menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Vũ Sơn

Thương mại điện tử: Giàu tiềm năng nhưng không ít rủi ro

Thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành lĩnh vực tiềm năng tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới với tốc độ phát triển mạnh mẽ và quy mô thị trường ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, song hành cùng những lợi ích vượt trội là nhiều rủi ro tiềm ẩn với tất cả

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

Chia sẻ tại Hội thảo “Thương mại điện tử và những vấn đề pháp lý quan trọng”, ông Nguyễn Quang Thuật - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ chia sẻ, đã có 10 triệu sản phẩm được bán thông qua sàn TMĐT Sendo, cùng với đó là 3 tỷ lượt truy cập, 55 triệu đơn hàng, 150 triệu người dùng ghi nhận trong năm 2020.

Không chỉ Sendo, các sàn TMĐT khác tại Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo Sách Trắng TMĐT năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô khoảng 15 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2025, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online. Điều này cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển TMĐT, với tốc độ tăng trưởng thuộc top 3 trong khu vực Ðông Nam Á.

Ông Phạm Ngọc Vinh - Trưởng phòng Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, TMĐT tại Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Cụ thể, việc hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam đang hướng tới thực hiện chức năng “Chính phủ kiến tạo”, Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng đã được đề ra với nhiều giải pháp cụ thể, số lượng doanh nghiệp cũng đang tăng nhanh (từ 500 nghìn lên 1,5 triệu doanh nghiệp)…

Cùng với đó, các xu thế công nghệ mới của kỷ nguyên số hóa sẽ làm biến đổi kết cấu hạ tầng xã hội và nền kinh tế toàn cầu, tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống. TMĐT và Internet sẽ thay đổi toàn diện các phương thức hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần mở rộng các kênh tương tác với khách hàng, thông qua bán hàng đa kênh. Nếu doanh nghiệp không nhanh chóng bắt kịp sự phát triển của TMĐT thì sẽ bị tụt hậu.

Đặc biệt, nếu như trước kia, các FTA không có những điều khoản cụ thể về TMĐT thì giờ đây, TMĐT đã trở thành một lĩnh vực mới được quan tâm trong các hiệp định. Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhiều FTA thế hệ mới đã đề cập đến TMĐT. Việc hiểu và chuẩn bị sẵn sàng có ý nghĩa quan trọng để doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các FTA đối với TMĐT.

Có thể kể đến như trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có các chính sách chung như: Cam kết không đánh thuế xuất nhập khẩu đối với truyền dẫn điện tử; cam kết không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm kinh tế số tương tự nhau; các cam kết liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng; pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường mạng trước gian lận, lừa đảo trong TMĐT; pháp luật để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng trong TMĐT. Đồng thời, cam kết tôn trọng tự do của các chủ thể tham gia TMĐT; quyền tự do của người kinh doanh, người tiêu dùng, nhà cung cấp hạ tầng.

Trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có quy định không áp dụng các loại thuế hải quan đối với giao dịch điện tử. Đồng thời cũng cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong TMĐT. Đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng đã có quy định nhằm thuận lợi hóa thương mại và ban hành quy định bảo vệ người tiêu dùng để ngăn chặn gian lận, lừa đảo trên TMĐT…

Rủi ro tiềm ẩn

Ông Phan Trọng Đạt - Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC cho rằng, tuy có nhiều tiềm năng nhưng TMĐT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lẫn thách thức đối với tất cả các bên liên quan.

Cụ thể, đối với sàn TMĐT, phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đối chiếu thông tin từ người cung cấp/người bán, đồng thời kiểm soát chất lượng hàng hóa, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện trên sàn của mình. Đối với nhà cung cấp, sẽ có rủi ro khi không kiểm soát được số lượng, chất lượng hàng hóa khi sàn TMĐT cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng; rủi ro về vấn đề thanh toán, quảng cáo, khuyến mại. Cùng với đó là khả năng liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp hàng hóa sai sót, lỗi trong quá trình giao dịch giữa sàn và người tiêu dùng.

Còn đối với người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với nguy cơ về lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng; rủi ro trong vấn đề thanh toán; thiếu hoặc không có thông tin chính xác về người cung cấp, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa để khiếu nại khi việc giao nhận, hủy đơn hàng không đúng theo cam kết ban đầu.

Nguyên nhân của những rủi ro trên xuất phát từ việc thiếu nhất quán trong quy định đối với thông điệp dữ liệu định dạng; thiếu quy định về xác thực danh tính điện tử trên các sàn; quy định chưa rõ ràng về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ và tính pháp lý; thiếu quy định về giao kết và hợp đồng điện tử…

Theo ông Đạt, chính những rủi ro trên có thể dẫn đến những tranh chấp thương mại trên các sàn TMĐT. Để giải quyết vấn đề này, có hai hình thức mà DN có thể sử dụng đó là thương lượng hoặc hòa giải. Đối với hình thức thương lượng, các bên có quyền tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận nhằm loại bỏ tranh chấp mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba.

Đối với hình thức hòa giải, các bên giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian để hỗ trợ tìm phương án giải quyết. Trong đó, kết quả thương lượng không có tính ràng buộc các bên, ngược lại, kết quả hòa giải thường được các bên tự nguyện thi hành, buộc yêu cầu công nhận tại tòa án và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Chính vì vậy, phương thức hòa giải được coi là biện pháp hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp có xảy ra khi giao dịch trên sàn TMĐT.

Hơn hết, các chuyên gia cho rằng cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về TMĐT để có thể phát triển lĩnh vực này xứng với tiềm năng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại