩ, thực ra Libra rất khác, thậm chí là ngược lại với những đồng tiền mật mã khác, điển hình là Bitcoin.

Khác biệt trước tiên là mục đích sử dụng. Libra là một phương tiện trao đổi, giúp người sử dụng chuyển tiền cho nhau và thực hiện các giao dịch. Trong khi đó, Bitcoin, dù được tạo ra với tham vọng tạo nên một nền tảng (platform) để hỗ trợ giao dịch, lại thường được coi là một phương tiện đầu tư và lưu trữ giá trị. Chẳng thế mà nhiều người vẫn gọi Bitcoin là “vàng số”, còn Libra được gọi là tiền mật mã, có bản chất như tiền pháp định (fiat money).

Khác biệt lớn thứ hai là về phạm vi được chấp nhận. Không như sự hiểu lầm phổ biến, dù được sử dụng thanh toán các giao dịch trên Facebook nhưng Libra không thuộc về Facebook mà thuộc về Libra Association (Hiệp hội Libra) gồm nhiều “tay to” như Visa, Mastercard, Paypal, Uber, Booking, Ebay... Hiệp hội này đã phát hành sách trắng mô tả kế hoạch phát hành Libra vào nửa đầu năm 2020.

Nhờ vậy, Libra có thể nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Trong khi đó, sau một thời gian tương đối dài ra mắt, Bitcoin chỉ là một “thực nghiệm”, vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Thêm nữa, khả năng phí giao dịch thấp của Libra sẽ kích thích người sử dụng dùng nó để chuyển tiền. Ngược lại, Bitcoin thì đắt đỏ hơn và lại chậm hơn trong giao dịch nên ít thu hút được người sử dụng.

Liên quan đến vấn đề ở trên, người phát triển ra tiền mật mã (Bitcoin) và cộng đồng tiền mật mã là những người quyết định điều gì sẽ xảy ra với tiền mật mã. Nếu ai đó không thích một điều gì đó thì người đó có thể “hardfork” mã (tạo ra một phiên bản blockchain hoàn toàn mới, tách biệt khỏi blockchain trước đó; các node (nút) chạy các phiên bản trước đó sẽ không còn được chấp nhận bởi phiên bản mới nữa), và tạo ra một đồng tiền riêng của mình. Với chủ nhân là Hiệp hội Libra, mô hình của Libra khác biệt hoàn toàn. Tổ chức và cá nhân nào mua node với giá 10 triệu đô la Mỹ/node sẽ là người phải quyết định tương lai của Libra.

Khác biệt thứ ba là về sự biến động. Chính vì sự biến động mạnh mà những người có máu mạo hiểm muốn mua bán Bitcoin để kiếm chênh lệch. Sở dĩ giá của Bitcoin biến động mạnh là bởi nó không bị sở hữu hay quản lý bởi bất cứ một tổ chức trung ương nào và tồn tại trong một mạng lưới phi tập trung.

Ngược lại, giá của Libra thì được ổn định bằng các tài sản thực như rổ tiền tệ, gồm các đồng tiền ở những nước/khu vực có lạm phát thấp như đô la Mỹ hay euro, và các loại chứng khoán nợ (trái phiếu chính phủ).

Lý do Libra cần được ổn định giá trị là xuất phát từ ý định biến nó thành một giải pháp thay thế hệ thống tiền tệ toàn cầu, dành cho những người có tiền tiết kiệm nhưng không tin tưởng vào một đồng tiền cụ thể nào đó như đô la Mỹ, euro... và cũng không muốn gửi tiền của mình vào những nơi bị kiểm soát bởi các ngân hàng trung ương, hay chịu rủi ro lạm phát từ việc in tiền vô tội vạ.

Khác biệt thứ tư là về tính nặc danh. Điều mà nhiều người thích về Bitcoin, và, ngược lại, nhiều chính phủ “căm ghét” nó chính là tính nặc danh của các giao dịch sử dụng Bitcoin, cũng như khả năng chuyển tiền giữa các cá nhân và giữa các chính phủ hoàn toàn bí mật, không để lại dấu vết để có thể bị truy tìm.

Ngược lại, theo sách trắng thì Libra được tạo ra để tuân thủ pháp luật, không cho phép rửa tiền, trốn thuế, hoặc bất cứ một hành vi đen tối nào khác đòi hỏi phải có giao dịch nặc danh, che giấu chủ sở hữu. Đặc tính này có được là nhờ Libra blockchain là một cấu trúc dữ liệu đơn ghi lại lịch sử các giao dịch, đơn giản hóa công việc của các ứng dụng (applications) tiếp cận blockchain, cho phép các ứng dụng đọc dữ liệu tại bất cứ thời điểm nào và xác nhận tính toàn vẹn của dữ liệu nhờ sử dụng một khung xác thực thống nhất (unified verification framework).

Sau những lùm xùm quanh chuyện lạm dụng dữ liệu và xâm phạm sự riêng tư của Facebook gần đây, theo sách trắng, người sử dụng Libra được đảm bảo những chuyện này sẽ không xảy ra với họ. Sẽ có một tên hiệu cho ví điện tử của mỗi người sử dụng để nắm giữ Libra. Do tên hiệu của ví điện tử sẽ không được gắn với tên thật của người sử dụng nên dù họ có sử dụng thường xuyên ví để mua bán thì sự riêng tư cũng sẽ không bị xâm phạm.

Đặc tính này không cản trở sự điều tra của cơ quan chức năng về dấu vết lưu thông của mỗi Libra, đã đi từ và đến những ví điện tử nào của những ai, có thể là tội phạm, nhà đầu tư cá nhân vô tội, người mua hàng trực tuyến, nhà bất đồng chính kiến hoặc đối thủ chính trị.

Khác biệt thứ năm là việc tạo ra tiền. Libra không được “đào” như với Bitcoin, mà được “đúc” trải qua một quá trình hoàn toàn khác biệt. Một Libra được tạo ra, hay được “đúc” khi một đơn vị tiền quốc gia thông thường được tiêu để mua Libra. Bản tệ mua Libra (trừ đi phí giao dịch) sẽ được thu bởi Hiệp hội Libra và dùng để mua một phần trong tập hợp các khoản tiền gửi ngân hàng toàn cầu cùng trái phiếu chính phủ cấu thành nên cái gọi là Quỹ dự trữ Libra.

Như vậy, về nguyên tắc, các giá trị sẽ được đổi ngang (một lượng Libra đổi lấy một lượng đô la Mỹ hay bản tệ). Nếu Hiệp hội Libra thu về 1 tỉ đô la Mỹ giá trị Libra thì họ sẽ “đúc” Libra, dùng tiền đó để mua 1 tỉ đô la Mỹ giá trị tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ.

Khi hệ thống đã ổn định thì có thể kỳ vọng lượng Libra bán ra, mua vào là cân bằng nhau. Nhưng nếu vào một thời điểm nào đó người ta bán Libra để lấy bản tệ nhiều hơn là số Libra được mua thì Hiệp hội Libra sẽ “đốt” Libra, và bán ra dự trữ để lấy tiền mặt bù đắp phần thiếu hụt. Cơ chế này là ngược 180 độ so với Bitcoin, và sự khác biệt hoàn toàn là theo chủ đích.

Cần lưu ý rằng Hiệp hội Libra không phải là một tổ chức từ thiện, phi lợi nhuận. Nguồn thu của nó chính là tiền lãi trả cho tài sản trong quỹ dự trữ Libra, dùng để trang trải chi phí hệ thống, đảm bảo có thu phí nhưng ở mức độ thấp, trả cổ tức cho nhà đầu tư đã bỏ vốn ban đầu để xây dựng hệ sinh thái, và khuyến khích sự tăng trưởng và mở rộng phạm vi chấp nhận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả