Thụy Sĩ 'choáng váng' vì quy mô của siêu ngân hàng mới
Việc ngân hàng lớn nhất lịch sử Thụy Sĩ ra đời sau khi UBS mua lại Credit Suisse đã đặt ra không ít lo ngại cho giới chuyên gia, các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Việc ngân hàng UBS mua lại Credit Suisse vào ngày 19-3 đã ngăn ngân hàng Credit Suisse rơi vào tình trạng sụp đổ. Đồng thời, thương vụ này cũng tạo ra ngân hàng lớn nhất mà Thụy Sĩ từng có trong lịch sử, theo hãng tin AFP.
Tuy nhiên, nhiều người làm trong lĩnh vực kinh doanh, công nghiệp và chính trị tin rằng ngân hàng lớn hơn không đồng nghĩa là sẽ tốt hơn.
Câu hỏi lớn
Trước khi thương vụ trên được ký kết, cả UBS và Credit Suisse đều nằm trong số 30 ngân hàng hàng đầu thế giới, có tầm quan trọng chiến lược đối với hệ thống ngân hàng toàn cầu. Do đó, nhiều người tin rằng những ngân hàng như vậy khó có thể sụp đổ.
Ông Philippe Cordonier - thành viên Swissmem (hiệp hội đại diện cho ngành kỹ thuật Thụy Sĩ) - cho rằng: “Credit Suisse thực sự là ngân hàng của nền kinh tế và ngành công nghiệp”.
Ông cũng cho biết đối với các công ty xuất khẩu, Credit Suisse cung cấp một loạt dịch vụ cần thiết cho các giao dịch quốc tế, bao gồm "thanh toán ở nước ngoài, tín dụng, cho thuê, phòng ngừa rủi ro tiền tệ”.
Theo ông Cordonier, dù UBS và Credit Suisse có quan hệ gần gũi nhưng hoạt động của hai ngân hàng là không giống nhau. Do đó, thương vụ mua lại sẽ “đặt ra câu hỏi về việc nên giữ lại những đặc trưng nào của các ngân hàng này”.
Theo AFP, việc tiếp quản như vậy thường sẽ mất nhiều tháng đàm phán, nhưng UBS chỉ mất có vài ngày. Điều này đặt ra không ít câu hỏi cho giới đầu tư và kinh doanh. Tại một hội nghị, ông Ralph Hamers - tổng giám đốc điều hành của ngân hàng UBS - cũng thừa nhận ông vẫn chưa có đầy đủ thông tin chi tiết về việc tiếp quản.
Theo ông Cordonier, sau khi Credit Suisse bị mua lại, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tìm đến các ngân hàng cấp bang để hỗ trợ họ. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cấp bang của Thụy Sĩ lại không có khả năng hỗ trợ thanh toán khi các công ty xuất khẩu tiếp cận những thị trường xa xôi như châu Á.
Ông Cordonier cho biết một lựa chọn khác là chuyển sang các ngân hàng nước ngoài và chấp nhận việc các ngân hàng này không có "kiến thức chuyên sâu" về thị trường Thụy Sĩ.
Chi nhánh của ngân hàng Credit Suisse ở trung tâm thành phố Milan (Ý). Ảnh: AFP
Lo ngại
Được ông Alfred Escher thành lập năm 1856, Credit Suisse gắn liền với sự phát triển kinh tế của Thụy Sĩ. Theo đó, ngân hàng này đã tài trợ cho việc mở rộng mạng lưới đường sắt, xây dựng đường hầm Gotthard bên dưới dãy Alps và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp của Thụy Sĩ phát triển.
Trả lời tờ Berner Zeitung, ông Tobias Straumann, giáo sư lịch sử kinh tế tại Đại học Zurich, cho rằng nhà chức trách Thụy Sĩ đã có thể xem xét giải pháp quốc hữu hóa một phần ngân hàng Credit Suisse. Tuy nhiên, họ đã không làm vậy.
Ông Carlo Lombardini - giáo sư luật ngân hàng tại Đại học Lausanne - thừa nhận việc UBS mua lại Credit Suisse "chắc chắn là giải pháp nhanh chóng và khả thi duy nhất". Tuy nhiên, ông cho rằng việc cho một ngân hàng nước ngoài mua lại Credit Suisse cũng là phương án có lợi.
“Nhưng một tập đoàn nước ngoài lớn không thực hiện các thương vụ mua lại trong một ngày cuối tuần”, ông nói.
Bên cạnh đó, đồng tình với giáo sư Zeitung, ông Lombardini cho rằng giải pháp quốc hữu hóa Credit Suisse đáng lẽ nên được tính đến.
Giờ đây, với việc ngân hàng lớn nhất lịch sử Thụy Sĩ hình thành, nhiều người bắt đầu lo ngại quyền lực của ngân hàng này có thể vượt ngoài tầm kiểm soát.
“Việc một số ít ngân hàng nắm quá nhiều quyền lực có thể làm giảm sự cạnh tranh và gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Liên đoàn Các công ty Thụy Sĩ - tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - nêu quan điểm.
Việc UBS tiếp quản Credit Suisse trong thời gian ngắn cũng tạo nên làn sóng chỉ trích dữ dội trong chính giới Thụy Sĩ. Các chính trị gia nước này đã kêu gọi thắt chặt hơn nữa các quy định của ngành ngân hàng, vốn đã rất nghiêm ngặt và nổi tiếng toàn cầu của nước này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận