Thượng đỉnh EU bước sang ngày họp thứ 4, căng thẳng gia tăng
EU đang trên đường phá vỡ kỷ lục về hội nghị Thượng đỉnh dài nhất trong lịch sử khi cuộc họp dự kiến diễn ra trong 2 ngày phải kéo dài sang ngày thứ 4.
Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu thống nhất tiếp tục kéo dài các cuộc đàm phán tại Brussels sang ngày thứ 4 nhằm đạt được thoả thuận về gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro trong bối cảnh căng thẳng giữa các nhóm nước ngày càng gia tăng.
Theo quyết định được các lãnh đạo EU đưa ra trong tối 19/7, cuộc đàm phán về thoả thuận liên quan đến gói phục hồi kinh tế 750 tỷ euro sẽ tiếp tục vào lúc 16h địa phương ngày hôm nay (20/7). Nếu kéo dài quá nửa đêm ngày 20/07, đây sẽ là cuộc họp Thượng đỉnh EU dài nhất trong vòng 20 năm qua, kể từ sau cuộc họp tại thành phố Nice của Pháp năm 2000.
Trong ngày 19/7, sau hơn 7 tiếng đàm phán, nhóm 4 nước phản đối là Hà Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển và Áo vẫn không chịu nhượng bộ, kiên quyết muốn duy trì các điều kiện liên quan đến việc phân bổ nguồn tiền phục hồi cũng như điều chỉnh tỷ lệ giữa phần trợ cấp và phần cho vay trả lãi.
Sự cứng rắn của nhóm nước phản đối khiến căng thẳng gia tăng giữa các nước và cá nhân nguyên thủ các nước. Theo nhiều tờ báo châu Âu, trong bữa tối 19/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lớn tiếng chỉ trích các nước phản đối là đã hành động ích kỷ, khiến Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tức giận bỏ ra ngoài.
Thủ tướng Hungary, Viktor Orban trước đó chỉ trích công khai Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte là đã cố tình tấn công Hungary về chủ đề liên quan đến nhà nước pháp quyền. Ông Orban cũng tuyên bố, mâu thuẫn chủ chốt hiện nay là giữa Hà Lan và Italy và Hungary ủng hộ quan điểm của Italy là cần phải giúp đỡ những nước và khu vực chịu thiệt hại vì đại dịch Covid-19 nhanh nhất có thể.
“Tôi không muốn chơi trò đổ lỗi, nhưng người Hà Lan phải chịu trách nhiệm chính cho tất cả mớ rắc rối hiện nay”, Thủ tướng Hungary khẳng định.
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới trong sáng 20/7, Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, nhân vật trung tâm tại Thượng đỉnh EU lần này cho biết, đã có những tiến bộ đáng kể được ghi nhận trong các đàm phán giữa các nước và EU hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận trong tối 20/7.
Các vướng mắc lớn hiện nay vẫn liên quan đến 3 vấn đề. Một, là tỷ lệ giữa phần trợ cấp và phần cho vay trong gói 750 tỷ euro. Phía nhóm nước phản đối muốn phần cho vay nhiều hơn phần trợ cấp, ở mức 400 tỷ cho vay và 350 tỷ trợ cấp. Tuy nhiên, hai cường quốc đầu tàu của Liên minh châu Âu Đức-Pháp kiên quyết không muốn phần trợ cấp ít hơn 400 tỷ euro. Vì thế, nhiều khả năng thỏa thuận sẽ xoay quanh mức 400-450 tỷ euro trợ cấp không hoàn trả cho các nước thành viên.
Vấn đề lớn thứ hai là ở cơ chế phân bổ có điều kiện nguồn tiền phục hồi, bao gồm các yêu cầu về cải cách, tôn trọng các nguyên tắc về nhà nước pháp quyền và cam kết chống biến đổi khí hậu. Cuối cùng, là các tranh cãi liên quan đến dự toán ngân sách 1.074 tỷ euro của EU trong giai đoạn 2021-2027./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận