Thương mại điện tử kéo logistics phát triển
Doanh nghiệp logistics có nhiều cơ hội tăng trưởng, mà một trong những cú hích là sự tăng tốc của lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo khảo sát của Vietnam Report, 73% doanh nghiệp logistics cho rằng, ngành này sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số trong năm 2019. |
Mở rộng đầu tư
Hệ thống nhà kho rộng 40.000 m2 của Công ty cổ phần Hateco logistics nằm trong Trung tâm logistics Hateco (Khu công nghiệp Sài Đồng, Hà Nội) đã đầy ắp khách thuê sau chưa đầy 1 năm đi vào hoạt động. Phần lớn khách hàng thuê là các công ty thương mại điện tử và vận chuyển như Shopee, Giao hàng nhanh, Lazada Express…
Ông Đinh Duy Linh, Tổng giám đốc Hateco cho biết, sau một thời gian tham gia mảng logistics, Hateco nhận thấy còn nhiều khoảng trống lớn trong lãnh địa này, khi số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử gia tăng mạnh, cùng với nhu cầu thuê mặt bằng lưu giữ, phân loại hàng hóa, hoàn tất đơn hàng…
“Sắp tới, Hateco sẽ đầu tư mở rộng trung tâm logistics theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm giảm chi phí. Mục tiêu đầu tư là logistics tích hợp, đặc biệt là trong ngành thương mại điện tử và chuyển phát nhanh, vì đây là lĩnh vực đang nóng”, ông Linh cho biết.
Ngành logistics tại Việt Nam vẫn được đánh giá chưa theo kịp sự tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó, logistics phục vụ thương mại điện tử vẫn còn thiếu, nhưng khoảng trống này sẽ sớm được khỏa lấp khi các doanh nghiệp đang dồn sức đầu tư.
Theo khảo sát của Vietnam Report, 73% doanh nghiệp logistics cho rằng, ngành này sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số trong năm 2019.
Năm 2018 chứng kiến sự phát triển mạnh của thị trường thương mại điện tử. Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, nếu quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, thì tổng doanh thu kinh doanh thương mại điện tử năm 2018 đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017, gấp đôi so với năm 2015.
Trong thời gian rất ngắn, nhiều doanh nghiệp như Thế giới Di động, FPT, Nguyễn Kim, Lotte, Big C, Saigon Co.op… đã tăng tốc trong mảng bán lẻ online. Các thương vụ đầu tư trong lĩnh vực này cũng xuất hiện dày hơn, trong đó Alibaba mua Lazada, VNG đầu tư cho Tiki, Tencent rót vốn vào Shopee…
Ngoài ra, sự dịch chuyển nhanh chóng các chuỗi bán lẻ truyền thống lớn, sang môi trường trực tuyến như Vingroup với Adayroi, Thegioididong với Vuivui.com, Lotte với Lotte.vn, Aeon với Aeonshop.com... cũng làm gia tăng nhu cầu mặt bằng tập kết, trung chuyển hàng hóa khổng lồ.
Khi mức độ cạnh tranh tăng lên, để có được lợi thế và giải quyết những yêu cầu dịch vụ ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử phải liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ logistics để cải thiện hệ thống chuyển phát, kho bãi, thanh toán.
Tiếp tục kéo vốn
Lazada - một “ông lớn” thương mại điện tử nằm trong Top 3 tại Việt Nam (cùng với Tiki và Shopee) đã đầu tư vào 3 kho lớn ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội, với tổng diện tích 22.000 m2 và mạng lưới 34 trung tâm phân phối trên toàn quốc, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu.
Lazada Express đang thuê mặt bằng với diện tích lớn tại Trung tâm logistics Hateco (Hà Nội) làm trung tâm phân loại hàng hóa để phục vụ phân phối đơn hàng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam đạt trên 25%. Google Temasek dự đoán, đến năm 2025, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đến 43%/năm, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Lazada Express vốn là công ty con, thực hiện một phần dịch vụ logistics của Tập đoàn Lazada. Trước năm 2017, Lazada quản lý hàng hóa tại các kho thường. Hiện nay, Lazada Express là công ty tiên phong trong việc đầu tư ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động logistics.
Điển hình là đầu tư Trung tâm phân loại hàng hóa tự động. Hệ thống này sử dụng robot để tự động chia chọn hàng hóa đến các hub của Lazada Express, cũng như chia chọn cho từng bên thứ 3 (3PL) đang là đối tác của Lazada.
Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Công ty Lazada Express cho hay, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và mang lại doanh thu rất cao cho các doanh nghiệp, kéo theo đó là ngành logistics phải phình ra để theo kịp nhu cầu dịch vụ.
Theo Công ty Giao hàng nhanh, đến năm 2020, số lượng đơn hàng có thể đạt tới con số 530 triệu đơn, với giá trị dịch vụ giao hàng đạt 472 triệu USD. Trong điều kiện đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn đều đang xây dựng hệ sinh thái của mình, trong đó logistics là một trụ cột quan trọng.
Để đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp logistics đẩy mạnh xây dựng trung tâm phân phối với quy mô khoảng 10.000 - 20.000 m2 như DHL Việt Nam, Kerry Express, ViettelPost…
Các doanh nghiệp logistics còn đầu tư mạnh vào mảng cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng như DHL eCommerce, TNT, đặc biệt là Kerry Express với 4 trung tâm điều phối và 110 bưu cục khắp cả nước. NinjaVan - hãng vận chuyển đến từ Singapore và hiện có mặt tại 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thì tăng cường ứng dụng các công nghệ và quy trình tiên tiến, nên được nhiều website thương mại điện tử hàng đầu như Lazada, Zalora, Shopee... tin dùng.
“Dịch vụ giao nhận là một phần quan trọng trong chuỗi giá trị vận tải và logistics. Doanh nghiệp logistics Việt Nam có nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng cần phải đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, tận dụng đòn bẩy phát triển thương mại điện tử để bứt phá”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận