Tiền điện tử tác động thế nào đến thị trường tài chính thế giới?
Ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia Fintech cho rằng, tiền điện tử sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến các đồng tiền ổn định (stable coin), khiến các đồng tiền này sẽ không còn cần thiết nữa.
Tiền điện tử mang lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng, mà không cần có tài khoản ngân hàng.
- Theo ông, việc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang nhanh chóng có làm gia tăng nhu cầu tìm đến các tài sản đầu tư mới như tiền điện tử không?
Ông Nguyễn Sĩ Hoàng.
Chúng ta có thể thấy, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn cầu, trong đó thị trường tài chính đã ngày càng trở nên bất ổn trên phạm vi toàn thế giới. Rõ ràng căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc kinh tế này đã ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược phát triển của nhiều quốc gia và cả nhu cầu về tiêu dùng và sở hữu tài sản.
Đặc biệt thời gian gần đây cụm từ “Cash is the King” (Tiền mặt là vua) đang rất nổi trong cộng đồng mạng. Tích luỹ tiền mặt, cất giữ tiền mặt và đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và đặc biệt là tiền điện tử đang được rất nhiều nhà đầu tư từ tổ chức đến cá nhân nhỏ lẻ tập trung vào.
Với tiền điện tử, mặc dù thị trường này chưa quá lớn, nhưng lại là một kênh đầu tư vô cùng hấp dẫn với biên độ dao động lớn cùng tính bất ổn không khác gì tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu, giao dịch 24/7, không theo quy định ngặt nghèo T+3 như chứng khoán... Với những nhà đầu tư thích rủi ro, ưa mạo hiểm thì tiền điện tử là lựa chọn không tồi trong thời buổi kinh tế số như hiện nay.
- Việc các quốc gia đổ xô thử nghiệm tiền điện tử sẽ tác động ra sao tới thị trường tài chính thế giới, thưa ông?
Các quốc gia tham gia cuộc đua thử nghiệm tiền điện tử của các NHTW (CBDC) có tác động cả tích cực, lẫn tiêu cực đến nền kinh tế thế giới nói chung và lĩnh vực tài chính- ngân hàng truyền thống nói riêng.
Khi CBDC ra đời thì người dân không cần gửi tiền vào ngân hàng nữa mà sẽ lưu trữ trong ví tiền ảo cung cấp bởi NHTW. Như vậy các ngân hàng thương mại muốn huy động tiền gửi trong dân thì cần phải tăng lãi suất để hấp dẫn hơn. Và nếu không huy động đủ tiền, thì NHTW phải bơm thêm tiền ra thị trường. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tăng lạm phát.
Ngoài ra, CBDC cũng tạo ra sự cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng. Sự ra đời của một giải pháp gần như thay thế tiền gửi ngân hàng và các dịch vụ tài chính truyền thống sẽ đe doạ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
- Việc số hóa các loại tiền tệ thông thường chắc chắn dẫn đến cú va chạm đầu tiên với các loại tiền điện tử phổ biến hiện nay. Vậy các đồng tiền điện tử phổ biến sẽ chịu ảnh hưởng ra sao, thưa ông?
Ảnh hưởng của CBDC đến các đồng tiền điện tử phổ biến hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi do CBDC chưa được áp dụng rộng rãi. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng CBDC ra đời sẽ giết chết Bitcoin cũng như các đồng tiền điện tử khác khi nó kế thừa tất cả các tính chất của một đồng tiền điện tử như tính an toàn, minh bạch, thậm chí là sự riêng tư, đồng thời được sự bảo trợ của ngân hàng trung ương.
CBDC sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến các đồng tiền ổn định (stable coin) như USDT, EURT... Các đồng tiền này sẽ không còn cần thiết nữa vì CBDC hoàn toàn có thể thay thế chúng. Hơn nữa các công ty đứng đằng sau những đồng tiền ổn định này vẫn luôn bị nghi ngờ về nguồn tiền bảo chứng cho các sự phát hành các đồng tiền này.
Ví dụ như Tether, công ty đứng đằng sau đồng tiền phổ biến nhất USDT thường xuyên dính vào các vụ lùm xùm về tính minh bạch của việc phát hành ngày càng nhiều đồng USDT. CBDC do được ngân hàng trung ương đứng đằng sau nên việc phát hành các đồng CBDC đều được tuân thủ theo chính sách tiền tệ của quốc gia. Tuy nhiên có một tính chất mà CBDC không thể thay thế bitcoin đó là tính phi tập trung. Bitcoin được phổ biến do không có bất kỳ một tổ chức hay định chế tài chính nào có thể điều khiển được mạng lưới Bitcoin.
Do đó, Bitcoin vẫn sẽ là sự lựa chọn của những người không có niềm tin vào các chính phủ hay hệ thống ngân hàng truyền thống. Ngoài ra, các đồng tiền điện tử khác cũng đang tiến hoá để mang đến tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực khác như ứng dụng phân tán...., nơi mà đồng tiền CBDC không thể ứng dụng được.
- Vậy theo ông, cần có một hướng phát triển thế nào để đôi bên cùng có lợi?
Trước hết, các chính phủ cần nhìn nhận rằng cuộc cách mạng blockchain và tiền điện tử là điều không thể tránh khỏi và không thể ngăn cản nó phát triển. Các chính phủ cần có cái nhìn cởi mở hơn về tiền điện tử và có những quy định chặt chẽ để tạo ra nền tảng pháp lý cho hệ sinh thái blockchain phát triển.
CBDC sẽ là hạt nhân tạo ra một hệ sinh thái mới cho nền kinh tế phi tiền mặt và phi tập trung. CBDC ra đời cũng giúp tăng sự tiếp cận của người dân với tiền điện tử. Đối với các đồng tiền điện tử khác thì mỗi đồng tiền sẽ có tính ứng dụng riêng và không nhất thiết phải bị thay thế bởi CBDC. Các đồng tiền này sẽ tạo ra một hệ sinh thái riêng của nó, và cùng phát triển song song với CBDC.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận