Thuốc lá điện tử: Cấm hay quản?
Khi bước chân vào trường đại học, tôi đã làm một việc mà sau này, mỗi lần nghĩ lại, tôi bật cười vì sự ngớ ngẩn và ngây ngô: hút thuốc để tỏ ra mình đã lớn, để “trông ra gì đó” trước mấy bạn gái cùng lớp.
Hồi đó nghèo nên sinh viên bọn tôi hút thuốc lá rẻ tiền Bông Sen không đầu lọc. Chỉ khi nào ngày tựu trường, có lứa sinh viên mới vào, chúng tôi sẽ bấm bụng mua một bao Du lịch. Không có lý do nào chính đáng, tất cả chỉ để "làm le" với tụi con gái. Hôm nay, tôi giật mình khi bạn kể, con trai họ, mới học lớp 8, mua vape để tặng nhau quà sinh nhật, bởi chúng nghĩ "thế mới ngầu".
Theo nghiên cứu về sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ, giai đoạn 2017-2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử có chứa nicotine lứa tuổi lớp 8, 10 và 12 ở Mỹ tăng lần lượt 9, 15 và 16,5% - mức tăng chưa từng có trong lịch sử. Một bài viết của Đại học Y khoa Johns Hopkins cũng cho biết, trong giới trẻ, thuốc lá điện tử, đặc biệt là loại dùng một lần, được ưa chuộng hơn bất kỳ sản phẩm thuốc lá điếu thông thường nào.
Theo Điều tra sức khỏe học đường toàn cầu 2019, ở Việt Nam, tỷ lệ học sinh 13-17 tuổi bắt đầu sử dụng các sản phẩm này đã ở mức 2,57%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2020 chỉ ra tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đặc biệt cao ở các thành phố lớn, ví dụ ở học sinh lớp 8-12 tại Hà Nội là 8,35%.
Đồng thời với xu hướng gia tăng sử dụng là sự bùng phát các bệnh liên quan phổi và tử vong do vape. Ở Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, các cơ sở đã tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trong thuốc lá điện tử, với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác.
Tiến sĩ Michael Blaha, Giám đốc Nghiên cứu Lâm sàng của Trung tâm Phòng chống bệnh tim mạch Ciccarone Johns Hopkins, giải thích ba lý do trẻ em gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử: chúng tin rằng hút vape ít nguy hiểm hơn thuốc lá; chi phí cho mỗi lần sử dụng thấp hơn; và thuốc lá điện tử không có mùi khó chịu như thuốc lá thông thường, giảm bớt sự kỳ thị của cộng đồng.
Kể từ khi Hong Kong đề xuất xây dựng luật quy định về thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới khác vào giữa năm 2018, ngành y tế, giáo dục, bậc cha mẹ và nhiều người dân đã lo ngại về việc quản lý, thay vì cấm, các sản phẩm này. Sau khi cân nhắc ưu - nhược điểm, chính quyền đã đề xuất Dự luật cấm nhập khẩu, sản xuất, bán, phân phối và quảng cáo các sản phẩm thay thế thuốc lá, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá thảo dược. Luật cấm hoàn toàn các sản phẩm này được thông qua vào tháng 10/2021. Hải quan Hong Kong sau đó tiến hành một hoạt động thực thi đặc biệt để chống buôn lậu. Một tháng sau khi triển khai, họ xử lý 46 vụ liên quan, thu giữ khoảng 360.000 sản phẩm với giá trị thị trường ước tính 10 triệu HKD (tương đương 1,3 triệu USD).
Đến nay, đã có gần 40 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 18 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Trong khu vực ASEAN có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.
Nhiều nước phát triển công nhận thuốc lá mới là "đại dịch", và chi số tiền khổng lồ để giải quyết hậu quả. Trong khi ước tính lợi nhuận của ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc lá điện tử chỉ vào khoảng 7 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, hút thuốc lá khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hơn một nghìn tỷ USD mỗi năm về năng suất và chi phí chăm sóc sức khỏe.
Thuốc lá điện tử cũng đang là câu chuyện gây bất đồng tại Việt Nam. Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế nhập khẩu 50% với thuốc lá điện tử và các sản phẩm liên quan vào dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi. Trong khi đó, Bộ Y tế đã nhiều lần kiến nghị không cho phép sản xuất, kinh doanh, lưu hành cũng như không cho thí điểm các sản phẩm thuốc lá mới. Bộ Công an cho rằng hiện chưa có chính sách nhập khẩu với các mặt hàng này nên quy định thuế suất là chưa phù hợp.
Cấm hay là luật hóa để quản lý thuốc lá điện tử, nếu quản thì quản như thế nào, mức thuế suất bao nhiêu... trước hết là câu chuyện kinh tế. Nhưng câu chuyện kinh tế này liên quan mật thiết đến một câu hỏi lớn: nếu dễ dãi với thuốc lá điện tử, liệu chúng ta có đang gián tiếp tạo ra một thế hệ người trẻ nghiện nicotine. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam vẫn chưa thành công trong việc ngăn chặn sử dụng thuốc lá ở người trẻ. Ngay cả khi có những quy định giới hạn độ tuổi, thuốc lá vẫn là mặt hàng dễ tiếp cận đối với thanh thiếu niên. Chỉ với số tiền bằng bữa ăn sáng, một đứa trẻ dễ dàng mua bao thuốc tại cửa hàng tạp hóa, quán trà đá, nơi mà quy định gần như không được tuân thủ. Viễn cảnh tương tự hoàn toàn có thể xảy ra khi thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá mới khác được công nhận.
Nếu cho phép quản lý các sản phẩm này, Việt Nam sẽ phải xây dựng và ban hành hàng loạt văn bản quy định, thiết lập hệ thống kiểm tra - giám sát, làm tăng gánh nặng cho cơ quan Nhà nước, gây tốn kém, lãng phí ngân sách trong khi còn nhiều việc khác cần thiết hơn.
Bên cạnh đó, sẽ phải tăng cường hệ thống kiểm nghiệm, giám sát chất lượng sản phẩm, nhằm đảm bảo minh bạch quá trình thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm trong nhập khẩu, lưu thông và mua bán sản phẩm. Với năng lực hiện tại, Việt Nam chỉ đủ khả năng kiểm nghiệm hàm lượng tar và nicotine trong thuốc lá điếu, trong khi thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử còn chứa nhiều loại chất độc hại khác.
Việt Nam là nước đang phát triển, nguồn lực kinh tế chưa mạnh, khó có thể kiểm soát hiệu quả cùng lúc cả vấn đề thuốc lá truyền thống và thuốc lá mới.
Càng nhiều sản phẩm thuốc lá mới ra đời, thanh thiếu niên càng có nhiều lựa chọn, thậm chí sử dụng đồng thời nhiều loại. Khi ấy, quản lý đã khó, giải quyết hậu quả lại càng gian nan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận