Thương mại điện tử nở rộ: Thu thuế tăng vọt
Nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như Facebook, Google, YouTube đang đem lại thu nhập khủng cho nhiều tổ chức, cá nhân. Cùng đó, nguồn thu thuế cũng tăng nhanh trong thời gian qua, dù COVID-19 hoành hành.
Mảnh đất màu mỡ
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, với 53%dân số tham gia mua bán trực tuyến đã đưa TMĐT trong năm 2020 tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Đơn cử, năm 2020, số thu thuế từ TMĐT tại Cục Thuế TP Hà Nội tăng gấp gần 5 lần so với năm 2019. Đáng chú ý, có trường hợp đã sáng tạo ra nhiều phần mềm, được các ứng dụng Google Play và App Store đăng tải, đạt thu nhập lên tới 330 tỷ đồng, và đã nộp thuế 23,4 tỷ đồng.
Chia sẻ với báo chí, hai anh em sinh đôi Việt Anh - Trung Anh, chủ nhân của kênh YouTube 1977 Vlog cho biết, những video phục vụ khán giả nước ngoài mới được trả nhiều tiền quảng cáo, còn ở Việt Nam tiền thu về không nhiều.
Với lượng đăng ký kênh hơn 2 triệu chỉ sau 1 năm ra mắt với 12 video, trong đó có những tiểu phẩm như: Vợ Nhặt, Chị Dậu Parody, Chiếc lá cuối cùng… các sản phẩm của 1977 Vlog đã từng trở thành hiện tượng tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của hai anh em Việt Anh- Trung Anh, năm 2020 có 2 lần vlog của 1977 gồm Vợ Nhặt và Chiếc lá cuối cùng được lên top 1 trending YouTube. Trong đó, tác phẩm Vợ Nhặt được bình chọn là 1 trong 10 video clip nổi bật nhất năm 2020.
Ở Việt Nam, nếu video trên YouTube đạt 10 triệu view thì chủ kênh sẽ có thu nhập từ 40 đến 60 triệu đồng, và còn tùy thuộc vào người xem đang ở khu vực nào.
“Ví dụ kênh của chúng tôi nếu có khán giả 90% là người Việt thì tính một mức giá, 10% còn lại là người nước ngoài thì sẽ tính một giá khác rồi cộng lại với nhau. Nếu trường hợp làm thật nhiều video, cỡ mỗi tuần 2 chiếc mà mỗi chiếc 5 triệu view thì thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi tháng chúng tôi chỉ ra 1 chiếc, hoặc 2 tháng chỉ ra 1 video thì thu nhập chỉ khoảng 30 triệu đồng/tháng”, chủ nhân kênh 1977 Vlog chia sẻ.
Linh hoạt thu thuế thương mại điện tử
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hàng loạt quy định mới về quản lý thuế được thực thi từ năm 2021 sẽ góp phần quan trọng chống thất thu, gian lận thuế, trốn thuế, đặc biệt với hoạt động TMĐT, nền tảng số.
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2019, các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài tổng số thuế 1.010 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng 535 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 475 tỷ đồng).
Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành, TMĐT càng nở rộ. Qua rà soát của Tổng cục Thuế, các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài và đã khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài tổng số thuế hơn 1.143 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng 518,9 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 624,8 tỷ đồng).
Đối với cá nhân có hoạt động cung cấp ứng dụng, sản phẩm tại các ứng dụng Google Play, Apple Store…đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế đã thu thập dữ liệu từ các ngân hàng thương mại, tuyên truyền hướng dẫn, thông báo yêu cầu thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế.
“Đến hết năm 2020, đã có 225 cá nhân kê khai, nộp thuế đối với tổng doanh thu trên 957 tỷ đồng, qua đó họ đã nộp thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 67 tỷ đồng”, lãnh đạo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết.
Cũng theo vị này, riêng Cục thuế TP Hà Nội đã lựa chọn thanh tra đột xuất với 4 cá nhân có rủi ro doanh thu cao nhưng không chịu nộp thuế, qua đó truy thu và phạt 40,5 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận