Tiềm năng của cổ phiếu ngành dược trong năm 2023
Lâu nay, cổ phiếu ngành dược vẫn luôn được đánh giá là cổ phiếu phòng thủ có tiềm năng bởi đây là nhóm ngành thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài...
Nhiều doanh nghiệp dược lớn thậm chí còn do nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền chi phối như Pymepharco, Dược Hậu Giang, Imexpharm, Traphaco, Domesco... Chính vì vậy, mỗi khi có cơ hội từ các hoạt động thoái vốn Nhà nước hay nới room, cổ đông ngoại không tiếc tay để thâu tóm, nhờ đó tạo ra thêm động lực thúc đẩy giá cổ phiếu.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội của các doanh nghiệp dược phẩm cũng là một yếu tố quan trọng để các cổ đông tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Do đó, đây là nhóm ngành luôn mang lại cổ tức và thu nhập ổn định, bất chấp biến động chung của thị trường chứng khoán.
Gần kề đến mùa đại hội cổ đông thường niên, một số doanh nghiệp ngành dược cũng đang rục rịch thông báo về kế hoạch chia cổ tức.
Mới nhất, Dược Hậu Giang công bố quyết định của HĐQT về việc tăng tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt của năm 2022 từ 30% so với kế hoạch lên mức 35%, tương ứng với cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 3.500 đồng sau khi ghi nhận một năm lợi nhuận cao kỷ lục. Như vậy, với gần 131 triệu cổ phiếu DHG đang lưu hành, Dược Hậu Giang dự kiến sẽ chi ra gần 458 tỷ đồng chia cổ tức lần này cho cổ đông.
Công ty CP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định cũng thông tỷ lệ chia cổ tức năm 2022 là 20% (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng). Với hơn 74,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Dược Bình Định sẽ chi gần 150 tỷ đồng để thực hiện chi trả đợt này.
Fitch Solutions dự báo, doanh thu ngành dược phẩm Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đặn khoảng 6,72% trong giai đoạn 2022 – 2026 nhờ vào tăng trưởng chi tiêu sức khoẻ của người dân. Theo đó, Agriseco Research đưa ra khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu ngành dược trong năm nay nhờ tính phòng thủ, ngành nghề kinh doanh ổn định, nhu cầu thiết yếu.
Trong báo cáo gần nhất, SSI Research cho rằng, đây sẽ là năm khó khăn hơn khi tăng trưởng của ngành sẽ hạn chế và lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp trước khi khá dần lên những quý sau, do tình hình thiếu hụt nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược. Các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn (như Traphaco).
Tuy nhiên, một trong những câu chuyện nổi bật của năm 2023 là cuộc chạy đua về nâng cấp chất lượng (EU-GMP) đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn, giúp các doanh nghiệp trong nước hy vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu.
“Doanh thu ngành dược phẩm vẫn được kỳ vọng tăng 8% lên 169.000 tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023”, SSI Research nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận