Thương mại Việt Nam - Thái Lan: Chỉ phía Thái Lan lạc quan
Tại buổi họp báo giới thiệu về Lễ hội Thái Lan năm 2019 (Thai Festival 2019) diễn ra tại Hà Nội, Đại sứ Thái Lan tỏ ra lạc quan với mục tiêu kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thái Lan sẽ đạt 20 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Mục tiêu này được khởi phát tại kỳ họp thứ 3 (tháng 8-2018) của Ủy ban Hỗn hợp về thương mại Việt - Thái, trong đó còn hướng tới cân bằng cán cân thương mại.
Từ 2015-2017, thương mại hai chiều Việt - Thái Lan tăng bình quân 15,5%/năm. Năm 2018, kim ngạch thương mại Việt Nam - Thái Lan đạt 17,673 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,6% so với 2017 và sáu tháng đầu năm 2019 là 8,809 tỉ đô la, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, trong khi Việt Nam là đối tác lớn thứ hai của Thái Lan sau Malaysia. Với đà này, cán đích 20 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 là khả dĩ.
Trong quan hệ thương mại giữa hai nước, người Thái có nhiều lý do để lạc quan hơn khi mà dòng hàng từ Thái vào đất Việt luôn áp đảo so với chiều ngược lại. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan 10,6 tỉ đô la Mỹ trong khi chỉ xuất khẩu được 4,8 tỉ đô la Mỹ. Các cặp số tương ứng của năm 2018 là 12,1 và 5,5 tỉ đô la; sáu tháng đầu năm 2019 là 5,9 và 2,8 tỉ đô la Mỹ. Hệ lụy, Thái Lan là nước xuất siêu vào Việt Nam lớn nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba thế giới sau Hàn Quốc và Trung Quốc.
Như vậy, thương mại hai bên càng tăng thì thặng dư thương mại càng nghiêng về phía Thái Lan, đồng nghĩa với việc người Thái khai thác thị trường Việt Nam tốt hơn.
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan thuộc nhóm hàng “cần nhập khẩu” chiếm trên một nửa kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này, gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên nhiên vật liệu thiết yếu...
Nếu ngừng hoặc giảm nhập khẩu những thứ này, sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam ắt bị ảnh hưởng. Có đến 22/36 mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Thái Lan trong nước đã sản xuất được như: điện tử gia dụng và linh kiện, rau quả, máy vi tính, sản phẩm nhựa, sắt thép, chất tẩy rửa, mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, nội thất... Điều này cho thấy, hàng Việt Nam lép vế trên sân nhà khi người tiêu dùng Việt vẫn chuộng hàng Thái.
Về chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam, người Thái tỏ ra chuyên nghiệp và sành sỏi. Hàng năm, “đến hẹn lại lên”, các cuộc triển lãm hàng tiêu dùng Thái Lan lại mở cửa hoành tráng tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác. Việt Nam cũng tham gia các hội chợ tại Thái Lan, song quy mô và độ hấp dẫn không sánh được với những gì người Thái phô diễn tại nước ta.
Thực hiện lộ trình giảm thuế trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đã xóa bỏ nhiều dòng thuế nhập khẩu từ Thái Lan và điều đó được các doanh nghiệp nước này tận dụng ngay, rõ nhất là với ô tô nguyên chiếc. Năm 2018, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Từ đầu năm 2019 đến nay, ô tô Thái dẫn đầu các dòng xe ngoại nhập vào Việt Nam.
Thái Lan hiện xếp thứ 9 trong số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 521 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 10,384 tỉ đô la Mỹ. Số vốn đó không sánh được với Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia... song lại hiếm có nhà đầu tư nào đến sớm, vào sâu, bám chặt thị trường Việt Nam như Thái Lan.
Thái Lan không mang vào Việt Nam công nghệ tiên tiến, làm hàng xuất khẩu, mà chủ yếu là xây dựng hạ tầng công nghiệp, đô thị và các dự án với đích ngắm chính là thị trường nội địa của Việt Nam. Điển hình thành công là Công ty TNHH Chăn nuôi C.P Việt Nam, hiện nắm giữ hơn 7% thị phần thịt heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp, 22% thị phần thịt gà công nghiệp, 18% thị phần thức ăn chăn nuôi. Một nhà đầu tư khác, Siam Cement Group, sau hơn 20 năm có mặt, đã có hơn 20 công ty con tại Việt Nam, chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó không thể bỏ qua “cơn lốc” mang tên đầu tư Thái Lan đổ bộ mạnh vào thị trường Việt Nam thông qua việc góp vốn, mua cổ phẩn. Người Thái đã thâu tóm toàn bộ hay một phần Big C, Metro, Nguyễn Kim, Vinamilk, Prime, Sabeco, Bình Minh..., thiết lập chuỗi cửa hàng ở Việt Nam để hỗ trợ cho hàng Thái thâm nhập.
Hiện nay người Thái đang có trong tay hệ thống “hạ tầng” thương mại rất mạnh ở Việt Nam, gồm các hệ thống phân phối lớn; các công ty sản xuất hàng tiêu dùng không chỉ đang chi phối thị trường nội địa mà còn có mạng lưới tiêu thụ với độ phủ rộng khắp khu vực. Trong khi những cơ sở hạ tầng như vậy của doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường Thái Lan đến nay vẫn gần như là con số không, thì người Việt lấy gì để mà “cân bằng cán cân thương mại” với người Thái!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận