Thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2021
Năm 2020, nhờ “cú huých” từ đại dịch Covid-19, ngành thương mại điện tử Việt Nam đã có một năm “ăn nên làm ra” với tăng trưởng trung bình 18% và gần 50% với các sàn lớn. Theo nhiều suy đoán, năm 2021, ngành thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ.
Năm rực rỡ của thương mại điện tử
Bất chấp những tác động của đại dịch, trong khi các ngành khác chịu ảnh hưởng nặng nề, ngành thương mại điện tử năm 2020 vẫn chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 đã ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60 giờ, tăng 267% so với cùng kỳ.
Điều đáng chú ý là các doanh nghiệp sản xuất nằm trong nhóm lớn nhất cả nước đều đưa thương mại điện tử vào chiến lược phát triển dài hạn để đối phó với khủng hoảng và xây dựng kênh phân phối mới.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định, dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại, nhưng cũng chính là “cú huých” đáng kể với thương mại điện tử.
“Nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng trước đây chưa từng bán hàng trực tuyến nay đã bán trực tuyến. Covid-19, nhìn theo hướng tích cực là đã thúc đẩy chuyển đổi số. Với mục tiêu của Chính phủ đã được đề ra cùng sự đồng lòng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thời gian tới thương mại điện tử chắc chắn sẽ có bước khởi sắc đột phá”.
Báo cáo Tổng quan thị trường thương mại điện tử quý IV/2020 vừa được iPrice Group công bố cho thấy, quý vừa qua mang lại sự tăng trưởng tích cực cho hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Tổng lượt truy cập của 50 nền tảng tăng 13% so với 6 tháng đầu năm. Có thể thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân cao hơn khi tỉ lệ này giảm 8% vào cùng kỳ năm ngoái.
Tâm lý mua hàng là một trong những lý do chính giúp tăng trưởng trong tiêu dùng online. Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, người tiêu dùng an tâm hơn và họ sẵn sàng chi tiền nhiều hơn.
Hơn thế, những ưu đãi mạnh từ các sàn thương mại điện tử cùng đối tác trong các chiến dịch cuối năm như Ngày lễ độc thân (11/11), Black Friday (27/11), Cyber Monday (30/11), giảm giá 12/12,…là dịp để người tiêu dùng tranh thủ sắm sửa những mặt hàng yêu thích nhưng chưa có dịp sở hữu.
Trong các ngành hàng, ngành thời trang có mức tăng vượt bật hơn so với hai quý đầu năm và đạt lên đến 33%. Nguyên nhân chính có thể bắt nguồn những dịp lễ hội cuối năm, thúc đẩy nhu cầu ăn mặc đẹp và sắm đồ mới để chuẩn bị cho những ngày Tết hay Lễ Tình nhân.
Hai ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong đầu năm nay là bách hóa và sức khỏe có xu hướng ổn định hơn trong 6 tháng cuối năm khi lần lượt đạt mức tăng 10% và 7%.
Ngành thiết bị di động tăng 7% so với 6 tháng đầu năm, tương tự với ngành hàng điện máy là 5%. Mặc dù các chỉ số không quá đột biến nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng khi hầu hết các ngành hàng đều đang trên đà phát triển.
Cuộc đua của các “ông lớn”
Báo cáo của iPrice Group cũng cho thấy, mặc dù trải qua nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu, thứ hạng các sàn thương mại điện tử Việt Nam trong quý IV vẫn không có sự thay đổi so với quý trước đó và cuộc đua chủ yếu vẫn xung quanh những tên tuổi lớn.
Theo đó, Shopee Việt Nam đạt hơn 68,5 triệu lượt truy cập trung bình trong ba tháng cuối năm 2020. Shopee trở thành sàn có số lượng truy cập cao nhất, tăng hơn 30,6 triệu so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến nay, Shopee Việt Nam đã đứng đầu về lượng truy cập trong suốt 10 quý liên tiếp.
Bám đuổi sít sao với Shopee Việt Nam là hai “ông lớn” Tiki và Lazada Việt Nam. Lượt truy cập vào website của Tiki và Lazada Việt Nam trung bình ba tháng cuối năm chênh lệch nhau khoảng 1,4 triệu, số liệu lần lượt là 22,2 và 20,8 triệu lượt trong quý IV. Trong khi đó, Sendo duy trì top 10 toàn quốc trong Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam ở vị trí thứ 6 với mức 11,2 triệu lượt truy cập.
Điểm sáng trong bản đồ thương mại điện tử Việt Nam gọi tên Thế giới di động với vị trí thứ 2 từ đầu năm, trở thành doanh nghiệp nội địa có lượt truy cập trung bình cao nhất toàn quốc quý IV là 31,4 triệu lượt.
Đáng chú ý, chuỗi bán lẻ Điện máy Xanh cũng giành vị trí thứ 5 với 16,3 triệu lượt truy cập. Xu hướng tăng nhu cầu mua sắm sản phẩm điện máy, đổi điện thoại vào dịp cuối năm là thời cơ tốt để Thế giới di động bứt phá hơn trong dịp cận Tết.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Và với đà phát triển này, các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ đón nhận những cơ hội và đó cũng là thách thức khi các sàn phải liên tục thay đổi và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Việc “tăng trưởng thần tốc” có thể đi kèm với những rủi ro nhất định, tuy nhiên mong muốn đạt mức tăng trưởng bền vững và có lợi nhuận lại là ý tưởng an toàn ở thời điểm đầy biến động do yếu tố ngoại cảnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận