Thủy điện thành 'ngôi sao' của ngành khi giá than và khí đốt tăng cao
Hiện tượng La Nina kéo dài cho đến tháng 5/2022 là điều kiện thuận lợi cho nhà máy thủy điện nửa đầu năm nay. Vì vậy, 3 tháng đầu năm nay, tình hình hoạt động của các nhà máy thủy điện trong nước vẫn được duy trì mức tăng trưởng tốt.
Trong bối cảnh giá than và khí tăng, cộng hưởng với sự thiếu hụt than, các công ty thủy điện, đặc biệt là ở khu vực miền trung nổi lên như là “ngôi sao sáng” của ngành điện.
Cụ thể, nhóm nhà máy thủy điện ở Bắc và Trung Bộ có dung tích chứa nước trung bình chỉ đạt 56-74% dung tích hồ, trong khi các nhà máy ở khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ lần lượt đạt 75-99% và 80-95%. Do đó, hoạt động kinh doanh của nhà máy thủy điện miền Trung và miền Nam được kỳ vọng khả quan hơn.
Nổi bật nhất trong nhóm doanh nghiệp thuỷ điện phải kể đến CTCP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (UpCOM: DNH) khi công bố doanh thu trong quý I/2022 đạt gần 785 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021; khoản lãi sau thuế ở mức kỷ lục, với 511 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh tăng mạnh, công ty cho biết do tình hình thuỷ văn trên lưu vực các hồ Đơn Dương, Hàm Thuận tương đối ổn định, lưu lượng nước về hồ cao hơn trung bình nhiều năm đồng thời phân bố đều giữa các thời kỳ nên sản lượng điện sản xuất tăng. Các công ty liên doanh liên kết cũng mang về khoản lãi 13,7 tỷ đồng, tăng gần 5 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Xếp vị trí thứ 2 là Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HoSE: VSH) doanh thu trong quý I đạt hơn 808 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với doanh thu đạt được quý I/2021 (hơn 190 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế gấp 4 lần cùng kỳ, lên mức 404 tỷ đồng, hoàn thành 77% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Tình hình thuỷ văn khu vực Miền Trung năm 2021 thuận lợi kéo dài đến năm đầu 2022, đồng thời có sự bổ sung sản lượng điện từ Nhà máy Thượng Kon Tum, dẫn tới tổng sản lượng điện thương phẩm trong quý I vừa qua tăng mạnh, đạt 392,88 triệu kWh, giúp Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh lãi lớn.
Trong nhóm này, Thủy điện miền Nam (HoSE: SHP) chuyển từ lỗ 4,2 tỷ đồng quý I/2021 sang lãi 61,4 tỷ đồng trong quý I/2022.
Các doanh nghiệp khác như Thuỷ điện Thác Mơ (HoSE: TMP) báo lãi tăng trưởng 77% ở mức 122 tỷ đồng; Thuỷ điện A Vương (UpCOM: AVC) lãi 99 tỷ đồng, tăng 12%; Thuỷ điện Sông Ba Hạ (UpCOM: SBH) ghi nhận doanh thu đạt gần 133 tỷ đồng, tăng 14%; lãi sau thuế đạt gần 53 tỷ đồng, tăng 41%; Thuỷ điện Sê San 4A (UpCOM: S4A) lãi sau thuế 22,4 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù đa số các doanh nghiệp thủy điện đạt lãi lớn trong quý I, tuy nhiên, một số doanh nghiệp thủy điện dự kiến lợi nhuận năm 2022 sụt giảm.
CTCP Thủy điện Định Bình (TDB) lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu đạt hơn 67 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 32 tỷ đồng, giảm 3% so với thực hiện năm 2021.
CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC) đặt mục tiêu sản lượng điện sản xuất trong năm 2022 là 510 triệu kWh, nhích nhẹ so mức 505,5 triệu kWh của năm 2021. Theo đó, TBC ước doanh thu đạt 508,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 204 tỷ đồng, giảm nhẹ so thực hiện năm 2021.
CTCP Thủy điện A Vương (AVC) đặt mục tiêu khiêm tốn trong năm 2022 với tổng doanh thu hơn 449 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 101 tỷ đồng, chưa bằng 30% lợi nhuận đạt được năm 2021. Kế hoạch sản lượng điện sản xuất khoảng 602 triệu kWh.
CTCP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi - EVNHPC DHD (DNH) đặt các mục tiêu năm 2022 bao gồm: sản lượng điện sản xuất đạt 2,463 tỷ kWh, sản lượng điện thương phẩm 2,443 tỷ kWh. Theo đó, DNH kỳ vọng tổng doanh thu 2.191 tỷ đồng; tổng lợi nhuận sau thuế 889 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 36% so với thực hiện năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận