Thủy sản Việt Nam sẽ mất thị trường EU, nếu bị EC phạt thẻ đỏ
Nếu không gỡ được thẻ vàng IUU của Ủy ban Châu Âu (EC), trái lại nếu bị EC cảnh báo thẻ đỏ, nghiên cứu lượng tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm. Trong số này, tổn thất từ thủy sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài sinh vật biển khác chiếm khoảng 387 triệu USD mỗi năm...
Trong trường hợp bị Ủy ban Châu Âu (EC) phạt thẻ đỏ, ngành thủy sản Việt Nam có nguy cơ mất thị trường châu Âu (EU), và khi đó, ước tính mỗi năm sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD.
Đó là nội dung của bản báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố ngày 10/8/2021.
Xuất khẩu thủy sản sang EU liên tục sụt giảm
Báo cáo cho biết, ngành thủy sản của Việt Nam đã nhanh chóng phát triển thành một ngành công nghiệp theo định hướng hàng hóa với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD mỗi năm.
Ngành này đóng góp vào khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo 4,7 triệu việc làm (tương đương khoảng 5% tổng số việc làm trong khu vực chính thức), bao gồm khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp và 2,7 triệu việc làm gián tiếp trong chuỗi giá trị thủy sản.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã tăng mạnh trong 20 năm qua, từ 90 triệu USD năm 1999 lên gần 1,5 tỷ USD năm 2017 (sau đó giảm xuống còn 1,22 tỷ USD năm 2020). Năm 2017, EC cảnh báo thẻ vàng IUU (Luật Chống đánh bắt bất hợp pháp) đối với Việt Nam do không hợp tác và không đủ nỗ lực chống khai thác thủy sản IUU.
Trong 4 năm qua, Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành và toàn thể cộng đồng ngư dân Việt Nam đã tích cực cải thiện theo các khuyến nghị của EU nhằm gỡ bỏ thẻ vàng IUU. EU cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU. Tuy nhiên đến nay, thẻ vàng IUU vẫn chưa được gỡ bỏ. |
Do ảnh hưởng của thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang EU đã giảm đáng kể trong những năm qua, và đó mới chỉ là một phần của tác động tiêu cực có thể thấy qua số liệu xuất khẩu và sẽ còn có nhiều hệ lụy khác.
Năm 2018, năm đầu tiên chịu ảnh hưởng của thẻ vàng IUU, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang EU giảm 6%. Trong số các sản phẩm khai thác biển này, xuất khẩu bạch tuộc giảm 22%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 19%, cua giảm 14% và các loài cá biển khác giảm 4%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU năm 2018 vẫn tăng 12%.
Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó sản phẩm hải sản khai thác đóng góp khoảng 387 triệu USD. So với năm 2018, thỉ kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU năm 2019 giảm 12%.
Đặc biệt, 3 mặt hàng thủy sản chính sang thị trường EU đều giảm mạnh: bạch tuộc tiếp tục giảm 19%, cá ngừ giảm 12%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm mạnh 119%, trong khi các sản phẩm hải sản khác tăng 14%.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,4 tỷ USD vào năm 2020, giảm gần 2% so với năm 2019. Các thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm Trung Quốc giảm 3%, EU (giảm 6%), Hàn Quốc (giảm 2%) và các nước ASEAN (giảm 18%), Nhật Bản (giảm 3%).
Các thị trường khác tăng so với cùng kỳ (Mỹ tăng 10%, Anh tăng 23%, Canada tăng 14%). Về sản phẩm xuất khẩu: cá tra giảm mạnh nhất, 25%; bạch tuộc giảm 3% và cá ngừ giảm 10%, trong khi xuất khẩu tôm vẫn tăng.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 1,22 tỷ USD, giảm 6% so với năm 2019. Tuy nhiên, theo Báo cáo, khó dựa vào các số liệu xuất khẩu thủy sản sang EU năm 2020 để phân tích định lượng tác động từ thẻ vàng. Bởi, suy giảm xuất khẩu năm 2020 không chỉ chịu tác động bởi thẻ vàng, mà còn bị ảnh hưởng bởi cả đại dịch COVID-19.
Nếu bị "thẻ đỏ" thiệt hại sẽ rất lớn
Mặt khác, xuất khẩu thủy sản sang EU từ nửa cuối năm 2020 còn được tác động từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại kết quả tích cực cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu được hưởng lợi đáng kể khi EVFTA có hiệu lực vì 50% số dòng thuế sẽ về 0% vào năm 2020, bao gồm các mặt hàng chính như tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc.
EU luôn là thị trường quan trọng nhất của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, từ sau khi bị tác động bởi thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã mở rộng ở nhiều thị trường khác để thay thế những thị phần giảm ở EU. Bởi vậy, EU từ vị trí thứ 2 trong nhóm các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam đã tụt xuống thứ 5 kể từ năm 2018, xếp sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN.
Lượng tính thiệt hại đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU do thẻ đỏ là khoảng 480 triệu USD. Trong khi đó, thiệt hại do tác động gián tiếp đến nuôi trồng thủy sản có nghĩa là có thể có các chi phí mà các nhà sản xuất thủy sản phải trả khi họ xuất khẩu sang các thị trường EU. |
Trong trường hợp ngành thủy sản Việt Nam bị EC cảnh cáo thẻ đỏ, hậu quả sẽ giống như trường hợp của Sri Lanka: tất cả các sản phẩm hải sản khai thác đều bị cấm vào thị trường EU. Các tác động bao gồm rủi ro đối với danh tiếng, kiểm soát hải quan nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý nhập khẩu, và đặc biệt, không tận dụng được thuế quan ưu đãi của EVFTA.
Nếu thẻ đỏ kéo dài từ 2 đến 3 năm, toàn bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng. Ngành khai thác và chế biến thủy sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại. Điều này dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng việc làm và việc xóa đói giảm nghèo.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 16-18 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, cả nước phải có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản bình quân hàng năm là 7-9% trong 10 năm tới.
"Với kịch bản thẻ vàng không được gỡ bỏ, tốc độ tăng trưởng 9%/năm chắc chắn không thể đạt được. Bị cảnh báo thẻ đỏ, rất khó để duy trì sự tăng trưởng tích cực trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm tới”, báo cáo nhận định.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại tại thị trường EU là rất khả thi.
Điều này cho thấy cần có những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7-9% và đạt 16-18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận