menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hoàng Tuấn

Thương mại điện tử trên mạng xã hội: Phát triển mạnh nhưng thiếu khuôn khổ pháp lý

Khuôn khổ pháp lý cho thương mại điện tử trên mạng xã hội vẫn còn nhiều khoảng trống, đòi hỏi những chính sách phù hợp để phát triển đồng thời đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Thương mại điện tử trên mạng xã hội

Thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ tại Việt Nam. theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, năm 2020, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô, đạt 7 tỷ USD, đứng sau Indonesia (32 tỷ USD) và Thái Lan (9 tỷ USD). Tuy nhiên, Google dự đoán, thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực, với 34%.

Trong khi đó, cùng với sự phát triển của kinh tế số, hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ qua mạng xã hội đang dần trở thành một thành phần quan trọng trong sự phát triển của thương mại điện tử, theo nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI.

Giờ đây, chỉ cần thông qua mạng xã hội, người bán đã có thể giới thiệu, quảng cáo và bán sản phẩm của mình trên cả nước và cả ở nước ngoài. Nhưng để phát huy tiềm năng của lĩnh vực này, ông Tuấn cho rằng cần rất nhiều nỗ lực mà quan trọng nhất là về mặt pháp lý.

Một nghiên cứu về vấn đề này của VCCI cho biết hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội hiện nay chủ yếu là quảng cáo, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ các sàn thương mại điện tử bán hàng. Hoạt động này có đặc thù riêng biệt và không hoàn toàn giống với bất kỳ hình thức thương mại điện tử nào.

Đơn cử như trong khi nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử luôn hỗ trợ chức năng đặt hàng trực tuyến, cho phép hoàn thành trọn vẹn một giao dịch trên môi trường mạng, thì các mạng xã hội chưa có chức năng này và các bên vẫn phải liên hệ trực tiếp với nhau để hoàn thành giao dịch. Do vậy, một số mạng xã hội hiện nay chỉ đóng vai trò là “bên môi giới”.

Thêm vào đó, nếu như các sàn giao dịch thương mại điện tử chứa các nội dung thuần túy là thông tin thương mại thì các mạng xã hội có sự trộn lẫn giữa các thông tin thương mại và thông tin phi thương mại...

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hiện nay, khung pháp lý quản lý hoạt động thương mại điện tử vẫn áp dụng chung cho cả mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử mà chưa tính đến những khác biệt cơ bản nói trên.

Trong thực tế, các khuôn khổ cho hoạt động thương mại điện tử và mạng xã hội đã xây dựng chủ yếu từ năm 2013, trong giai đoạn đầu của thương mại điện tử. Vì vậy, rất nhiều vấn đề chưa được đề cập hoặc được quy định rất chung chung, chỉ mang tính nguyên tắc, điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Chẳng hạn như liên quan đến phân loại quản lý hoạt động có yếu tố thương mại điện tử trên mạng xã hội theo mức độ và tính chất hoạt động, các mạng xã hội thông thường chỉ nên chịu sự quản lý của các quy định về mạng xã hội tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Về vấn đề này, nhóm nghiêm cứu của VCCI kiến nghị các mạng xã hội có chức năng hỗ trợ thương mại điện tử nhưng không có chức năng đặt hàng trực tuyến nên quản lý theo tiêu chuẩn thương mại và pháp luật về thương mại điện tử ở mức độ thấp, đơn giản; các mạng xã hội có chức năng đặt hàng trực tuyến mới nên quản lý theo pháp luật về thương mại điện tử tương tự như sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cũng về vấn đề này, LS. Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Luật Baker & McKenzie, đề xuất: Đối với mạng xã hội có chức năng đặt hàng trực tuyến thì nên quản lý theo pháp luật về sàn thương mại điện tử. Nếu mạng xã hội không có chức năng đặt hàng trực tuyến thì nên quản lý theo pháp luật về mạng xã hội.

Tuy nhiên, bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng: Với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, tới đây sẽ khó phân biệt được mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để quản lý. Vì vậy, đề xuất quản lý mạng xã hội không có chức năng đặt hàng trực tuyến thấp hơn các sàn một chút thì rất khó để phân biệt giữa hai đối tượng này.

Bà Hoa đặt câu hỏi có cần thiết đặt ra hai cơ chế quản lý khác nhau không, khi hai hình thái này đang dần trở nên giống nhau hơn bao giờ hết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VCCorp cho rằng: Việc phân loại các mạng xã hội và sàn thương mại điện tử khá khó. Mạng xã hội đều đang hướng tới những siêu ứng dụng, có đầy đủ các chức năng mua bán, livestream, trò chuyện… vì vậy dần dần các mạng sẽ tương tự nhau.

Ngoài vấn đề về phân biệt sản thương mại điện tử và mạng xã hội có hoạt động kinh doanh, tọa đàm cũng nêu một số vấn đề khác như cần kiểm soát thông tin đăng tải và giám sát nội dung thương mại trên mạng xã hội; xác thực người dùng trên mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; và quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội xuyên biên giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả