Thượng đỉnh Mỹ-Hàn: Trung Quốc và Triều Tiên sẽ là các chủ đề chi phối cuộc gặp Moon-Biden?
Vấn đề Triều Tiên và cách Hàn Quốc lèo lái quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ sẽ là những chủ đề chính trong cuộc gặp thượng đỉnh Moon-Biden.
Cuộc gặp diễn ra khi Washington đã hoàn tất việc xem xét lại chính sách mà trong đó, kêu gọi tập trung vào những hành động ngoại giao thực tế để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên trong khi vẫn giữ mục tiêu cuối cùng là loại bỏ các vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo ông Josh Rogin, nhà báo chuyên phụ trách mục đối ngoại của Washington Post, Mỹ đã liên hệ với Triều Tiên để đối thoại nhằm giải thích kết quả của cuộc rà soát chính sách của Washington về Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng vẫn không phản ứng.
Còn ông Frank Jannuzi, người đứng đầu Quỹ Maureen & Mike Mansfield, cho rằng, ông Biden dường như đạt được sự cân bằng giữa cách tiếp cận của hai người tiền nhiệm Barack Obama và Donald Trump với Triều Tiên.
Theo chuyên gia này, cựu Tổng thống Barack Obama có cách tiếp cận "quá thụ động", được gọi là "sự kiên nhẫn chiến lược", trong khi ông Donald Trump "lanh lợi, hiếu chiến nhưng không kém phần sáng tạo", vốn đã chứng kiến sự dao động của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, từ "áp lực tối đa, sốt sắng và giận dữ” đến “sự chú ý và gần như là thần tượng”.
Trước tình hình này, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul đã thúc giục Washington cho Seoul một số không gian để họ có thể chủ động và đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán với một cử chỉ hòa giải táo bạo.
Ông Moon là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai có cuộc hội đàm trực tiếp với ông Biden sau Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Washington vào tháng trước.
Hàn Quốc và Nhật Bản đều là những nước có binh lính Mỹ đồn trú và nhà lãnh đạo Mỹ đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh trong lo ngại an ninh do Trung Quốc và Triều Tiên đặt ra, với cuộc đàm phán về việc Seoul được mời tham gia Bộ tứ - một nhóm do Mỹ dẫn đầu bao gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Bắc Kinh ngày càng lên tiếng lo ngại về sự mở rộng của tổ chức mà họ gọi là bè phái chống Trung Quốc và cũng theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Hàn Quốc, với kế hoạch Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Seoul trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm.
Ông Ahn Ho-young, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ, cho biết, một số người Hàn Quốc tin rằng, Seoul không nên rõ ràng đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, thay vào đó nên duy trì "sự mơ hồ chiến lược" bằng cách giữ chặt con bài của mình.
Tuy nhiên, ông Moon Chung-in, cựu cố vấn đặc biệt về đối ngoại và an ninh của Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm và là người đứng đầu Viện Sejong, cho biết, ông không thể đồng ý với quan điểm được nhiều người bảo thủ chia sẻ rằng, nếu Hàn Quốc duy trì sự mơ hồ chiến lược khi dựa vào Mỹ vì an ninh quốc gia và về kinh tế của Trung Quốc, cuối cùng sẽ bị Washington bỏ rơi.
Chuyên gia này nêu rõ: “Mục tiêu của chính sách đối ngoại và chính sách an ninh quốc gia của chính phủ Hàn Quốc là ngăn chặn chiến tranh và bảo đảm hòa bình thông qua việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Hướng tới mục tiêu đó, Hàn Quốc phải giữ mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ với Mỹ và duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận