Thương chiến Mỹ-Trung leo thang, kỳ vọng dòng vốn FDI đến từ đâu?
Trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận nào vào tháng 06/2019 tới, BVSC kỳ vọng vốn FDI đăng ký và giải ngân vào Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng nhanh.
Trên thực tế, Việt Nam đã được hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc +1” nhằm đa dạng hóa rủi ro của giới đầu tư trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ giúp thúc đẩy quá trình này nhanh và mạnh hơn nữa.
Địa chỉ thay thế hấp dẫn
Việt Nam có nhiều lợi thế rõ ràng trong việc nổi lên là một địa chỉ thay thế hấp dẫn trước xu hướng dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc bởi nhiều lý do. Cụ thể: thứ nhất, có vị trí chiến lược thuận lợi khi nằm ở trung tâm ASEAN, có hơn 3.000 km đường biển, kết nối tốt với Trung Quốc qua hệ thống đường bộ, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng lớn chuyển một số bộ phận sang sản xuất ở Việt Nam nhưng vẫn giữ được sự liên kết chặt chẽ với các đầu mối (hub) lắp ráp chủ chốt tại Trung Quốc.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngày càng hoàn thiện với nhiều đường cao tốc, cầu cảng. Theo ADB, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam đạt khoảng 6% GDP trong 5 năm gần đây, cao hơn hai lần so với các nước ASEAN.
Thứ ba, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi thuế và thuê đất cho nhà đầu tư nước ngoài.Thứ tư, đó là nguồn lao động rẻ, dồi dào với tiền lương tối thiểu còn ở mức thấp (chỉ bằng 60% so với Trung Quốc và vẫn còn thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực ASEAN.
Thứ năm, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với nhiều Hiệp định FTA song phương và đa phương.
FDI tăng trưởng đến từ đâu?
Trước viễn cảnh xung đột thương mại Mỹ-Trung có thể leo thang lên mức cao nhất, trong báo cáo mới nhất nhóm phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng nguồn vốn FDI tăng trưởng trong thời gian tới sẽ chủ yếu đến từ các đối tác: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong.
Với Hàn Quốc, chiến lược “hướng Nam” của nước này cùng những cam kết đầu tư lớn của các doanh nghiệp thuộc ngành điện tử như Samsung (vốn đầu tư lũy kế đến nay đạt 18 tỷ USD), LG... cho thấy Việt Nam vẫn là một địa chỉ hấp dẫn trong con mắt của giới đầu tư Hàn Quốc.
Hiệp định tự do thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ cuối năm 2015 càng tạo thêm thuận lợi cho giao thương hai nước. Riêng với Samsung, hiện Việt Nam đã chiếm khoảng 50% tổng lượng điện thoại di động của Samsung sản xuất trên toàn cầu.
Thêm vào đó, Samsung đã và đang xúc tiến mở rộng hoạt động lắp ráp điện thoại tại Ấn Độ (hiện có công suất 60 triệu chiêc/năm và có thể nâng lên 120 triệu chiếc/năm). Do vậy, không kỳ vọng trong ngắn hạn Samsung sẽ mở thêm một nhà máy lắp ráp điện thoại mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm phân tích BVSC cho rằng chưa cần Samsung tăng lượng điện thoại lắp ráp ở Việt Nam mà chỉ cần các doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi cung ứng của Samsung hay LG đi theo hoặc có kế hoạch gia tăng sản xuất ở Việt Nam thì nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tăng lên trong thời gian tới.
Với Trung Quốc, Đài Loan, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, sản xuất đồ chơi... nhiều khả năng sẽ tăng tốc đầu tư vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.
Vòng đánh thuế tiếp theo mà Mỹ đang đe dọa áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ tập trung nhiều vào các mặt hàng này với mức thuế cao (25%) sẽ tạo nhiều động lực để làn sóng dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam diễn ra mạnh hơn.
Với chuỗi cung ứng liên quan đến sản phẩm IPhone đang lắp ráp tại Trung Quốc (nhiều khả năng cũng sẽ bị Mỹ áp thuế 25%), một vài nhà cung ứng của chuỗi sản xuất này có thể thiếp lập các nhà máy mới ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay đã có dự án GoerTek (sản xuất tai nghe không dây cho Apple) trị giá 260 triệu USD đăng ký đầu tưvào Bắc Ninh. Trong thời gian tới, sẽ còn có một số doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng của Apple như AAC Techonology (sản xuất các loại mô-tơ), Lux share (sản xuất loa và các thiết bị kết nối), FIT (sản xuất cáp), Largan (sản xuất các loại lens)... có thể sẽ dịch chuyển sang Việt Nam.
Riêng khả năng Foxcoon dịch chuyển dây chuyền lắp ráp ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều với Ấn Độ – một quốc gia đang có tham vọng thiết lập cơ sở sản xuất điện thoại di động lớn của toàn cầu với chiến lược “Make in India” và sức hút từ thị trường nội địa hơn 1 tỷ dân.
Với các đối tác khác như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore..., kỳ vọng dòng vốn FDI gia tăng trong thời gian tới nhưng sẽ chủ yếu qua phương thức góp vốn, mua cổ phần bằng các thương vụ M&A thay vì thiết lập các nhà máy sản xuất. Những dòng vốn này sẽ phần nhiều nhắm đến thị trường nội địa ngày càng lớn mạnh của Việt Nam thay vì chỉ nhằm tận dụng những cơ hội từ xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận