Thương vụ An Quý Hưng “thâu tóm” Vinaconex: Tổng giám đốc Vinaconex xin từ nhiệm thành viên HĐQT VCR
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex – ITC, HNX: VCR) vừa công bố đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Nguyễn Xuân Đông vì lý do cá nhân. Ông Đông hiện là Tổng giám đốc Vinaconex - công ty mẹ của Vinaconex ITC.
Theo một số cổ đông, việc ông Nguyễn Xuân Đông xin từ nhiệm trong giai đoạn này là một động thái...bất ngờ sau quá trình huy động vốn hàng loạt thất bại tại Vinaconex. Trước đó, Báo Công lý đã có một số bài viết phản ánh về thực trạng nhóm cổ đông An Quý Hưng có những động thái thâu tóm quyền lực, bất chấp ý kiến phản đối của các thành viên khác đã thông qua những quyết định phục vụ lợi ích của mình. Chính điều này khiến nhóm cổ đông lớn khác đã phải khởi kiện HĐQT Vinaconex (do thành viên nhóm An Quý Hưng nắm giữ các vị trí chủ chốt) ra tòa.
Được biết, tại đại hội cổ đông thường niên công ty Vinaconex – ITC hồi tháng 3/2019, ông Nguyễn Xuân Đông được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023, cùng với ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT của công ty mẹ Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG).
Theo đơn từ nhiệm, ông Nguyễn Xuân Đông cho biết mình được Đại hội cổ đông thường niên bầu vào Hội đồng quản trị công ty nhiệm kỳ 2018 - 2023.
"Vì lý do cá nhân, tôi xin từ nhiệm thành viên hội đồng quản trị công ty. Tôi làm đơn này kính mong hội đồng quản trị công ty xem xét thông qua đơn xin từ nhiệm của tôi và triển khai các thủ tục có liên quan theo quy định"- đơn của ông Đông nêu.
Như vậy, chỉ sau chưa đầy 2 tháng nắm giữ chức vụ, ông Đông đã rút lui khỏi Vinaconex ITC. Quá trình này trùng hợp với quá trình tăng nóng của cổ phiếu VCR trong thời gian vừa qua.
Chân dung TGĐ Vinaconex Nguyễn Xuân Đông
Chốt phiên giao dịch ngày 27/5, VCR có giá tới 22.800 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu VCR liên tục tăng cao, nhiều phiên tăng trần liên tiếp chỉ trong một thời gian ngắn. Cụ thể, tính từ đầu tháng 3 đến nay, tức chỉ chưa đầy 2 tháng, VCR đã tăng 18.000 đồng tương ứng mức tăng tới 375% trong vòng 2 tháng, từ mức 4.800 đồng/cổ phiếu.
Đây là mức tăng hiếm có trên thị trường chứng khoán Việt, đặc biệt trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Vinaconex ITC vẫn rất kém khả quan. Quý 1/2019, công ty không có doanh thu bán hàng và lỗ 1,7 tỷ đồng. Năm 2018, công ty cũng lỗ 11 tỷ, năm 2017 lỗ 15,8 tỷ đồng. Luỹ kế đến 31/3/2019, VCR vẫn lỗ luỹ kế 82 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông năm 2019, VCR đặt mục tiêu doanh thu 2018 đạt 25,8 tỷ, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng. VCR cũng công bố lùi cổ tức tiền mặt năm 2010 đến năm 2020 mới thanh toán.
Vinaconex – ITC là công ty con do Vinaconex sở hữu 53,56% vốn, tiền thân là Ban quản lý dự án Cái Giá - Cát Bà. Doanh nghiệp cũng đang thuê các đơn vị tư vấn để hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án ngay trong quý I. Công ty dự kiến nộp tiền sử dụng đất trong quý II, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh chi tiết 1/500 trong quý III và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư trong quý IV.
Tại phiên họp cổ đông thường niên 2019, đơn vị này đã nhất trí chủ trương thúc đẩy triển khai dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà, thông qua việc phát hành 3 triệu trái phiếu giá 100.000 đồng/trái phiếu, dự kiến thu về 300 tỷ đồng. Việc đưa ra phương án huy động vốn cho Vinaconex ICT là một bài tính đánh vào tâm lý của giới đầu tư chứng khoán, đẩy giá cổ phiếu lên bất thường. Giá cổ phiếu của Vinaconex ICT tăng phi mã đến gần 400% dừng ở 22.300 đồng/cp trong phiên 24/5, từ mức 4.400 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm.
Đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT VCR của ông Nguyễn Xuân Đông
Theo một số nguồn tin, Tổng công ty Vinaconex đã đầu tư vào công ty con Vinaconex ICT hơn 192 tỷ đồng; bảo lãnh tín dụng hơn 154 tỷ đồng và đang lên phương án tiếp tục bỏ ra 300 tỷ để mua trái phiếu chuyển đổi của Vinaconex ICT mà không có tài sản đảm bảo. Việc vay vốn qua phát hành trái phiếu để thực hiện dự án mà Vinaconex ICT lại chưa có kế hoạch cụ thể cho việc triển khai dự án, nguồn vốn để triển khai tiếp theo thì sẽ là “phiêu lưu”.
Điều đáng nói, trong báo cáo tài chính 2 năm gần nhất, Vinaconex ICT luôn lỗ với mức lợi nhuận “âm” lần lượt là 15 tỷ (năm 2017) và 11 tỷ (năm 2018). Phương án huy động vốn cũng chỉ dự kiến làm cho công ty không lỗ, với mức lợi nhuận kỳ vọng là 1,8 tỷ đồng.
Sau khi từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT tại Vinaconex ICT, ông Nguyễn Xuân Đông vẫn còn nắm giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH An Quý Hưng. Công ty này được thành lập năm 2001, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, đang sở hữu 57,71% cổ phần Vinaconex.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Ông Đông cũng được bổ nhiệm vào HĐQT các công ty con của Vinaconex: Chủ tịch HĐQT Công ty Cp Vimeco (VMC), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinaconex 25 (VCC), Thành viên HĐQT Công ty CP Nhân lực và Thương mại Vinaconex (VCM), Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 (VC1), Công ty Cổ phần Xây dựng số 9 (VC9). Ông Đông cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH An Quý Hưng Land.
Trước đó Tổng Ccng ty Vinaconex đã có động thái thay đổi hàng loạt những người của An Quý Hưng vào các vị trí lãnh đạo hàng chục công ty thành viên như Công ty Cổ phần Xây dựng số 12, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển năng lượng Vinaconex, Công ty Cổ phần Vimeco, Công ty Cổ phần Xây dựng số 1, Công ty Cổ phần Vận tải Vinaconex,…
Chính động thái các đại diện An Quý Hưng nắm giữ hết các vị trí chủ chốt tại Vinaconex và các công ty thành viên này đã tạo nên bức xúc trong cổ đông. Các cổ đông cho rằng An Quý Hưng đang “thâu tóm” quyền lực, “lợi ích nhóm” cùng với hàng loạt kế hoạch sử dụng vốn không hợp lý đang làm tài chính có nguy cơ cạn kiện. Điều này không phù hợp với thông lệ công ty đại chúng niêm yết đẩy “thương hiệu Vinaconex” phải gánh chịu nhiều hệ lụy.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận