Tiền ảo, sàn ảo: Lời hay hoạ?
Thực tế tiền ảo đang là một kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn không kém so với những kênh đầu tư tài chính khác như chứng khoán, vàng... Tuy nhiên do hiện nay ở Việt Nam tiền ảo vẫn chưa được công nhận khiến kênh này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Hơn 10 triệu tài khoản đầu tư tiền ảo
Giá đồng Bitcoin thời gian gần đây tăng trở lại khiến thị trường tiền ảo tại Việt Nam càng trở nên sôi động. Dù hiện nay Chính phủ Việt Nam chưa hề công nhận tiền ảo là hợp pháp nhưng đây vẫn là kênh đầu tư gây sốt tại nước ta suốt thời gian qua.
Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của trang Statista năm 2020 được công bố giữa tháng 2, Việt Nam đứng thứ hai về mức độ phổ biến tiền ảo sau Nigeria, và xếp thứ ba là Philippines.
Tại Việt Nam, nhiều diễn đàn, nhóm kín về tiền ảo với cả hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn người tham gia ngày càng nhiều. Theo thông tin không chính thức tổng hợp từ số liệu thống kê của các trang kỹ thuật số nước ngoài, ước tính Việt Nam cũng có hơn 10 triệu tài khoản đầu tư tiền ảo, cao hơn ít nhất 5 lần số tài khoản chứng khoán hiện nay.
Mặc dù luôn được cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng, song điều khiến tiền ảo vẫn hấp dẫn giới đầu tư chính là lợi nhuận quá lớn. Nhưng mặt trái của việc phát triển đồng tiền này đã thực sự tạo ra loạt những rủi ro của các kênh đầu tư tiền ảo “rác” đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Đáng lo ngại, tiền ảo “rác” có xu hướng tăng mạnh và đang “hút máu” các nhà đầu tư. Cụ thể, với lời mời chào hấp dẫn về lợi nhuận lớn từ các sàn tiền ảo, các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào các sàn tiền ảo "rác” để rồi sau một khoảng thời gian ngắn bỗng dưng sàn bị sập, lúc đó nhà đầu tư mới ngã ngửa là bị lừa. Tinh vi hơn, khi nhiều sàn giao dịch tiền ảo đã "dụ" các nhà đầu tư mua những tiền ảo thật, sau đó dùng các tiền ảo này để mua lại tiền ảo "rác" nhằm kiếm lợi nhuận cao để rồi các nhà đầu tư mất trắng số tiền đầu tư của họ.
Giá trị vẫn chỉ là ...ảo
Cũng phải thừa nhận hiện vẫn có không ít nhà đầu tư đang kiếm lời nhờ giao dịch tiền ảo. Nhưng thực tế cho thấy, hiện đang có nhiều cạm bẫy núp bóng dưới các chiêu trò “đào” và mua bán tiền ảo… mà người tham gia khó đoán định được.
Đơn cử như việc từ đầu năm đến nay, cộng đồng tiền điện tử/blockchain liên tục xôn xao về việc cài đặt ứng dụng để đào Pi thông qua mạng lưới và ứng dụng mang tên Pi Network. Vì thế, trên nhiều mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Telegram, YouTube… xuất hiện nhiều lời mời chào tham gia đào Pi với hy vọng về cơ hội “sỏi đá biến thành vàng”. Độ xác thực của Pi Network vẫn là dấu hỏi lớn trong khi giá trị của Pi hoàn toàn bằng 0, nên đây là vấn đề đang được cộng đồng cũng như các chuyên gia công nghệ thông tin tranh cãi. Nhiều dấu hiệu nghi vấn được đặt ra, nhưng cũng nhiều biện minh tưởng như “vô lý nhưng lại rất thuyết phục” để cho thấy Pi có thể là đồng tiền có giá trị sau khi được niêm yết, ví dụ như người đào Pi không mất gì, chỉ cần cài ứng dụng trên điện thoại là có thể đào Pi. (?)
Đặc biệt, với tiền ảo, tiền kỹ thuật số, đà tăng phi mã của một số đồng tiền như Bitcoin, Ethereum, Binance Coin, Cardano… đều khiến nhà đầu tư phải “choáng váng”. Từ đó, cộng đồng đào Pi luôn ôm hy vọng về một ngày không xa, Pi được niêm yết và trở thành đồng tiền kỹ thuật số có giá trị.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, câu chuyện về Pi hay một loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số nào đó phần nhiều đều xuất phát từ tâm lý thụ động, muốn làm giàu nhanh nhưng lại không muốn đầu tư quá nhiều công sức và tiền bạc.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan này đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan Công an về các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch, tiền ảo, chứng khoán có tính chất tương tự đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có xu hướng diễn ra thường xuyên.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết (theo thông tin từ các cơ quan Công an cung cấp), nhìn chung các sàn giao dịch này thường có cùng một số đặc điểm tương đồng, chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức (mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân- Binary Option với hình thức dự đoán giá trị lên xuống của một tài sản (có thể là đồng tiền ảo crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu, tỷ giá...).
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận