Thủy sản Hùng Vương sau “cú sốc” POR 14
Mặc dù lãi 7 tỷ trong quý II, nhưng sau “cú sốc” POR14, Hùng Vương lại phải đối mặt với dư nợ vay gần 3.000 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 398 tỷ đồng.
Khả năng hoạt động kinh doanh của Hùng Vương lúc này phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai, cũng như việc được tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng.
Thuỷ sản Hùng Vương (HVG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2019 (31/12/2018-31/3/2019) với doanh thu đạt 1.302 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với mức 2.292 tỷ cùng kỳ. Giá vốn tương ứng giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp tăng lên 156 tỷ. Do không còn khoản thu từ thanh lý, chuyển nhượng khiến doanh thu tài chính trong kỳ giảm đáng kể, chỉ còn 1,4 tỷ. Chi phí tài chính có sụt giảm, đặc biệt chi phí bán hàng và quản lý giảm mạnh dẫn đến Hùng Vương có lãi 7 tỷ trong quý II.
Sau POR 14 là gánh nặng nợ nần
Luỹ kế 2 quý (1/10/2018-31/3/2019), Hùng Vương ghi nhận doanh thu 2.647 tỷ, giảm một nửa so với mức 4.992 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng mức lợi nhuận gộp 311 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu xuất khẩu 2 quý đầu năm của Công ty giảm 2,5 lần, chỉ còn vỏn vẹn 887 triệu đồng. Tương tự, doanh thu nội địa của giảm 60% về 1.769 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu nửa đầu niên độ 2018-2019, doanh thu thủy sản tăng đột biến từ 350 tỷ lên 1.409 tỷ đồng, tương ứng giá vốn tăng khiến lợi nhuận gộp từ mảng này vẫn không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ. Ngược lại, nguồn thu từ thức ăn chăn nuôi giảm hơn 127 lần, chỉ còn 13 triệu đồng. Doanh thu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, phụ phẩm… cũng giảm đáng kể. Công ty hiện không còn nguồn thu từ mảng kinh doanh bất động sản.
Sau cú sốc POR14 đến nay, vấn đề đáng lo ngại tiếp tục là gánh nặng nợ vay với 3.000 tỷ đồng. Từng tự tin khẳng định sau kết quả POR14, Hùng Vương sẽ không còn cần đến dòng vốn ngân hàng, tuy nhiên những gì còn lại sau tuyên bố đó hiện là bài toán mất cân đối dòng vốn, và những kiến nghị xin giãn nợ nhà băng chưa có câu trả lời.
Tính đến thời điểm 31/3/2019, Hùng Vương có 8.827 tỷ tài sản với 6.991 tỷ tài sản ngắn hạn và 1.836 tỷ tài sản dài hạn. Trong đó, tài sản ngắn hạn đang "dồn" tại khoản phải thu với 4.752,5 tỷ - tương đương tỷ trọng 68%, cùng với 1.809 tỷ hàng tồn kho. Hùng Vương cũng tiếp tục gia tăng trích lập dự phòng đối với hai khoản mục này, bao gồm 679 tỷ dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và hơn 12 tỷ dự phòng giảm giá hàng tồn.
Về nợ, tổng nợ hiện nay của doanh nghiệp ghi nhận 6.630 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 6.481 tỷ (chiếm 93% tài sản ngắn hạn) và nợ dài hạn 149 tỷ đồng. Hiện, Hùng Vương đang nợ ngắn hạn ngân hàng 2.969 tỷ đồng, vay nhiều nhất tại BIDV với hơn 1.935 tỷ đồng, kế tiếp là Vietcombank với 602 tỷ, HDBank 169,5 tỷ cùng một số khoản vat ngắn hạn tại các nhà băng khác. Trong đó, nợ đến hạn trả của doanh nghiệp hơn 54,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu Hùng Vương vào mức 2.197 tỷ, lỗ lũy kế hơn 398 tỷ đồng.
Trước đó, cả năm 2018, Hùng Vương chỉ xoay quanh việc bán tài sản, thoái vốn và chuyển nhượng cổ phần tại công ty con. Từng được đánh giá là một trong những doanh nghiệp giữ thị phần hàng đầu về xuất khẩu cá tra, danh xưng "Vua cá tra" gắn liền với Hùng Vương từ ngày đầu doanh nghiệp này niêm yết. Tuy nhiên, cú trượt dài từ đỉnh cao khi rơi vào vòng xoáy nợ nần khiến ông vua thủy sản một thời phải loay hoay tìm cách gỡ rối.
“Nặng đầu” với bài toán vốn
Câu chuyện của "Vua cá tra" bắt đầu từ khi doanh nghiệp này đang là cái tên dẫn đầu thị trường. Theo bản cáo bạch năm 2009, Hùng Vương là một trong những doanh nghiệp lớn ngành thủy sản và là doanh nghiệp đứng đầu với riêng dòng sản phẩm cá tra.Được đà từ thị trường, kết quả kinh doanh của Hùng Vương tăng nhanh sau khi lên sàn chứng khoán.
Từ mức 3.100 tỷ đồng năm 2009, doanh thu của "Vua cá tra"tăng lên hơn gấp đôi sau đó hai năm và đến năm 2016 đã vượt mốc 18.000 tỷ đồng. Tham vọng lớn, tăng trưởng nhanh đưa Hùng Vương lên top đầu của ngành thủy sản trong nước.Tuy nhiên, tăng trưởng "quá nóng" không phải lúc nào cũng mang nghĩa tích cực.
Thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) là cách mà Hùng Vương thực hiện. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy nhắm đến mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu cũng kéo "Vua cá tra" vào vòng xoáy nợ nần. Nợ vay của công ty tăng nhanh không kém gì tốc độ tăng của doanh thu và đỉnh điểm năm 2016, khoản mục này tăng lên gần 9.000 tỷ đồng.
Qua giai đoạn đỉnh cao năm 2014-2015, khoản nợ này bắt đầu trở thành con dao hai lưỡi. Kết quả kinh doanh của Hùng Vương bắt đầu đi xuống khi lợi nhuận liên tục bị lãi vay ăn mòn. Từ mức lãi sau thuế hơn 400 tỷ năm 2014, hai năm sau lợi nhuận của "Vua cá tra" đã về con số âm.
Giữa năm 2017, Hùng Vương công bố quyết định thoái vốn và giải thể Công ty cổ phần Địa ốc An Lạc, đồng thời tiến hành thanh lý 4 khu đất với tổng diện tích trên 20.000 m2 thuộc sở hữu của doanh nghiệp địa ốc này. Năm 2018 mở đầu bằng kế hoạch thoái vốn tại hai công ty con là Thực phẩm Sao Ta và Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, đồng thời đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Năm 2018, Hùng Vương ghi nhận hơn 8.200 tỷ đồng doanh thu, chỉ bằng một nửa so với năm trước.Năm 2019, công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh với kịch bản xấu nhất chỉ còn 4.400 tỷ đồng doanh thu, tiếp tục giảm gần 50%. Trong phiên họp thường niên mới đây, ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết bài toán về vốn vẫn đang là nút thắt cho sự trở lại dù đã giảm nợ vay chỉ còn một phần tư. Vấn đề chủ yếu là các ngân hàng hiệnvẫn "không đủ tin tưởng" để cho Hùng Vương vay thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận