menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Lan

Tiền điện tử - mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ

Phân tích vụ tống tiền Colonial Pipeline, giới chuyên gia kết luận, sự lưu hành đồng tiền kỹ thuật số có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ theo nhiều phương cách khác nhau.

Vụ tống tiền Colonial Pipeline

Colonial Pipeline là một mạng lưới đường ống dài 5.500 dặm vận chuyển khoảng 2,5 triệu thùng xăng mỗi ngày - khoảng 45% lượng xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay phản lực của Bờ Đông nước Mỹ. Theo military.com, vài tuần trước, một nhóm hacker có tên là DarkSide, đã tổ chức một cuộc tấn công tống tiền (ransomware) nhằm vào nhà điều hành đường ống này của Mỹ (đòi 75 Bitcoin - gần 5 triệu USD). Để ngăn chặn virus lây lan khắp mạng máy tính của họ, ban quản lý Colonial đã đóng cửa các hoạt động của đường ống.

Việc ngừng cung cấp nhiên liệu dẫn đến tình trạng thiếu xăng trên diện rộng, ảnh hưởng đến 18 bang. Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, hơn 12.000 cây xăng và tại một số thị trường hết xăng. Mặc dù các hoạt động đường ống đã được khởi động lại vào ngày 12/5, tính đến ngày 20/5, vẫn còn 9.500 trạm xăng cần nhiên liệu. Các khu vực từ bắc South Carolina đến nam Virginia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 71% trạm đổ xăng ở Charlotte ngày 11/5 và 87% số trạm ở Washington, D.C ngày 14/5 hết nhiên liệu. Giá nhiên liệu trung bình tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014, đạt hơn 3 USD/gallon.

Tiền điện tử - mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ
Colonial Pipeline đã hứng chịu cuộc tấn công mạng lớn nhất vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong lịch sử của Mỹ; Nguồn: cpomagazine.com

Những kẻ tấn công cũng đánh cắp gần 100 gigabyte dữ liệu và đe dọa sẽ tung nó lên internet nếu tiền chuộc không được trả. Colonial Pipeline xác nhận đã trả 4,4 triệu USD tiền chuộc để giành lại quyền kiểm soát hệ thống máy tính của mình. Các báo cáo khác cho rằng số tiền chuộc vượt quá 90 triệu USD. Có thể Colonial Pipeline đã trả các khoản tiền khác không được phân loại là tiền chuộc, nhưng chắc chắn rằng một khoản tiền chuộc đã được trả. Đây là cuộc tấn công mạng lớn nhất vào một mục tiêu cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong lịch sử của Mỹ.

Ransomware

Ransomware là một dạng phần mềm độc hại (virus), khi thâm nhập vào hệ điều hành, sẽ chặn quyền truy cập vào hệ thống máy tính, thường bằng cách mã hóa các tệp. Để vô hiệu hóa virus, tin tặc yêu cầu đối tượng trả “tiền chuộc”, thường bằng tiền điện tử, để có được chìa khóa vô hiệu hóa virus và cho phép giành lại quyền kiểm soát hệ điều hành. DarkSide trong lịch sử đã vận hành một mạng liên kết tinh vi, nơi nó chia sẻ số tiền thu được từ ransomware với các đối tác có thể tạo điều kiện cho nó xâm nhập vào hệ thống máy tính của nạn nhân.

Theo FBI, DarkSide là một “băng nhóm tội phạm mạng” có trụ sở tại Nga và Đông Âu hoạt động theo mô hình kinh doanh được mô tả là “dịch vụ tống tiền”. Tháng 8/2020, nhóm này thông báo đã phát triển “công cụ tống tiền” và sẽ bán cho các nhóm hack khác. Kể từ đó, đã có 90 cuộc tấn công ransomware dẫn đến việc đánh cắp hơn 2 terabyte dữ liệu. Không rõ liệu các cuộc tấn công đòi tiền chuộc này được dàn dựng độc quyền bởi nhóm hacker DarkSide hay bởi những người khác sử dụng các công cụ của hacker DarkSide; rất có thể, là sự kết hợp của cả hai.

Sau cuộc tấn công, DarkSide thông báo đang giải thể, tuy nhiên, ngày 12/5, DarkSide tiết lộ rằng ba công ty khác, một công ty xây dựng ở Scotland, một đại lý bán lẻ sản phẩm năng lượng tái tạo ở Brazil và một đại lý bán lẻ dịch vụ công nghệ ở Mỹ, một bộ phận của đơn vị Châu Âu của Toshiba, cũng như Dịch vụ Y tế của Ireland, đã bị tấn công. Chưa rõ liệu các cuộc tấn công này được dàn dựng bởi DarkSide, bởi các nhóm liên kết hay tin tặc sử dụng công cụ của DarkSide.

Theo DarkSide, một số thực thể không xác định sau đó đã đột kích vào “ví kỹ thuật số”, nơi lưu giữ tiền điện tử của nhóm này và rút hết 5,3 triệu USD. Không rõ ai là thủ phạm lấy tiền điện tử của DarkSide. Một số nhà bình luận cho là chính phủ Mỹ, mặc dù chính quyền Biden đã phủ nhận; đó cũng có thể là một mánh khóe của DarkSide để làm chệch hướng sự giám sát và trả đũa của các cơ quan chức năng.

Tiền điện tử - mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ
Nhóm DarkSide được cho đã tấn công mạng Colonial Pipeline và đòi một số tiền chuộc lớn; Nguồn: bitnewstoday.com

Việc sử dụng Bitcoin để trả tiền chuộc đã làm dấy lên lo ngại rằng tiền điện tử gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, cả vì việc sử dụng chúng trong các cuộc tấn công ransomware có thể khuyến khích hoạt động này nhưng nhìn chung, chúng có thể làm suy yếu vai trò của đồng USD trong hệ thống tài chính của thế giới.

Tiền tệ kỹ thuật số tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ như thế nào?

Có ba cách tiền điện tử có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ. Đầu tiên, Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác dễ “rửa” hơn tiền mặt, tức là di chuyển và chuyển đổi thành các tài sản khác. Nếu DarkSide yêu cầu chuyển tiền mặt hoặc chuyển tiền đến một ngân hàng nước ngoài, thì việc theo dõi số tiền đi đâu sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Việc di chuyển một lượng lớn tiền mặt mà không bị chính phủ trừng phạt là rất khó. Ngay cả khi một ngân hàng nước ngoài sẵn sàng chấp nhận và xử lý chuyển khoản ngân hàng, bất kỳ tổ chức tài chính nào tham gia vào giao dịch mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý sẽ bị đóng băng khỏi mạng SWIFT.

SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication - SWIFT), về mặt pháp lý, tạo ra một mạng lưới cho phép các tổ chức tài chính trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong một môi trường an toàn, tiêu chuẩn hóa và đáng tin cậy. Một ngân hàng bị đóng băng khỏi mạng SWIFT không thể giao dịch với các ngân hàng khác và sẽ không thể hoạt động trên phạm vi quốc tế hoặc không thể làm nhiều hơn là cung cấp các dịch vụ ngân hàng địa phương.

Tiền điện tử - mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ
Theo giới chuyên gia, sự lưu hành đồng tiền kỹ thuật số có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ; Nguồn: icopulse.com

Bằng cách giúp việc kiếm tiền từ hoạt động tội phạm trở nên dễ dàng hơn, sự gia tăng của các loại tiền kỹ thuật số có thể dẫn đến sự gia tăng hoạt động tội phạm, đặc biệt là hoạt động như ransomware có thể được tiến hành từ xa. Mặc dù bất kỳ một hoạt động nào có thể không tăng đến mức đe dọa an ninh quốc gia, nhưng khả năng phạm tội tổng thể sẽ gia tăng - đặc biệt là khi những hành vi phạm tội đó đang được thực hiện bởi những kẻ xấu nước ngoài chống lại các công ty Mỹ, cơ quan chính phủ Mỹ hoặc các thành phần quan trọng cơ sở hạ tầng Mỹ.

Thứ hai, việc tạo ra các loại tiền kỹ thuật số đại diện cho một sự chuyển giao tài sản khổng lồ. Hiện tại, khoảng 900 Bitcoin được tạo ra (thuật ngữ được sử dụng là “khai thác”) mỗi ngày. Vào thời điểm tác giả viết bài này, Bitcoin được giao dịch ở mức xấp xỉ 40.000 USD/Bitcoin, có nghĩa là 36 triệu USD Bitcoin được tạo ra mỗi ngày, hay khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng. Tháng 4/2020, 65% tổng số hoạt động khai thác Bitcoin diễn ra ở Trung Quốc. Năm nhà khai thác Bitcoin lớn nhất tiếp theo là Mỹ, 7,24%; Nga, 6,9%; Kazakhstan, 6,17%; Malaysia, 4,33%; và Iran, 3,82%.

Gần 90% hoạt động khai thác Bitcoin đang được thực hiện bởi các quốc gia mà Mỹ coi là đối thủ. Không hoàn toàn rõ ràng tất cả các thực thể Trung Quốc, Nga và Iran khai thác Bitcoin là ai, họ có liên kết như thế nào với chính phủ hoặc quân đội của họ. Tuy nhiên, Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran từ lâu đã được đồn đại là có liên quan đến việc khai thác Bitcoin. Tốc độ hoạt động hiện tại thể hiện việc chuyển hơn 10 tỷ USD của cải mỗi năm từ Mỹ và các đồng minh châu Âu sang các đối thủ tiềm năng.

Việc chuyển giao đó chỉ đại diện cho hoạt động khai thác mới, không tính đến sự tăng giá trong số Bitcoin đã khai thác trước đó mà những người khai thác đó có thể đã giữ lại. Điều đó cũng áp dụng, ở quy mô nhỏ hơn, đối với việc chuyển của cải cho các thợ đào Bitcoin của Triều Tiên, một hoạt động chắc chắn đang diễn ra dưới sự kiểm soát của chính phủ và quy mô không được xác định.

Mối đe dọa thứ ba và nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ là tác động của tiền tệ kỹ thuật số đối với cả trạng thái của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ và đối với sự kiểm soát của Mỹ đối với các thể chế/cơ chế của hệ thống tiền tệ quốc tế. Chính phủ Mỹ có được một đòn bẩy chính trị từ ảnh hưởng của chúng đối với các thể chế/cấu trúc của hệ thống tiền tệ quốc tế.

Ảnh hưởng đó là kết quả của một số yếu tố: vai trò của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ; thực tế là phần lớn thương mại của thế giới, bao gồm cả thương mại hàng hóa, được tính bằng USD; quy mô của nền kinh tế Mỹ (vẫn chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc dân toàn cầu); vai trò của các ngân hàng Mỹ trong hệ thống quốc tế; và trên thực tế, Mỹ kiểm soát nhiều tổ chức kích hoạt dòng vốn toàn cầu.

Trong vài thập kỷ qua, các chính quyền đã sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính như một giải pháp thay thế ưu tiên cho xung đột vũ trang và như một công cụ chính của chính sách đối ngoại. Bất kỳ sự phát triển nào làm xói mòn vị thế của Mỹ trong hệ thống tiền tệ quốc tế đều tác động trực tiếp đến các công cụ mà Washington có sẵn để thực hiện chính sách đối ngoại của mình và nói rộng ra, sẽ làm nảy sinh các vấn đề an ninh quốc gia./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại