Thương mại toàn cầu sẽ "dậy sóng" nếu ông Trump tái đắc cử?
Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ mở rộng thuế quan đánh vào toàn bộ hàng nhập khẩu, có thể gây ra các cuộc chiến thương mại khổng lồ, bao trùm tất cả.
Trước khi vào Nhà Trắng đảm nhiệm vai trò Tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump được mệnh danh là “người đàn ông thuế quan”. Sau đó, thuế quan đã trở thành công cụ điều hành kinh tế đối ngoại xuyên suốt nhiệm kỳ của ông Trump.
Nguồn gốc tư duy thuế quan xuất phát từ quan điểm “nước Mỹ trên hết” mà mọi quốc gia còn lại, dù là đồng minh hay kẻ thù, đều muốn lợi dụng, nương tựa vào sức mạnh của Mỹ để được bảo đảm an ninh, quốc phòng, thực hiện lợi ích tài chính, tiền tệ.
Ông Trump đã đánh thuế hàng tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc, khơi mào cuộc chiến tranh thương mại tồn tại dai dẳng từ năm 2018 đến nay. Khi tranh cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút, ông Trump đang mở rộng học thuyết thuế quan của mình.
Phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở Georgia mới đây, ông Trump nói rằng, sẽ đánh thuế toàn bộ hàng hóa Trung Quốc từ mức 60%. Xét đến khối lượng thương mại song phương Mỹ- Trung, mức thuế này sẽ làm đảo lộn mọi trật tự thương mại hiện có.
Không chỉ là Trung Quốc mà cả đồng minh châu Âu, có thể trở thành mục tiêu chính của chính sách “nước Mỹ trên hết” nếu ông Trump có nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ 2. Cựu Tổng thống Mỹ đã đề xuất 20% thuế với tất cả các nước còn lại.
Đồng minh thân cận, Nhật Bản đang lo lắng, liệu mức thuế 100% với ô tô có bao gồm các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hay không? Ông Trump bày tỏ tham vọng: Sẽ tạo ra một cuộc di cư hàng loạt của ngành sản xuất từ Trung Quốc đến Pennsylvania, từ Hàn Quốc đến Bắc Carolina, từ Đức đến ngay tại Georgia.
Ông có kế hoạch tạo ra “sự phục hưng sản xuất” thông qua việc thực hiện cắt giảm thuế doanh nghiệp, thành lập các khu kinh tế đặc biệt có mức thuế suất thấp và tín dụng thuế cho các công ty chuyển sản xuất sang Mỹ. “Tôi muốn các công ty ô tô Đức trở thành các công ty ô tô Mỹ, tôi muốn họ xây dựng nhà máy của họ tại đây”, ông nói.
Nỗi lo chiến tranh thương mại lan rộng
Một trong những khía cạnh rủi ro nhất trong xu hướng áp thuế của ông Trump là các quốc gia khác sẽ không ngồi yên chịu đựng. Việc các đối tác thương mại của Mỹ trả đũa - dù là thông qua thuế quan, hay các biện pháp phi thuế quan khác - đều gây ra hậu quả tiềm tàng với tất cả.
Nhà kinh tế học Stephen Roach cho rằng, thuế quan của ông Trump sẽ gây tổn hại cho các đối tác thương mại của Mỹ trong khi chỉ làm tăng chi phí hàng hóa cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước.
Chuỗi cung ứng phức tạp hơn những gì “người đàn ông thuế quan” phát biểu. Các nhà sản xuất Mỹ phụ thuộc vào các bộ phận và linh kiện nước ngoài sẽ phải chịu tác động kép - đầu vào sẽ đắt hơn do thuế quan và các sản phẩm xuất khẩu của họ sẽ khó cạnh tranh do thuế quan trả đũa.
Nước Mỹ khó có thể đảm đương nhiệm vụ trung tâm sản xuất của các tập đoàn lớn, bởi chi phí đắt đỏ, không có lợi thế về tài nguyên, lao động, thể chế so với các quốc gia đang phát triển tại châu Á.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận