Thủy điện toàn cầu sụt giảm mạnh vì thiếu mưa
Thủy điện - nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới - bị sụt giảm mạnh do thiếu mưa ở một số quốc gia trong năm ngoái.
Khi sản lượng thủy điện sụt giảm mạnh, các quốc gia chuyển sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch để lấp đầy khoảng trống dẫn tới lượng khí thải tăng lên.
Để đối phó với tình trạng thiếu điện, Trung Quốc và Ấn Độ chuyển sang sử dụng các nhà máy điện than, còn Colombia chuyển sang sử dụng khí đốt.
Theo báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sụt giảm thủy điện trong năm ngoái thúc đẩy các quốc gia sử dụng nguồn năng lượng bẩn hơn, tạo ra thêm 170 triệu tấn CO2. Lượng khí thải này tương đương với vận hành thêm 42 nhà máy nhiệt điện than trong vòng 1 năm.
Tại Trung Quốc, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất, sản lượng thủy điện sụt giảm mạnh nhất trong 2 thập kỷ qua, theo IEA.
Năm nay, sản lượng thủy điện tiếp tục sụt giảm ở một số quốc gia, trong đó có Ecuador và Thổ Nhĩ Kỳ, khi nhiệt độ tiếp tục phá kỷ lục.
Bởi các đập thủy điện khổng lồ không đủ nước, Canada đã nhập khẩu nhiều điện từ Mỹ nhiều hơn mức nhập trong hơn 1 thập kỷ.
Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Chuyên gia theo dõi ngành thủy điện Joe Bernardi của Global Energy Monitor cho hay: “Thủy điện vẫn là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi toàn cầu khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.
Vì sao thủy điện sụt giảm? New York Times cho hay, vai trò của biến đổi khí hậu trong những khó khăn mà các nhà máy thủy điện phải đối mặt không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra, việc bơm thêm carbon vào khí quyển sẽ làm thay đổi mô hình lượng mưa, tăng bốc hơi nước, làm các dòng sông băng tan chảy đổ vào một số con sông lớn nhất thế giới.
Tất cả những điều này có thể làm cạn kiệt các hồ chứa cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện, khiến các quốc gia khó từ bỏ những nguồn năng lượng bẩn góp phần dẫn tới hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Năm ngoái, El Nino - kiểu thời tiết khiến nhiều nơi trên thế giới khô hơn và nóng hơn - làm tăng thêm thách thức cho ngành thủy điện.
El Nino dẫn tới lượng mưa thấp hơn ở một số khu vực trên thế giới có những đập thủy điện lớn, như phía tây bắc Mỹ và phía tây nam Trung Quốc.
Tại Mỹ, sản lượng thủy điện giảm 6% trong năm ngoái, chủ yếu do nhiệt độ cao khiến tuyết tan quá nhanh ở vùng Tây Bắc, làm lượng thoát nước lớn, dẫn tới hạn chế sản xuất ở các nhà máy thủy điện.
Theo IEA, tại Trung Quốc, sản lượng thủy điện giảm khoảng 4,9% trong năm ngoái do hạn hán nghiêm trọng ở các tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam. Những tỉnh tây nam Trung Quốc này có thể tạo ra gần một nửa sản lượng thủy điện của đất nước.
Tuy nhiên, năng lượng tái tạo đã phát triển mạnh ở Trung Quốc đến mức có lý do để tin rằng lượng khí thải của nước này có thể đã đạt đỉnh vào năm ngoái, như Carbon Brief thông tin.
Biến đổi khí hậu không dẫn đến tình trạng khô hạn hơn ở mọi nơi. Ở một số khu vực trên thế giới, lượng mưa tăng lên. Ở Brazil, thiếu mưa làm các con đập lớn cung cấp năng lượng cho các nhà máy điện ở phía bắc cạn kiệt, trong khi lũ lụt đáng sợ ập tới miền nam, nơi có những đập thủy điện còn lớn hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận