menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trương Thanh Hoa

Thưởng Tết đến từ đâu?

Mỗi cuối năm, Lệ Hằng lại phập phồng chờ thưởng Tết vì khoản này sẽ quyết định chị mua sắm gì, biếu nội ngoại bao nhiêu, về quê bằng xe khách hay taxi...

"Thông thường, công ty tôi có lương tháng 13 và thưởng Tết bằng ba lần lương tháng trở lên", Hằng, 37 tuổi, nhân viên một tập đoàn truyền thông ở Hà Nội, với mức lương khoảng 20 triệu đồng, chia sẻ.

Tại Hà Giang, cô giáo mầm non Phạm Thị Hiền hơn 20 năm nay không có quà trong bất kỳ dịp lễ nào. Thi thoảng có năm ngân sách còn, chị được 500.000 đồng đến một triệu đồng xem như lương tháng 13. "Tôi không ngóng thưởng", chị Hiền nói.

Làm cho một nhãn hàng đồ thể thao Pháp ở Việt Nam, Nguyễn Ngọc Quý, 33 tuổi, không quan tâm lắm đến các khoản thưởng mùa Tết. Hàng năm công ty có nhiều khoản thưởng, trong đó lương tháng 13 lớn nhất, được trả ngay trước Tết Dương lịch, gồm các voucher từ công đoàn và quà tặng... "Tôi không quá bận tâm đến khoản này, vì mức lương hàng tháng cũng cao, xài nhẹ nhàng vài tháng vẫn dư", Quý nói.

Ba người làm trong các ngành nghề khác nhau có tâm trạng khác nhau trước từ "thưởng Tết". Công cụ theo dõi từ khóa của Google, cho thấy, người dùng Internet Việt tìm kiếm cụm từ "thưởng Tết" khoảng 1.000 lượt mỗi tháng nhưng tăng dần từ tháng 12 và vọt lên 8.100 lượt trong tháng 1 hàng năm.

"Trên thực tế, không có khoản thưởng Tết", ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, dù mỗi dịp cuối năm, xã hội lại nóng lên trước các thông tin thưởng Tết. "Tết là một kỳ nghỉ của người lao động, không gắn kết gì với sản xuất kinh doanh. Pháp luật cũng không có quy định nào về thưởng Tết", ông giải thích.

Nguyên thứ trưởng nhận định, có thể nhiều người hiểu lầm khoản thưởng sau một kỳ sản xuất kinh doanh (được quy định trong Luật Lao động) là thưởng Tết. Khoản này thường được chia sau một năm tài chính. Ở Việt Nam, năm tài chính trùng với năm dương lịch, do vậy việc xét thưởng thường từ sau Tết dương lịch đến trước Tết âm lịch. Ở một số nước, năm tài chính bắt đầu từ 1/4 đến 31/3 năm sau nên không trùng với thời điểm năm mới và không bị hiểu lầm.

"Đây là khoản thưởng sau một năm kinh doanh. Nó không phải tiền thưởng được sinh ra vì Tết. Người lao động nhận được gần Tết Nguyên Đán và dùng nó chi tiêu cho năm mới nên gọi theo thói quen", ông Huân phân tích. Cũng theo Luật Lao động, người sử dụng lao động không bắt buộc phải trả tiền thưởng cho nhân viên, kể cả khi có lãi, cũng có thể thưởng bằng tiền hoặc hiện vật. Điều này có nghĩa, người lao động đòi thưởng Tết là không đúng.

Dù vậy, nhiều năm nay các cơ quan, doanh nghiệp vẫn cố gắng san sẻ với người lao động vào dịp lễ Tết vì nhu cầu chi tiêu nhiều, ngay cả khi tài chính không cho phép. Luật sư Nguyễn Danh Huế, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, chia sẻ đã gặp nhiều doanh nghiệp đi vay tiền ngân hàng, bạn bè, bán tài sản để thưởng cho người lao động.

Trong bối cảnh thị trường cầu lớn hơn cung, người lao động rất dễ dịch chuyển, nhất là sau dịp nghỉ Tết nếu chính sách đãi ngộ không tốt. Thưởng là một hình thức ghi nhận đánh giá kịp thời mức độ đóng góp của họ, ngoài tiền lương để giữ chân nhân viên.

Ông Nguyễn Hoài Nam, giám đốc một doanh nghiệp phụ tùng, lắp ráp xe máy ở Đông Anh (Hà Nội), cho biết trong gần 20 năm hoạt động công ty đều có thưởng Tết cho người lao động. Chính sách về lương, thưởng được hoạch định từ đầu năm và điều chỉnh theo kết quả sản xuất kinh doanh vào cuối năm. Năm nay, công ty có doanh thu vượt chỉ tiêu 20%, đồng nghĩa con số thưởng cũng tăng. Trung bình thưởng tháng lương thứ 13 và Tết của 200 lao động đạt khoảng 10 triệu đồng mỗi người.

Doanh nhân Robert Linh (Hà Nội), đồng sáng lập và lãnh đạo một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, khai khoáng, bán lẻ, cho biết ba năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh doanh ảm đảm, thưởng Tết là bài toán đau đầu với nhiều người quản lý. Song với người Việt Nam cái Tết âm lịch rất quan trọng, nên người làm chủ phải rất cố gắng có một khoản để động viên, sẻ chia với người lao động.

Tại doanh nghiệp của ông, mỗi một nhân viên đều có chế độ đãi ngộ xuyên suốt. Dựa trên mức độ cống hiến mà chế độ lương, thưởng khác nhau, dẫn đến có những người mới ra trường vẫn có thể nhận thưởng cao hơn người lâu năm.

Thưởng Tết đến từ đâu?
Công nhân nhà máy Tỷ Hùng, quận Bình Tân chia tay sau ca làm việc cuối cùng, ngày 30/11. Công ty này cắt gần 1.200 công nhân từ 1/12. Ảnh: Chân Phúc

Do pháp luật không có quy định bắt buộc nên thưởng Tết hoàn toàn là sự chủ động và phụ thuộc vào điều kiện tài chính của các cơ quan, tổ chức.

Tại khối doanh nghiệp, thưởng Tết thường được quy định trong hợp đồng lao động và quy chế tiền lương, thưởng tự ban hành. Tùy tình hình sản xuất kinh doanh ở mỗi doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc mà người lao động sẽ được nhận khoản tiền thưởng tương xứng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có thêm các khoản thưởng khi doanh nghiệp hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra.

Đối với các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, vấn đề lương thưởng thường rõ ràng hơn. Ngay từ khi giao kết hợp đồng, người lao động sẽ biết luôn tiền lương, thưởng và các khoản thu nhập khi hoàn thành công việc.

Nguồn thưởng tại khối cơ quan hành chính, nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập có thể đến từ một số nguồn như trích từ quỹ công đoàn do người lao động đóng góp, một số quỹ thi đua, khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động (các quỹ này phải được đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật), đối với một số các cơ quan và đơn vị phụ thuộc, tiền thưởng Tết còn được các cơ quan chủ quản hỗ trợ và tiết kiệm từ ngân sách.

"Rõ ràng việc thưởng trong khối nhà nước khó khăn hơn. Một số cơ quan thậm chí có nguồn tiền nhưng không thể chi vì bị ràng buộc bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật", luật sư Huế nói.

Theo ông, đối với lãnh đạo doanh nghiệp, chế độ lương thưởng cần có quy định rõ ràng, không đưa cảm xúc vào. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chuyên nghiệp trong chính sách lương thưởng, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, lương rõ ràng nhưng "phúc lợi và thưởng hiệu quả sản xuất kinh doanh còn mập mờ, ngẫu hứng".

Theo nguyên thứ trưởng Phạm Minh Huân, người sử dụng lao động đúng đắn nhất là phải thưởng cho người lao động, bởi vì quá trình sản xuất kinh doanh không chỉ phụ thuộc công nghệ, máy móc, còn nhân lực. "Xu hướng quan hệ lao động hiện đại là phải chia sẻ với nhau", ông nói.

Cũng theo ông Huân, người lao động nên chia sẻ với doanh nghiệp nếu thưởng Tết năm nay không như kỳ vọng bởi ba năm vừa qua đã rất khó khăn. Đằng sau chuyện hàng nghìn công nhân bị nghỉ việc trước Tết cho thấy một thực tế là sức mua trên thế giới đang giảm đi rất nhiều, vì thế cần có sự đồng lòng của người lao động với chủ doanh nghiệp, đồng thời người lao động phải kiểm soát chi tiêu.

Các chuyên gia đều khẳng định không có chuyện bỏ hay không bỏ thưởng Tết vì việc này không đúng với bản chất hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng không đúng quy định pháp luật.

"Người lao động vẫn sẽ có thưởng theo năm tài chính như quy định của pháp luật, song tâm lý chờ đến Tết có thưởng cần phải thay đổi", ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
12 Yêu thích
1 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại