Thượng đỉnh Bộ tứ đầu tiên sẽ bàn về những vấn đề lớn nào?
Cuộc họp cấp cao nhất đầu tiên giữa các thành viên Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia ngày 12/3 diễn ra trong bối cảnh nhóm đối diện với hàng loạt căng thẳng ngày càng gia tăng với Trung Quốc trong nhiều vấn đề.
Thúc đẩy hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố việc Tổng thống Joe Biden chọn đây là một trong những sự kiện đa phương đầu tiên từ sau khi lên cầm quyền “chứng tỏ tầm quan trọng mà ông nhận thức được về những hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Theo bà Psaki, bốn nhà lãnh đạo Bộ Tứ sẽ thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 - hai ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết các bên cũng đã đề cập đến “các hồ sơ khu vực và thế giới mà họ cùng chung lợi ích, các lĩnh vực hợp tác cụ thể để duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Liên minh "Bộ tứ vaccine"
Cuộc họp cũng dự kiến sẽ bao gồm việc công bố các thỏa thuận tài trợ để hỗ trợ thúc đẩy năng lực sản xuất vaccine phòng Covid-19 tại Ấn Độ, điều mà New Delhi đang thúc giục nhằm cạnh tranh với “chiến lược ngoại giao vaccine” mà Trung Quốc triển khai.
Theo CNN, lãnh đạo các nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia cũng sẽ thảo luận về những phương tiện bảo đảm an ninh hàng hải và công bằng trong việc phân bổ vaccine phòng Covid-19.
Chiến lược này từng được bốn nước thành viên Bộ tứ nêu lên trong cuộc họp tháng 2/2021. Năm 2020, Hội nghị Bộ tứ mở rộng với Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand bàn về tình hình dịch Covid-19, cũng đã đề cập đến việc phát triển vaccine.
New Delhi muốn biến lời nói thành hành động cụ thể, bổ trợ cho hợp tác song phương về mặt dịch tễ của mỗi thành viên với các nước trong khu vực. So với 4 nước Bộ tứ, Ấn Độ hội tụ đủ mọi yếu tố cần thiết về khả năng và vị trí địa lý. New Delhi cũng muốn khẳng định vài trò quan trọng trong nhóm này.
Trước hết, Ấn Độ là nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực. Nước này còn phát triển được vaccine riêng, Covaxin, và dự định bán cho 40 quốc gia, trong đó có Brazil, Philippines và Zimbabwe.
Thứ hai, Ấn Độ nổi tiếng là “công xưởng” bào chế dược phẩm cho thế giới và có sẵn trang thiết bị để sản xuất quy mô lớn.
Vaccine ngừa Covid-19 của nhiều hãng lớn như Oxford/AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson và cả Sputnik V của Nga đã và sẽ được sản xuất tại Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu của thế giới.
Tuy vậy, Bộ tứ hoàn toàn có lý do để lo ngại về chiến lược “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc trên thế giới. Nhờ phòng dịch thành công, Trung Quốc không vội vã tiêm chủng cho người dân, mà thay vào đó lại “hào phòng” tặng vaccine cho những nước cần gây ảnh hưởng hoặc ký hợp đồng thử nghiệm tại nhiều quốc gia.
New Delhi còn có thể đạt được một lợi ích khác, chủ yếu về thương mại khi kêu gọi Bộ tứ đầu tư mạnh cho vaccine Covid-19, còn Ấn Độ là nhà sản xuất. Chính điểm này là cái cớ để Bắc Kinh chỉ trích “mưu đồ” của New Delhi, cho rằng Ấn Độ tính toán để thu lợi nhuận khổng lồ.
Theo RFI, việc thiết lập nhiều dây chuyền sản xuất vaccine song song với quy mô lớn, có lẽ là giải pháp hữu hiệu để có thể kiềm chế những dụng ý chính trị của Trung Quốc ẩn sau những liều vaccine ngừa Covid-19.Bắc Kinh muốn vaccine của Trung Quốc có mặt khắp thế giới để mở rộng ảnh hưởng, như từng làm với chiến dịch “ngoại giao khẩu trang”.
Giải quyết những "thách thức khẩn cấp"
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với báo giới rằng Bộ tứ sẽ vận hành hiệu quả để giải quyết những “thách thức khẩn cấp” trên thế giới, nhưng không phải là một liên minh để chống lại “một đối thủ duy nhất”.
Trung tuần tháng 2 vừa qua, các ngoại trưởng Bộ tứ đã có cuộc họp trực tuyến để kêu gọi khôi phục dân chủ cho Myanmar. Tuy nhiên, nguyên thủ 4 nước thành viên chưa bao giờ tiến hành một cuộc họp cụ thể.
Dù không phải là một liên minh quân sự chính thức như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bộ tứ vẫn bị xem như một đối trọng tiềm năng trước sức ảnh hưởng mà Trung Quốc ngày càng bành trướng cũng như những động thái hung hăng tại châu Á-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu về sự kiện ngày 12/3 trong một cuộc họp báo hồi tuần trước:
“Bộ tứ là vấn đề trung tâm trong chiến lược khu vực của Mỹ và của Australia… Đây sẽ là một khía cạnh của cam kết Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Song sẽ không phải là một bộ máy cồng kềnh với ban thư ký lớn hay kiểu gì đó tương tự. Đó sẽ chỉ là 4 nhà lãnh đạo, 4 quốc gia, cùng làm việc với nhau trên tinh thần xây dựng để hướng tới hòa bình, thịnh vượng và ổn định cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phục vụ lợi ích cho người dân khu vực”.
Hợp tác quân sự trong khuôn khổ Bộ tứ đã gia tăng đáng kể trong năm vừa qua, thông qua các thỏa thuận song phương giữa các đối tác của Bộ tứ và các cuộc tập trận chung.
Tuần trước, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và một nhà ngoại giao từ châu Á cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ có chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc từ ngày 14-18/3. Đây sẽ là chuyến công du quốc tế đầu tiên của các quan chức nội các Biden kể từ khi Tổng thống Mỹ nhậm chức.
Ngày 8/3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ đến thăm Nhà Trắng vào "thời gian sớm nhất có thể", cân nhắc tình hình dịch Covid-19.
Ông Kata khẳng định tại một cuộc họp báo thường nhật rằng hội nghị cấp cao Nhật-Mỹ chắc chắn sẽ diễn ra, song thời điểm và thông tin chi tiết vẫn chưa được quyết định.
Rất có thể, Thủ tướng Nhật Bản Suga sẽ là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên đến thăm Nhà Trắng dưới thời chính quyền Biden.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận