Thương mại điện tử Việt Nam xứng danh “mũi nhọn” kinh tế số: Nghĩ gần, nghĩ xa
Đưa thương mại điện tử trở thành mũi nhọn sắc bén của kinh tế số đang là đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế.
Liên tục tăng trưởng 2 con số
Thương mại điện tử lâu nay được xem như là hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ trên internet. Nhiều người thích hình ảnh ví von, theo đó thương mại điện tử chính là nơi, là lúc những cửa hàng truyền thống bước vào từ phố xá nhộn nhịp của thế giới thật, cũng là nơi mà mọi hoạt động mua bán hàng hoá và dịch vụ đều thông qua những cú click trên bàn phím máy tính. Hay phổ biến hơn đó là “lướt, chạm và chấm” trên smartphone. Ước tính có khoảng 2,14 tỷ người trên toàn thế giới mua hàng hoá trên thương mại điện tử và Việt Nam có thể tự hào khi đóng góp hàng chục triệu người trong số này.
Hơn bất cứ lĩnh vực kinh tế nào khác, giữa các diễn biến địa chính trị thế giới, những xung đột quyền lợi của các định chế song phương và đa phương, xung đột của các quốc gia, nhóm quốc gia, rồi cả dịch bệnh có thể đánh thẳng vào các diễn tiến kinh tế bất cứ lúc nào và đường biểu diễn của tốc độ tăng trưởng có thể sụp xuống bất cứ lúc nào, thương mại điện tử lại là một ngoại lệ.
Thương mại điện tử Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ 16 - 30% thời gian qua. Nếu như năm 2015, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước, thì đến năm 2018 con số này đã đạt mức 8,06 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2017). Năm 2019, thương mại điện tử Việt Nam chính thức cán mốc 10 tỷ USD để tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD vào năm 2021 và ước đạt 16,4 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng 20% trong năm 2022.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy bất chấp những xung đột, căng thẳng của giai đoạn hậu Covid-19, thương mại điện tử trong năm 2023 tiếp tục có những diễn tiến ngoạn mục, thêm một lần khẳng định là một trong những lĩnh vực tiên phong mang tính mũi nhọn của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, tăng 4 tỷ USD (khoảng 25%) so với năm 2022.
Các chuyên gia đánh giá, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc biệt, năm 2023 đã chứng kiến sự “bùng nổ” của hàng loạt các hoạt động và chuỗi sự kiện về liên kết vùng phát triển thương mại điện tử, triển lãm các công nghệ, giải pháp chuyển đổi số, sản xuất thông minh, ứng dụng thương mại điện tử, kích cầu tiêu dùng trong nước, thu hút người dân tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thương mại điện tử và công nghệ số. Qua đó, thúc đẩy phát triển lĩnh vực này của nền kinh tế ở mức độ cấp vùng, giúp tăng cường nhận thức của người dân với thương mại điện tử và thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Thực sự trở thành mũi nhọn của kinh tế số
Theo kết quả khảo sát về Chỉ số các nền kinh tế số do tờ Financial Times của Anh và Omdia khảo sát công bố cuối tháng 11/2022 dựa trên trên quy mô 39 quốc gia trên toàn cầu, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh thứ hai thế giới (12,3%) vào năm 2022 (chỉ sau Ấn Độ), nhanh thứ ba thế giới (10,3%) vào năm 2023 (sau Mexico và Ấn Độ) và được dự báo dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn 2022 - 2026. Đặc biệt, trong số 23 tỷ USD kinh tế số Việt Nam năm 2022, có tới 14 tỷ USD là từ lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ít nhất cho đến năm 2025, ở Việt Nam với mức tăng trưởng trên 22% thương mại điện tử vẫn giữ vững ngôi “vương” là động lực tăng trưởng kinh tế số, vượt lên trên các lĩnh vực du lịch trực tuyến (21%), gọi xe và đặt đồ ăn trực tuyến (16%) và truyền thông trực tuyến (15%).
Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, quy mô thị trường số của Việt Nam còn nhỏ, xếp thứ 25/39 quốc gia. Việt Nam có tiềm năng phát triển quy mô thị trường hơn thế khi tổng dân số Việt Nam xếp thứ 15 toàn cầu. Việt Nam sẽ trải nghiệm sự mở rộng đột phá về khả năng kết nối và thâm nhập thiết bị, tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán và giải trí kỹ thuật số.
Những thách thức phía trước và hành động
Các chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra các thách thức đang chờ đợi sự phát triển cho thương mại điện tử Việt Nam những năm sắp đến. Đó là việc các doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử chưa nhận thức đầy đủ vai trò chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Cùng với đó là cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh đã khiến thương mại điện tử Việt Nam đây đó nhuốm “màu” vô trách nhiệm, xâm hại quyền lợi người dùng.
Đặc biệt là thách thức theo đó người tiêu dùng chuyển đổi số với tốc độ nhanh hơn tốc độ của thương mại điện tử. Cái nhanh hơn ở đây có thể được hiểu là không chỉ ở lựa chọn hình thức mua sắm mới, không chỉ về nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, mà họ còn “mua cả sự trải nghiệm mới”. Sự trải nghiệm đó rồi sẽ phải tiện lợi hơn, trung thực hơn, đụng chạm đến sức khoẻ nhiều hơn.
Xét ở nhiều góc độ, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng còn do thế hệ Z (thế hệ sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến rộng rãi, được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ)- cũng chính là những người tiêu dùng cuối- đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay. Vì vậy, ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm là xu hướng tất yếu của những người tiêu dùng trẻ hiện đại.
Thương mại điện tử làm gì để “chớp” lấy cơ hội tạo ra từ tốc độ đó vẫn là câu hỏi lớn.
Để giải những bài toán đó, để trả lời những câu hỏi đó, tựu trung có 5 giải pháp thiết thực nhất mà cũng là quan trọng nhất được nhiều chuyên gia chia sẻ. Cần nhất là kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường. Bởi nếu không thương mại điện tử có thể vẫn tiếp tục đi sau nhu cầu của người tiêu dùng vốn có tốc độ chuyển đổi số nhanh hơn, như đã nói ở trên.
Bối cảnh kinh doanh mới với nhiều lĩnh vực trong đó có cả thương mại điện tử, theo các chuyên gia được nhìn nhận là sự biến động, không chắc, phức tạp và mơ hồ hơn, bởi vậy, đào tạo kiến thức thương mại điện tử bền vững cho các doanh nghiệp tham gia ở lĩnh vực này là vô cùng cần thiết ngay cả ở hiện tại.
Các giải pháp tiếp theo bao gồm cần phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh số, đẩy mạnh chuyển đổi số các địa phương, thu hẹp khoảng các giãn cách số giữa các khu vực. Và cuối cùng chính là hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử đi đôi với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận