Tiền chảy vào cổ phiếu dược phẩm
Cổ phiếu dược phẩm vẫn đang trong giai đoạn “thăng hoa” khi mà khá nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã tăng trưởng vượt bậc từ đầu năm đến nay.
Điển hình như giá cổ phiếu TRA của Traphaco đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua để vượt qua cột mốc 100.000 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất trong 4 năm qua. Giá cổ phiếu DHG của Công ty dược Hậu Giang cũng đang đứng ở mức hơn 100.000 đồng/cổ phiếu, đưa quy mô vốn hóa doanh nghiệp lên tới 14.000 tỷ đồng. Trong khi giá cổ phiếu IMP của Công ty Dược Imexpharm tăng 65%; các cổ phiếu khác như DMC, DP3 cũng tăng giá ấn tượng.
Thực tế, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đang đặt niềm tin lớn vào họ cổ phiếu dược và thiết bị y tế khi giới đầu tư tin rằng đây là số ít các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có cơ hội tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi Covid-19.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của các công ty dược cũng khá tích cực. Đơn cử, Traphaco ghi nhận doanh thu thuần luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận ròng đạt 124 tỷ đồng, tăng 37,8%. Trong khi Dược Hậu Giang, doanh thu thuần nửa đầu năm cũng đạt 1.965 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 405 tỷ đồng, tăng lần lượt là 17% và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung các công ty chứng khoán đều đánh giá khá cao tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngành dược. Theo Công ty Chứng khoán SSI, động lực tăng trưởng chính ở Traphaco là tiến độ nghiên cứu phát triển thuốc đông dược và thực phẩm chức năng bắt đầu có kết quả tích cực. Bên cạnh đó, mảng sản xuất thuốc tân dược sẽ tăng lên trong năm 2021-2022 nhờ nhận chuyển giao công nghệ từ Daewong Pharma. Doanh thu từ hàng thương mại, nhập khẩu ủy thác ước tính cũng gia tăng đáng kể với các hợp đồng ký mới phân phối cho JW, CKD.
Còn với Dược Hậu Giang, Công ty Chứng khoán Bản Việt kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp này khoảng 5%/năm, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự hiện diện lâu dài và rộng rãi của công ty trong kênh nhà thuốc cũng như hỗ trợ về mặt sản phẩm của cổ đông chiến lược Taisho (Nhật) về kinh doanh dòng thuốc điều trị các bệnh ngày càng phổ biến như thần kinh, tim mạch và tiêu hóa.
Cùng với đó, các thương vụ M&A của khối ngoại còn là cơ sở để giá cổ phiếu của các công ty dược tăng trưởng vượt bậc. Mới đây, nhà đầu tư Hàn Quốc là SK Investment Vina III nhận chuyển nhượng gần 3,5 triệu cổ phần để trở thành cổ đông lớn nhất tại IMP với tỷ lệ sở hữu 29,22%. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại IMP đã đạt ngưỡng 49%.
Dự kiến sau các thương vụ điển hình như Dược Hậu Giang với Taisho (Nhật), Mekophar với Nipro (Nhật), Pymepharco với Stada (Đức) hay Domesco với Abbott (Mỹ), làn sóng đầu tư của nước ngoài vào ngành dược tại Việt Nam sẽ chưa dừng lại.
Nhờ dân số đông, môi trường và xu thế già hóa dân số bắt đầu xuất hiện, kéo theo nhu cầu chi tiêu thuốc bình quân trên đầu người tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Vì thế giới chuyên gia nhận định, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh nhất châu Á và có tiềm năng cao để đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cục Quản lý Dược Việt Nam cũng dự đoán ngành sẽ tăng trưởng trong vòng 5 năm tới, lần lượt đạt giá trị khoảng 7,7 tỷ USD vào 2021 và 16,1 tỷ USD năm 2026, tương đương với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11%. Hãng tư vấn Fitch Solutions dự báo doanh số dược phẩm sẽ đạt mức tăng trưởng kép bình quân 6,5% trong 10 năm tới.
Tuy nhiên bên cạnh các cơ hội, một số rủi ro cho ngành dược vẫn còn đáng kể. Chẳng hạn, áp lực cạnh tranh rất khốc liệt, khiến cho biên lợi nhuận có thể bị suy giảm. Ngoài ra giá vật liệu đầu vào, chi phí vận tải và logistics tăng mạnh tiếp tục là bài toán gây đau đầu cho các công ty trong ngành dược.
Mặc dù vậy, theo giới chuyên môn, triển vọng của ngành dược vẫn rất sáng và đó là cơ sở để các cổ phiếu ngành dược tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận