24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Gia Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Thuỷ sản gian nan gỡ 'thẻ vàng'

Không gỡ được thẻ vàng, thuỷ sản Việt Nam thiệt hại khoảng 180 triệu USD mỗi năm khi xuất khẩu sang EU.

Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) vừa kết thúc chuyến kiểm tra về công tác gỡ “thẻ vàng” thủy sản tại Việt Nam. Sau 5 năm bị cảnh báo, dù có nhiều nỗ lực, song ngành thủy sản vẫn còn không ít hạn chế, chưa thể khắc phục được, khiến “vòng kim cô” vẫn còn đeo dai dẳng, khiến ngành chế biến nhiều tỷ USD luôn trong trạng thái thấp thỏm.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong chuyến kiểm tra thực tế của EC 10 ngày vừa qua, đoàn thanh tra ghi nhận những bước tiến lớn trong việc minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nghề cá tại 28 địa phương ven biển.

Đoàn công tác cho rằng, Việt Nam đã có sự quyết liệt ở cấp Trung ương, ban hành nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để chống khai thác IUU (hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý) nhưng việc triển khai thực hiện ở cấp cơ sở và một số nội dung trong nhóm khuyến cáo vẫn còn chưa đạt hiệu quả.

Theo Tổng cục Thuỷ sản, từ đầu năm đến thời điểm EC sang kiểm tra, Việt Nam vẫn còn xảy ra 62 vụ, 88 tàu, 704 ngư dân vi phạm khai thác thuỷ sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Số tàu vi phạm còn lớn, trong khi đây là điều kiện tiên quyết để EC xem xét có gỡ thẻ vàng hay không. Ngoài ra, công tác kiểm soát sản lượng, truy xuất nguồn gốc cá mới đạt 20-30% sản lượng khai thác; nhật ký khai thác mới đạt được 45% so với yêu cầu. Đặc biệt, việc cấp giấy phép khai thác thủy sản hiện chưa hoàn thành, vẫn còn 3,3% số tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên, 53,4% số tàu từ 6 đến dưới 15 mét chưa được cấp phép.

“Việc gỡ thẻ vàng, một mình Bộ NN&PTNT không thể làm được mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, từ tỉnh, thành phố đến cấp cơ sở, các đơn vị và bộ, ngành liên quan. Từ đó giúp bà con ngư dân nhận thức được việc gỡ “thẻ vàng” IUU quan trọng thế nào”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Đề cập việc gỡ “thẻ vàng”, ông Luân cho biết, phía EC đã có cuộc làm việc với lãnh đạo cấp cao, Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành liên quan. Tại cuộc làm việc, Việt Nam đề nghị EC tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ kĩ thuật kịp thời, tính tới yếu tố đặc thù của nghề cá Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU.

“Phía EC đang làm báo cáo về chuyến kiểm tra. Dự kiến tháng 12, đoàn thanh tra sẽ thông tin về kết quả. Nhiều khả năng EC vẫn giữ nguyên mức cảnh báo”, ông Luân nói.

Lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản cho biết, sau lần kiểm tra này, phía EC vẫn giữ nguyên 4 khuyến nghị với thuỷ sản Việt Nam gồm: Khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật. Đoàn thanh tra sẽ trở lại Việt Nam vào tháng 5/2023.

“Sắp tới, Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển và các bộ, ngành liên quan về công tác gỡ thẻ vàng. Thời điểm này, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc đồng bộ và quyết liệt để gỡ bằng được vấn đề thẻ vàng cho ngành thuỷ sản”, ông Luân nói.

Thuỷ sản thiệt đơn, thiệt kép

Theo các DN thủy sản, việc EC áp “thẻ vàng” khiến xuất khẩu sang thị trường EU thời gian qua gặp nhiều khó khăn do bị kiểm tra ngặt nghèo. Nếu trước đây, thủ tục thông quan thường chỉ từ 2 đến 3 ngày thì đến nay, sau khi bị áp thẻ vàng, thời gian chờ đợi lên tới 2-3 tuần; đồng thời 100% container sang EU đều bị tạm giữ để kiểm tra nguồn gốc, dẫn tới DN mất rất nhiều thời gian và chi phí. Đặc biệt, rủi ro lớn nhất là một tỷ lệ lớn các container bị từ chối và trả lại.

Theo tính toán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), từ sau khi bị áp “thẻ vàng”, thủy sản của Việt Nam xuất sang EU giảm hơn 180 triệu USD mỗi năm. Kể từ năm 2019, EU cũng từ vị trí thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn thứ hai của Việt Nam rơi xuống vị trí thứ tư, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Năm 2022, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, thuỷ sản Việt Nam sang EU có cơ hội tăng nhiệt trở lại khi khối này ban hành lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản từ Nga. Trong 3 quý, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang EU đạt 1 tỷ USD (chiếm 12% giá trị xuất khẩu của ngành). Theo VASEP, trong cả bức tranh xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp, chủ yếu vì ảnh hưởng của thẻ vàng IUU.

Theo nhận định của VASEP, nếu gỡ được “thẻ vàng”, ước tính Việt Nam sẽ thu về 1,2 - 1,4 tỷ USD xuất khẩu thủy sản sang EU. Trường hợp bị chuyển sang “thẻ đỏ”, Việt Nam có nguy cơ mất thị trường EU, với khoản thiệt hại lên đến gần 500 triệu USD mỗi năm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Philippines mất 9 tháng để EC gỡ thẻ vàng, Thái Lan mất 3 năm, Việt Nam đến nay đã trải qua 5 năm kể từ khi bị EC cảnh báo. Việc bị áp “vòng kim cô” dai dẳng khiến ngành thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng lớn.

Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần có cơ chế giám sát hiệu quả với những quy định pháp lý chặt chẽ, đảm bảo thực thi nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; nâng cao chế tài, đảm bảo đủ sức răn đe, xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch quản lý nguồn lợi thủy sản tổng thể; tăng cường nguồn lực để kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam bằng container đảm bảo không vi phạm IUU...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả