Thương mại Q1/2024 tăng trưởng cao nhưng triển vọng không thực sự tươi sáng
Thặng dư thương mại cao kỷ lục trong Q1/2024
Theo số liệu ước tính từ Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2024 đạt 33,6 tỷ USD, tăng 36,4% so với tháng trước và tăng 13,0% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 30,9 tỷ USD, tăng 32,5% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ. Kết quả sơ bộ của Hải quan chỉ thấp hơn một chút so với ước tính trước đó của GSO lần lượt là 1,0% và 0,6% đối với xuất khẩu và nhập khẩu. Đà tăng trưởng của khu vực trong nước tiếp tục mạnh hơn khu vực FDI trong tháng 3. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ. Kết quả xuất khẩu tương ứng của khu vực FDI là 24,1 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại trong tháng 3 năm 2024 tăng lên 2,8 tỷ USD từ mức 1,4 tỷ USD của tháng trước. Thặng dư thương mại tháng 3/2024 cao gấp 1,9 lần cùng kỳ năm trước, nhờ khu vực FDI tăng thặng dư thương mại nhưng nhập siêu ở khu vực trong nước thu hẹp.
Trong Q1/2024, tăng trưởng xuất nhập khẩu đạt lần lượt 16,8% và 14,0% so với cùng kỳ. So với quý 4/2023, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giảm nhẹ lần lượt 2,1% và 3,9%. Tuy nhiên, thặng dư thương mại quý 1 ước tính đạt 7,8 tỷ USD, gấp 1,6 lần so với quý 12023 và cao hơn 22,9% so với quý trước. Thặng dư thương mại mở rộng kết hợp với sự cải thiện trong đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể tiếp tục giúp Việt Nam thặng dư cán cân thanh toán hoặc chỉ âm nhẹ trong Q12024. Quy mô sai sót và thiếu sót trong Q12024 được ước tính sẽ tăng lên trong thời kỳ tỷ giá hối đoái và giá vàng biến động mạnh. Theo ước tính của NHNN, cán cân thanh toán thặng dư trong quý 4/2023 đạt 2,5 tỷ USD, trong đó cán cân vãng lai là 6,4 tỷ USD, cán cân tài chính là -1,6 tỷ USD, các sai sót, thiếu sót cũng giảm mạnh so với cùng kỳ. quý trước chỉ còn 2,2 tỷ USD
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chững lại trong tháng 3/2024
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng trong tháng 3/2024 có sự chững lại so với hai tháng đầu năm. Trong đó, mức suy giảm mạnh nhất đến từ nhóm hàng dệt may, giày dép và túi xách (tăng 0,3% trong tháng 3/2024 so với mức tăng 13,6% trong 2T2024) hay nhóm hàng thuỷ sản (giảm 3,0% trong tháng 3/2024, so với mức tăng 13,7% trong 2T2024). Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may và túi xách ghi nhận mức tăng không đáng kể lần lượt là 0,9% và 0,3% so với cùng kỳ trong tháng 3/2024, đồng thời, xuất khẩu giày dép chỉ tăng 4,4%, thấp hơn đáng kể mức tăng 13,8% trong hai tháng đầu năm. Tương tự, tăng trưởng của mặt hàng gỗ cũng giảm mạnh từ mức tăng 33,0% trong 2T2024 còn 13,6% trong tháng 3/2024. Duy chỉ có hai nhóm hàng điện tử và máy móc thiết bị vẫn duy trì được động lực tăng trưởng, tăng lần lượt 23,8% và 10,6% trong tháng 3/2024 (so với mức tăng 21,8% và 10,9% trong 2T2024).
Xét theo thị trường, xuất khẩu sang các thị trường cũng có sự phân hoá trong tháng 3/2024. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu cải thiện ở thị trường Trung Quốc và EU, lần lượt tăng 13,7% và 18,1% trong tháng 3, cao hơn mức tăng 7,6% và 16,8% trong 2T2024. Trong khi đó, tăng trưởng suy giảm ở Mỹ và một số thị trường châu Á, gồm ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. Luỹ kế Q1/2024, thị trường Mỹ ghi nhận mức tăng tích cực nhất (+24,1% so với cùng kỳ), tiếp theo là thị trường EU (+17,3%) và ASEAN (+11,5%). Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cải thiện lên 9,9% trong Q1/2024 so với mức tăng 5,6% trong năm 2023.
Tăng trưởng nhập khẩu chậm lại trong tháng 3/2024 cũng phản ánh sự phục hồi yếu của nhu cầu bên ngoài. Mặc dù nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất hàng điện tử vẫn duy trì được mức tăng 23,1% so với cùng kỳ trong tháng 3/2024, nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may giảm 0,5%, nguyên vật liệu chăn nuôi giảm 6,6%. Trong khi đó, nhập khẩu xăng dầu tăng mạnh trong tháng 3/2024 do biến động tăng liên tục của giá dầu thế giới, tăng 40,8% trong tháng 3/2024, so với mức giảm 1,7% trong 2T2024. Thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Trung Quốc ghi nhận mức tăng mạnh nhất (+29,1% trong Q1/2024 sau khi tăng trưởng âm 6,1% trong năm 2023). Nhập khẩu từ các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản có hồi phục nhưng với tốc độ chậm hơn.
Không quá lạc quan về nhu cầu bên ngoài
Tốc độ phục hồi của xuất khẩu trong quý đầu năm không thực sự gắn liền với sự gia tăng của giá bán, hàm ý cho nhu cầu không thực sự mạnh hoặc áp lực cạnh tranh cao. Lý do là chỉ số giá xuất khẩu chung giảm 1,8% so với cùng kỳ và giảm tiếp 1,6% so với Q4/2023. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ghi nhận mức giảm 2,3% trong chỉ số giá, hầu hết các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo đều giảm trừ mức tăng nhẹ được ghi nhận ở mặt hàng túi xách (+2,0%), may mặc (+2,6%) và máy tính, linh kiện điện tử (5,7%). Chỉ số giá xuất khẩu của giảm mạnh ở mặt hàng phân bón (-18,9%), điện thoại (-8,4%) hay gỗ (-7,9%). Điểm tích cực là giá xuất khẩu của mặt hàng nông sản cải thiện trong Q1/2024, nổi bật có cà phê (+33,0%), gạo (+21,1%) và chè (+9,8%).
Khảo sát về PMI của khu vực ASEAN cũng cho thấy đơn hàng mới tăng chủ yếu đến từ nhu cầu nội địa trong khi đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm liên tục 22 tháng. Trái lại, đơn hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc đang dần phục hồi và ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Kết quả khảo sát theo ngành sản xuất của khu vực Châu Á trong tháng 3/2024 cho thấy hoạt động sản xuất mở rộng ở lĩnh vực công nghệ và máy móc thiết bị, nhưng đang thu hẹp ở nhóm hàng tiêu dùng. Theo báo cáo PMI Việt Nam tháng 3/2024, số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm với mức độ lớn nhất kể từ tháng 7/2023 do áp lực cạnh tranh gia tăng và rủi ro địa chính trị. Cho đến hiện tại, kỳ vọng của chúng tôi về triển vọng phục hồi xuất khẩu Việt Nam trong năm 2024 chưa có nhiều thay đổiso với kỳ vọng đầu năm.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận