Tiềm năng phát triển của các kênh đầu tư trên thị trường là rất lớn
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngoài bất động sản vẫn còn rất nhiều cơ hội đầu tư trong năm 2022, lựa chọn kênh đầu tư nào phụ thuộc vào am hiểu và độ chấp thuận rủi ro của nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư đang đứng trước những cơ hội đầu tư kinh doanh lớn khi nền kinh tế dần hồi phục trở lại, nhất là sau khi dịch Covid -19 đã được khống chế, bình thường hoá.
Nhiều nhà đầu tư khi tham gia đầu tư luôn mong muốn sinh lời một cách nhanh chóng với mức lợi nhuận đáng kể. Nhưng trên thực tế không phải ai cũng có được may mắn đó. Muốn đầu tư có được thành công thì nhà đầu tư cần lựa chọn những kênh thích hợp và am hiểu lĩnh vực mình thực sự quan tâm.
Các chuyên gia nhận định, cơ hội đầu tư nhiều nhưng không phải cứ bỏ tiền ra đầu tư là sẽ nhất định thành công, để lựa chọn được một kênh phù hợp với mong muốn của mỗi nhà đầu tư cần dựa vào rất nhiều yếu tố.
Để cung cấp thêm một góc nhìn giúp các nhà đầu tư có thể tham khảo sau đó định hướng đầu tư chính xác theo kênh mong muốn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh về vấn đề này.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.
Trải qua 4 tháng đầu năm 2022, các kênh đầu tư truyền thống đã nảy sinh ra rất nhiều vấn đề. Chứng khoán thì trồi sụt liên tục, trái phiếu xảy ra nhiều "scandal", điều này khiến nhiều nhà đầu tư loay hoay không biết rót tiền vào đâu. Vậy theo ông, từ nay tới cuối năm, kênh đầu tư nào có dư địa?
Nhìn chung mỗi kênh đầu tư đều có các ưu nhược điểm khác nhau, tuỳ thuộc vào các nhà đầu tư có thể chấp thuận rủi ro như thế nào?
Đơn cử, nếu như là một nhà đầu tư mới bắt đầu tham gia các thị trường này còn nhiều e ngại thì nên chọn kênh an toàn, ngược lại nhà đầu tư lâu năm có nhiều kinh nghiệm không ngại mạo hiểm thì sẽ chọn kênh rủi ro cao hơn.
Thứ nhất, muốn ít rủi ro thì có thể gửi tiết kiệm, kênh này rủi ro thấp và tất nhiên lợi nhuận mang lại cũng không được cao. Các nhà đầu tư non kinh nghiệm thương trường thì vẫn có thể lựa chọn kênh này vì thời gian gần đây lãi suất gửi tiết kiệm đã dần dần được nâng lên.
Thứ 2, đầu tư chứng khoán và trái phiếu cũng sẽ tốt, vì qua nhiều biến động thị trường chứng khoán, trái phiếu đã có một số điều chỉnh kèm theo là các phân tích, báo cáo thì rõ ràng thì 2 thị trường này sẽ dần dần đi vào ổn định.
Về nguyên tắc năm 2022 lợi nhuận và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tấp nập hơn cho nên cổ phiếu có thể sẽ lên giá và đạt cột mốc mới.
Cũng phải nói thêm, đây là các kênh đầu tư cần kiến thức và một mức độ am hiểu nhất định về thị trường, yêu cầu người đầu tư phải biết nắm bắt cơ hội.
Tại Việt Nam ngoài những kênh đầu tư truyền thống thì các nhà đầu tư còn lựa chọn nào khác nữa không, thưa ông?
Hiện nay, ở thị trường Việt Nam, khái quát thì có thể chia làm 6 kênh đầu tư chính bao gồm: Bất động sản, chứng khoán, vàng, gửi tiết kiêm, khởi nghiệp và tài sản ảo.
Những kênh đầu tư đã kể trên đều có thể sinh lãi suất nhất định cho nhà đầu tư, tuy nhiên phải khẳng định, mỗi kênh đầu tư có nhiều chuyển biến và rủi ro khác nhau. Nói riêng vào thời điểm từ nay đến cuối năm nhà đầu tư cần lựa chọn chính xác theo tình hình thực tế tránh rủi ro cao nhất dễ vướng phải.
Trong những kênh đầu tư vừa nêu, ông có thể cho biết những kênh nào nhà đầu tư không nên đầu tư, thưa ông?
Thứ nhất, đối với dạng đầu tư tiền ảo, đây là kênh đầu tư "chui", không chính thống ở Việt Nam. Ở kênh này có rất nhiều vấn đề, nhưng đứng trên phương diện nhà nước, về pháp lý thì có thể khẳng định nhà đầu tư không nên tham gia vào, nếu tham gia vào rất dễ vi phạm luật pháp.
Thứ 2 là đầu tư vào vàng cũng không nên, ở kênh này cũng có rất nhiều vấn đề và rất khó để đoán định, phân tích nó. Như trong giai đoạn vừa rồi chẳng hạn, hầu hết các quốc gia trên thế giới đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp, liên minh châu Âu… đều nâng lãi suất lên để chống lạm phát. Theo nguyên tắc khi nâng lãi suất lên thì đồng tiền các nước đó sẽ mạnh lên, khi đồng tiền mạnh lên đặc biệt là USD chẳng hạn thì rõ ràng là thị trường vàng sẽ phải đi xuống.
Theo tình hình thực tế, giá vàng vẫn đang căng phồng dù cho lãi suất đã được nâng lên cao. Đặc biệt, ở Việt Nam thực chất nhà đầu tư không nên đổ dồn vào vàng, lý do đơn giản dễ hiểu là bởi giá vàng Việt Nam và thế giới đang chênh nhau rất nhiều, đâu đó chênh 19 - 20 triệu đồng/lượng. Thêm vào đó, khi mua vào bán ra giá trị của vàng cũng chênh lệch không nhỏ, chênh nhau từ 3-5 triệu đồng/lượng. Chính vì vậy, đầu tư vào vàng rất khó đề các nhà đầu tư có thể kiếm lời, trong khi rủi ro không phải là ít.
Tình hình kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực nhất là sau đại dịch Covid -19, vậy theo ông để đầu tư an toàn và mới mẻ nhà đầu tư nên lựa chọn kênh nào?
Để an toàn nhất thì chỉ có kênh gửi tiết kiệm, đây là kênh đầu tư an toàn. Theo thực tế mặc dù là lãi suất gửi tiết kiệm đã dần được tăng lên nhưng rõ ràng nhà đầu tư cần phải chấp nhận, đã gửi tiết kiệm thì lãi suất không thể cao được.
Ngoài ra, kênh đầu tư khởi nghiệp trong năm nay là quá tốt vì hiện nay đà đi lên của kinh tế đang tạo ra rất nhiều nhu cầu cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như là các mặt hàng tiêu dùng của người mua. Nếu như tham gia vào khởi nghiệp thì dễ thu lại kết quả tốt. Thêm nữa, hiện nay về chính sách thuế của nhà nước đang có nhiều ưu đãi, cho nên có cơ hội để nhà đầu tư tìm được lĩnh vực để khởi nghiệp là dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng cũng phải nhắc lại đã đầu tư là phải có rủi ro, khởi nghiệp thì càng rủi ro hơn. Nếu như nhà đầu tư không có một chiến lược cụ thể, nghiên cứu kỹ lĩnh vực khởi nghiệp thì vẫn có thể nhận thất bại.
Như ông đã chia sẻ, bất động sản vẫn là kênh đáng để đầu tư. Theo ông nên đầu tư vào phân khúc nào?
Kênh đầu tư bất động sản có thể nói đây vẫn là kênh đầu tư tốt nhất để có thể sinh lời và rủi ro thì ở dạng trung bình. Thời gian qua, với nhiều chính sách được đưa ra nhằm hạn chế các nhà đầu tư "chộp giật", đầu cơ bất động sản được đưa ra với hy vọng giá bất động sản sẽ giảm, nhưng thực sự hy vọng này là rất khó đối với thị trường Việt Nam. Đơn cử như ở thời điểm đại dịch Covid -19 hoành hành nhưng giá bất động sản chưa có lúc nào hạ, rất nhiều nhà đầu tư xuống tiền để sở hữu một sản phẩm bất động sản. Điều này cho thấy vốn hay tiền nhàn rỗi của người dân đang còn rất nhiều.
Hơn nữa, về nhu cầu nhà ở của người dân Việt Nam vẫn đang còn cao vì chúng ta thấy rằng mức bình quân nhà ở của Việt Nam trên đầu người đang ở mức thấp, cộng quan niệm "an cư lập nghiệp" cho nên dứt khoát nhu cầu về nhà ở vẫn sẽ tăng lên, đồng thời tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư.
Chỉ cần lấy một ví dụ như ở dạng bất động sản chung cư vì dân hay chung cư trung cấp thì khi có một chủ đầu tư nào ra sản phẩm của chung cư dạng này gần như chắc chắn sẽ bán được hết chung cư ấy, qua đó ta có thể thấy được nhiều tiềm năng đầu tư sinh lời ở lĩnh vực bất động sản.
Mặt khác, ở dạng đất nền, bất động sản phân khúc này trong năm 2022 đang diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Nhiều khu vực đất nền tăng giá gấp 2 gấp 3 lần so với tháng trước. Mặc dù sẽ có những điều chỉnh lại giá qua các chính sách của pháp luật nhưng đây vẫn là một kênh đầu tư tốt.
Đặc biêt, thị trường bất động sản có thể gọi là đang "nhốn nháo", nhưng "nước càng đục thì càng dễ buông câu", đã đầu tư sẽ không sợ điều này và chấp nhận rủi ro để đầu tư, nếu thành công việc sinh lời sẽ không ít. Ngược lại, vào thời điểm khi các bất động sản đã công khai minh bạch thì lợi nhuận nó cũng chỉ ở mức vừa phải, thậm chí là ít.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận