Thương mại điện tử Việt Nam tăng 4 tỉ USD, phát triển nhanh nhất Đông Nam Á
Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết năm 2023 chứng kiến sự đột phá vượt bậc trong lĩnh vực thương mại điện tử. Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam 2023 dự kiến đạt 20,5 tỉ USD, tăng khoảng 4 tỉ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.
Hoạt động mua sắm qua sàn thương mại điện tử ngày càng phổ biến
Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, đứng đầu Đông Nam Á và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.
Hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch.
Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phía Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cũng đánh giá thương mại điện tử Việt Nam hiện nay có nhiều điểm nổi bật, trong đó có số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng mua sắm qua mạng nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên, đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn. Các doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số.
Dù vậy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...
Xử lý nghiêm các vi phạm về thương mại điện tử
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết trong thời gian tới, phát triển thương mại điện tử không chỉ tập trung vào tăng quy mô mà cần hướng tới phát triển xanh, phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tăng cường liên kết vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Sở Công Thương, các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tăng cường bảo mật thông tin và an ninh trong giao dịch trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng nhấn mạnh trong năm 2024 Bộ sẽ tiếp tục rà soát, yêu cầu và hướng dẫn các thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu wesite/ứng dụng thương mại điện tử cập nhật thông tin, chính sách, bổ sung hồ sơ đáp ứng quy định.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đấu tranh chống hàng giả trong thương mại điện tử, cảnh báo các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử. Trong đó xây dựng các kênh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook…
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan trong việc thanh tra các đơn vị chấp hành pháp luật về thương mại điện tử.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận