Thụy Điển nhận định khó gia nhập NATO vì Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu quá nhiều
Thủ tướng Thụy Điển Kristersson nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một số yêu cầu để duyệt tư cách thành viên NATO mà Thụy Điển không thể chấp nhận.
Động thái mới nhất cho thấy, Thụy Điển dường như đang mất dần kiên nhẫn trước hàng loạt các yêu cầu có phần “thái quá” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại Hội nghị chính sách an ninh và quốc phòng thường niên ở Salen (8/1), Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận chúng tôi đã thực hiện những gì mình thông báo sẽ làm. Tuy nhiên, họ yêu cầu những thứ mà chúng tôi không thể và không muốn làm. Quyết định giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ”.
Để có thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Phần Lan và Thụy Điển đã có nhiều nhượng bộ trước Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Thụy Điển đã sửa đổi Hiến pháp nhằm thắt chặt quy định chống khủng bố, đồng thời thông báo chấm dứt lệnh cấm vận về bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cũng cho biết, nước này sẽ xem xét cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ trong từng trường hợp cụ thể.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ ca ngợi động thái của Thụy Điển và Phần Lan đã giải quyết một số mối lo ngại về an ninh, song mối quan tâm của nước này vẫn tập trung vào Thụy Điển khi nhấn nhấn mạnh Thụy Điển cần làm nhiều hơn để được Ankara ủng hộ hoàn toàn trong nỗ lực trở thành thành viên NATO. Một trong những khúc mắc còn lại là yêu cầu dẫn độ những người mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là phần tử khủng bố sau khi Tòa án Tối cao Thụy Điển cuối năm ngoái ra phán quyết ngăn dẫn độ một cựu phóng viên- người bị Ankara cáo buộc có liên quan đến âm mưu đảo chính.
Trong khi đó, trước những yêu cầu có phần “thái quá” và nhằm mục đích tìm kiếm lợi ích riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, NATO cũng bắt đầu gây áp lực công khai đối với nước này. Trong chuyến thăm Istanbul đầu tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh Phần Lan và Thụy Điển đã làm tốt phần của họ theo thỏa thuận và giờ đây “quả bóng” nằm trong chân Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tôi mong đợi sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan, tuy nhiên tôi sẽ không đảm bảo thời gian cụ thể vì điều này phụ thuộc vào sự phê chuẩn của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi sẽ tiếp tục làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để điều này sớm được phê chuẩn”
Trước đó, tháng 5/2022, Thụy Điển và Phần Lan kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết quân sự thông qua việc nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 28/30 thành viên NATO đã đồng ý để hai nước Bắc Âu gia nhập. Hiện chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất còn phản đối, trong khi Hungary thông báo sẽ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 2 năm nay. Các chuyên gia nhận định, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trì hoãn xem xét gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển là “con dao hai lưỡi”. Có thể ông Erdogan sẽ đồng ý ngay trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 6 năm nay, sau khi tối đa hóa lợi ích chính trị từ các nhượng bộ của hai quốc gia Bắc Âu, song ở chiều ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến NATO chia rẽ, đồng thời đánh mất uy tín và sự ủng hộ của nhiều quốc gia thành viên đối với nước này./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận