Thương mại toàn cầu sa sút, các nước xuất khẩu lớn sẽ cản trở tăng trưởng chung
Trong lúc các nhà kinh tế đánh giá khả năng xảy ra suy thoái ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, một loạt dữ liệu mới cho thấy sự suy yếu đã thể hiện rõ trong hoạt động thương mại toàn cầu.
Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, vào tuần trước đã báo cáo sự sụt giảm lớn nhất trong các chuyến hàng xuất khẩu ra nước ngoài kể từ khi Covid-19 tấn công quốc gia này vào tháng 2/2020. Đức, quốc gia đứng thứ 3 toàn cầu, chứng kiến xuất khẩu yếu đi so với cùng kỳ trong báo cáo mới nhất, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2021. Xuất khẩu từ Mỹ cũng đi xuống so với cùng kỳ vào tháng 6.
Xuất khẩu của Mỹ, vượt qua Đức để giành vị trí số 2 toàn cầu, cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đang tận hưởng một thứ mà nhiều đối thủ đang thiếu: nhu cầu nội địa mạnh mẽ. Mỹ không hề đơn độc, bởi một số quốc gia với động lực kinh tế tốt cũng đang bật lên.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong quý trước dù xuất khẩu giảm mạnh do giá một số hàng hoá chủ lực của nước này như dầu cọ, than đá và sắt lao dốc.
Song, trong chu kỳ sản xuất hiện tại, trước khi các doanh nghiệp trên toàn cầu xử lý được tình trạng dư thừa hàng tồn kho thì các nền kinh tế định hướng xuất khẩu sẽ cản trở tăng trưởng chung, Bloomberg cảnh báo.
Xuất khẩu suy yếu khiến Trung Quốc đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Niềm tin của người tiêu dùng tại đây đã tụt xuống mức thấp và đà lao dốc của thị trường bất động sản khiến nền kinh tế khó phục hồi nhanh chóng hậu COVID-19.
Tương tự, xuất khẩu yếu đi đã khiến sản lượng công nghiệp của Đức rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tháng. Quá trình thoát khỏi suy thoái kinh tế của Đức càng trở nên khó khăn hơn.
Hai nhà kinh tế Joseph Lupton và Bruce Kasman của JPMorgan Chase cho rằng, rủi ro là sự yếu kém trong hoạt động thương mại của châu Âu và Trung Quốc “có thể lan sang Mỹ và phần còn lại của thế giới”.
Hiện tại, có rất nhiều dữ liệu đáng quan ngại, theo Bloomberg. Chẳng hạn, xuất khẩu hàng hoá của Ấn Độ đã giảm 22% trong tháng 6 so với một năm trước đó. Xuất khẩu của Đài Loan thì đi xuống trong 11 tháng liên tiếp.
Xuất khẩu của Việt Nam cũng ghi nhận dấu hiệu đáng lo. Cán cân thương mại hàng hoá của Canada ghi nhận tình trạng thâm hụt tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 6 do xuất khẩu giảm.
Các số liệu trên cũng cho thấy một xu hướng khác, đó là sự tái định hình của dòng chảy thương mại toàn cầu, trong bối cảnh phương Tây, dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Nga.
Mexico đã giành lại vị thế nhà xuất khẩu số một sang Mỹ, đẩy Trung Quốc xuống hạng ba, sau Canada.
Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ đã giảm mạnh 23,1% vào tháng 7.
Xuất khẩu sang các thị trường gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Liên minh châu Âu (EU) và Australia đều giảm ở mức hai chữ số. Song, kim ngạch xuất sang Nga lại tăng 73% trong năm nay.
Mặt khác, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức đã giảm từ mức 8% trong năm 2020 xuống còn 6% trong nửa đầu năm 2023, theo Chỉ số Thương mại Kiel.
Nhìn rộng hơn, người châu Âu đang bày tỏ lo ngại về dòng chảy thương mại ngày càng mất cân bằng với Trung Quốc, khi các lô hàng xe điện của đất nước tỷ dân đến lục địa già tăng vọt.
Bắc Kinh phản bác lại rằng chênh lệch trong hoạt động thương mại song phương là do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của chính EU.
Tuần trước, một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới là A.P. Moller-Maersk A/S đã cảnh báo rằng thương mại container toàn cầu có thể sẽ sụt tới 4% trong năm nay, thậm chí còn tồi tệ hơn so với dự đoán trước đó là giảm 2,5%.
CEO Vincent Clerc của Maersk cho biết: “Hiện có rất nhiều yếu tố khó đoán, từ chu kỳ tăng lãi suất và nguy cơ suy thoái ở phương Tây, cho đến sự khó lường xoay quanh tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc và nhu cầu của thị trường tỷ dân trong năm tới”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận