Thương mại điện tử và năm khó khăn
Dù tăng trưởng hai con số nhưng thương mại điện tử Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của các thách thức những năm gần đây trong khu vực và toàn cầu. Điều này buộc các sàn thương mại điện tử cần tiếp tục đẩy mạnh các chiến lược nhằm duy trì vị thế, kinh doanh hiệu quả và bền vững...
Báo cáo Toàn cảnh thị trường Sàn bán lẻ trực tuyến 2023 cho biết, doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) năm vừa qua đạt 232.134 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 53% so với 2022. thương mại điện tử tiếp tục được đánh giá là gam màu sáng với mức tăng trưởng vượt trội và diễn biến sôi động, đóng góp tích cực cho nền kinh tế số của đất nước.
Dẫu vậy, thương mại điện tử cũng không miễn nhiễm trước cơn “ốm sốt” của nền kinh tế toàn cầu. Bất chấp tổng giá trị giao dịch hàng hóa liên tục phá đỉnh cũ, ngành thương mại điện tử vẫn diễn ra làn sóng sa thải như nhiều doanh nghiệp công nghệ khác. Năm 2023, hầu hết các nền tảng thương mại điện tử trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều giảm quy mô nhân sự, thậm chí vẫn tiếp diễn vào đầu năm 2024.
Trên thực tế, đây không phải động thái bất ngờ khi các doanh nghiệp này đang phải gồng mình tìm điểm cân bằng trước sức ép từ cả bên trong và bên ngoài. Một mặt, sau hơn một thập kỷ miệt mài “đốt tiền”, những “tay chơi” thương mại điện tử trên thị trường đều chịu áp lực tối ưu chi phí và tìm kiếm lợi nhuận, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư không còn “dễ dãi” và dồi dào. Mặt khác, cùng lúc đó, các nền tảng này vẫn phải gia tăng năng lực cạnh tranh trước sự thay đổi nhanh chóng của các xu hướng công nghệ và mua sắm mới.
Điều này khiến 2024 tiếp tục được đánh giá là một năm nhiều sóng gió với nền kinh tế nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Tại Việt Nam, nếu như “miếng bánh” thị phần đã dần được định hình, các “tay chơi” vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh các chiến lược nhằm duy trì vị thế, kinh doanh hiệu quả và bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận