menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thanh Huyền

Thưởng Tết ở 10 tỉnh thành nhiều lao động nhất ra sao?

Công ty FDI thường giữ kỷ lục thưởng Tết, nhưng doanh nghiệp nhà nước mới là nhóm có mức thưởng bình quân cao nhất 5 năm qua.

Khác với lương được trả cố định, thưởng Tết là một trong những khoản thu nhập thỏa thuận, không bắt buộc, thường được chi vào cuối năm. Tiền thưởng phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm; mức độ hoàn thành công việc của người lao động; và thỏa ước lao động tập thể do chủ doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thống nhất.

Hàng năm, các tỉnh, thành thống kê các mức thưởng Tết dựa vào số liệu doanh nghiệp trên địa bàn chủ động báo cáo. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), sự thay đổi mức thưởng bình quân phần nào thể hiện "sức khỏe" doanh nghiệp mỗi năm.

VnExpress tổng hợp tiền lương, thưởng 5 năm qua của 10 địa phương có thị trường việc làm lớn nhất, chiếm gần 40% tổng số lao động toàn quốc, cho thấy, mức thưởng giảm mạnh nhất trong hai năm đại dịch 2020-2021. Còn thưởng Tết năm nay không biến động nhiều so với năm trước, dù nhiều doanh nghiệp đều nhận định 2023 rất khó khăn.

Xét loại hình doanh nghiệp, công ty có vốn nhà nước thường có thưởng Tết cao nhất, chiếm trên 54%. Doanh nghiệp FDI đứng thứ hai (38%), còn các công ty tư nhân xếp cuối (9%).

Dù vậy, kỷ lục thưởng Tết lại thường thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lên đến hàng tỷ đồng. Đơn cử, năm 2023, tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại Long An lĩnh vực cơ khí chính xác, tự động hóa, hưởng mức thưởng Tết cao nhất nước - 5,68 tỷ đồng. Con số này tương đương mức thưởng bình quân của 830 người lao động ở địa phương này.

Lý giải thưởng Tết ở khối doanh nghiệp có vốn nhà nước cao hơn các nhóm khác, ông Tống Văn Lai, Cục phó Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH), cho hay khu vực này có đặc thù riêng về cách tính thu nhập.

Cơ chế tài chính của doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả tiền lương của người lao động, được Chính phủ quy định. Mức thưởng cao nhất là 3 tháng lương, gồm một tháng trích từ quỹ phúc lợi, còn lại là thưởng từ lợi nhuận kinh doanh. Hiện, lương bình quân khu vực nhà nước khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, nếu thưởng hai tháng sẽ được 20 triệu đồng. Trường hợp doanh nghiệp làm ăn không tốt thì thưởng thấp, hoặc không có thưởng.

Ngoài ra, người lao động làm việc tại doanh nghiệp nhà nước còn nhận được một khoản từ tiền lương để lại. Tức là, nhân sự nhận lương 15 triệu đồng mỗi tháng, nhưng hàng tháng có thể chỉ nhận 10 triệu đồng, phần còn lại sẽ được trả vào cuối năm. Kết quả là số tiền nhận vào dịp Tết tăng thêm. Tại một số doanh nghiệp nhà nước, tiền Tết cuối năm thực chất là lương còn lại.

Theo ông Lai, hiện pháp luật chỉ quy định tiền lương cho 12 tháng làm việc trong năm. Tiền thưởng không nhất thiết dành vào cuối năm mà có thể thưởng theo quý, tháng hay bất kỳ lúc nào, theo quy chế của công ty.

Thưởng Tết ở 10 tỉnh thành nhiều lao động nhất ra sao?

Lý giải thêm, chuyên gia về quan hệ lao động Nguyễn Xuân Sơn cho biết tiền thưởng ở doanh nghiệp có yếu tố nhà nước thường xuyên cao nhất có thể do cơ cấu lương.

Các công ty tư nhân và FDI có cấu trúc lương đơn giản, cạnh tranh về tổng thu nhập, nhưng khối nhà nước lại có cơ cấu lương phức tạp, gồm lương cơ bản và nhiều khoản phụ cấp. Tiền lương ở doanh nghiệp có yếu tố nhà nước thường được tăng theo thâm niên trong khi FDI phụ thuộc vào hiệu suất làm việc. Tiền lương cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thưởng hàng năm.

Theo chuyên gia, tiền thưởng của khối FDI sẽ thay đổi theo hiệu quả làm việc, trong khi khối nhà nước thường ổn định hơn và tăng đều theo lương.

"Để thưởng Tết thực sự là động lực với người lao động, doanh nghiệp nhà nước cũng nên tính thưởng như khối tư nhân, FDI", ông Sơn nói. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với áp lực phải luôn làm mới, nâng cao kỹ năng, cải thiện hiệu suất làm việc của người lao động để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Xét mức thưởng Tết bình quân theo địa phương, "đầu tàu" kinh tế TP HCM luôn đứng đầu 5 năm qua. Mức thưởng bình quân năm nay tại đây dù giảm nhẹ còn 12,3 triệu đồng/người, nhưng vẫn cao gần gấp rưỡi nơi đứng thứ hai là Hải Phòng (8,5 triệu đồng/người).

Thưởng Tết ở 10 tỉnh thành nhiều lao động nhất ra sao?

Tuy nhiên, nếu xét đến thưởng Tết của từng nhóm doanh nghiệp, TP HCM không phải lúc nào cũng là số một.

Trong khu vực kinh tế tư nhân - nơi đang tạo ra nhiều việc làm nhất, nửa thập niên qua, các công ty tại TP HCM hai lần đứng đầu về thưởng Tết vào 2020 và 2024. Những năm còn lại, địa phương đứng đầu là Tiền Giang (2021, 2023) và Đồng Nai (2022).

Trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đồng Nai và Đăk Lăk có mức thưởng cao nhất hai năm 2020-2021, trước khi trả lại vị trí này cho TP HCM 3 năm qua.

Với khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, Bình Dương và Long An có số lần dẫn đầu về mức thưởng Tết nhiều hơn TP HCM.

Thưởng Tết ở 10 tỉnh thành nhiều lao động nhất ra sao?
Thưởng Tết ở 10 tỉnh thành nhiều lao động nhất ra sao?
Thưởng Tết ở 10 tỉnh thành nhiều lao động nhất ra sao?
Thưởng Tết ở 10 tỉnh thành nhiều lao động nhất ra sao?

Nhìn chung, mức thưởng bình quân biến động qua từng năm không quá lớn, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Sơn. Lý do là thống kê thu nhập không phân loại theo ngành kinh doanh, mà chỉ dừng ở loại hình doanh nghiệp. Khi tính trung bình trên quy mô lớn sẽ không có nhiều thay đổi.

Nhưng thực tế, trong từng năm, luôn có những ngành nghề thuận lợi và khó khăn. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh tốt sẽ có mức thưởng tốt và ngược lại.

Ông lấy ví dụ cách đây 10 năm, ngành ngân hàng thường đứng đầu về lương thưởng, nhưng vài năm trở lại đây, vị trí này thuộc về khối công nghệ thông tin, hay gần đây là vi mạch bán dẫn. Ngược lại, lương, thưởng của các ngành dệt may, da giày, gỗ ổn định nhiều năm trước, nhưng hai năm qua sụt giảm khi thiếu hụt đơn hàng.

"Khi tính toán chung, con số bình quân qua các năm vẫn ổn định, nhưng trong thị trường có rất nhiều biến động", ông Sơn nói.

Do đó, mức thưởng bình quân có thể dùng để tham chiếu sức khỏe doanh nghiệp khi các ngành nghề thâm dụng lao động vẫn chiếm đa số. Nhưng gần đây, nhiều ngành nghề mới xuất hiện và phân hóa rõ nét về thu nhập nên việc cộng dồn tất cả ngành nghề để thống kê không còn phù hợp.

Ông khuyến nghị đối với thưởng Tết, cần sớm phân loại theo lĩnh vực kinh doanh, để từ đó dễ đánh giá xu hướng công việc, ngành nào đang được tập trung phát triển và ngành nào đang cần người. Đó cũng là phương pháp khảo sát lương, thưởng các tổ chức tư vấn quốc tế đã thực hiện từ lâu để cung cấp được bức tranh thị trường lao động toàn diện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại