menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Như Hoa

Thương chiến Mỹ-Trung làm suy giảm nhu cầu dầu toàn cầu

Các lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu và các căng thẳng leo thang trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung sẽ gây áp lực cho nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2019, theo nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), có trụ sở ở Paris (Pháp).

Hôm 9-8, IEA công bố báo cáo hàng tháng, trong đó, cắt giảm dự báo nhu cầu dầu trong năm nay và năm sau do lo ngại kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại khi cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung đang phủ bóng lên các thị trường.

IEA nhận định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2019 và 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2020, lần lượt giảm 100.000 thùng/ngày và 50.000 thùng/ngày so với dự báo mà IEA đưa ra trong lần trước. Đây là lần cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu lần thứ ba liên tục của IEA trong 4 tháng qua. Theo IEA, từ tháng 1 đến tháng 5, nhu cầu dầu toàn cầu chỉ tăng trưởng 520.000 thùng/ngày, mức tăng thấp nhất trong cùng kỳ kể từ từ năm 2008.

Các căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và lực lượng hải quân Iran vẫn nóng ở khu vực eo biển chiến lược Hormuz, Trung Đông, tuyến vận chuyển đường biển huyết mạch đối với gần 1/3 lượng dầu mỏ của thế giới. Tuy nhiên, mối lo lắng lớn nhất của IEA là sức khỏe của nền kinh tế thế giới. Báo cáo của IEA nhận định các khó khăn kinh tế đang tác động đến thị trường dầu lớn hơn so với các vấn đề địa chính trị.

Trong các báo cáo vào tháng 5 và tháng 6, IEA từng cảnh báo tác động xấu của cuộc đấu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như sức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vốn đang trì trệ.

“Giờ đây, tình hình thậm chí còn bất ổn hơn khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa thể giải quyết và đến tháng 9 tới, vòng thuế mới 10% của Mỹ áp lên 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực”, báo cáo của IEA hôm 9-8 cho biết.

Báo cáo của IEA cho rằng triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đang chuyển biến xấu và điều này “có thể khiến hoạt động thương mại suy giảm và tăng trưởng nhu cầu dầu sa sút”.

Theo IEA, triển vọng thị trường dầu rất mong manh và có khả năng tổ chức này tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong thời gian tới.

Các bồn trữ dầu thô ở TP. Ras Tanura, Saudi Arabia. Ảnh:Bloomberg

Hồi đầu tuần này, Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng hạ dự báo tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu về mức 1 triệu thùng trong năm 2019 và 1,43 triệu thùng trong năm 2020. Đây là tháng thứ bảy liên tiếp EIA hạ dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu.

Tuần sau, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ công bố báo cáo thị trường hàng tháng. Báo cáo này sẽ được giới đầu tư và các nhà phân tích quan sát chặt chẽ để xác định xem OPEC muốn cắt giảm thêm sản lượng dầu hay muốn thực thi chặt chẽ hơn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày vừa được OPEC và các nước đồng minh gia hạn đến tháng 3-2020.

Một số nhà phân tích cho rằng OPEC đang lỏng lẻo trong về việc giám sát thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng và cho phép một số nước xuất khẩu dầu đang gặp khó khăn kinh tế được miễn thực hiện thỏa thuận.

Kết thúc phiên giao dịch hôm 9-8, giá dầu Brent ở thị trường London tăng 2% lên mức 58,53 đô la/thùng, còn giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York tăng 3,73% lên 54,5 đô la/thùng trước tin Saudi Arabia đang thảo luận với các nước xuất khẩu dầu khác về các phương án hành động để chặn đứng đà suy giảm của giá dầu. Tuy nhiên, tính từ đầu tháng đến nay, giá dầu Brent và WTI vẫn đang giảm lần lượt 10% và 9% trước các diễn biến leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. So với mức đỉnh trong năm 2019 được thiết lập hồi tháng 4, giá dầu đã giảm khoảng 20%.

Gene McGillian, nhà phân tích cao cấp ở công ty Tradition Energy (Mỹ) nhận định thị trường dầu có nguy cơ điều chỉnh giảm sâu hơn. Ông nói: “Giờ đây, Saudi Arabia sẵn sàng tiến hành các biện pháp để chặn đà sụt giảm của thị trường. Vấn đề là các nỗ lực này có hiệu quả đến mức nào nếu các nước sản xuất dầu khác không tham gia. Với tình hình như hiện nay, thị trường dầu sẽ trải qua những cú co giật giá rất lớn”.

IEA cho rằng vào năm sau, OPEC và các đồng minh có thể cần phải cắt giảm thêm sản lượng để cân bằng cung cầu vì thị trường đang đối mặt với nguy cơ dư thừa nguồn cung trong năm 2020 khi sản lượng dầu ngoài OPEC, chủ yếu là ở Mỹ, sẽ tăng mạnh. Sản lượng dầu ngoài OPEC sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày trong năm nay và 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2020, theo dự báo của IEA.

Theo Wall Street Journal, Bloomberg

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả