Thung lũng Silicon có sai lầm khi đặt niềm tin vào người giàu nhất châu Á?
Năm ngoái, Google và Facebook đã “đặt cược” hơn 10 tỷ USD vào người giàu nhất châu Á, Mukesh Ambani, và kế hoạch giúp hàng trăm triệu người Ấn Độ tiếp cận mạng internet của ông.
Các khoản đầu tư đó nhanh chóng đưa Ambani, tỷ phú đứng đầu tập đoàn Reliance nổi tiếng của Ấn Độ, trở thành “người gác cổng” cho thung lũng Silicon tại nước này - nhưng Google và Facebook cũng đồng thời phải móc thêm hầu bao để có được chỗ đứng trong thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới.
Ambani có kế hoạch sử dụng WhatsApp, dịch vụ nhắn tin của Facebook, để kết nối hàng triệu doanh nghiệp nhỏ ở Ấn Độ với sáng kiến thương mại điện tử của ông, JioMart. Trong khi đó, mối quan hệ đối tác với Google là nhằm cùng phát triển điện thoại thông minh 5G có giá phải chăng.
Tuy nhiên, khi Ấn Độ tiếp tục vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19, kể cả suy thoái kinh tế, các kế hoạch của Jio có thể gặp nhiều khó khăn hơn so với những gì mà ông chủ tỷ phú của tập đoàn này vẫn quen.
Điện thoại thông minh gặp nhiều khó khăn
Bán điện thoại thông minh ở Ấn Độ có thể là công việc kinh doanh khó khăn ngay cả trong trường hợp bình thường. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), một người dân Ấn Độ trung bình kiếm được khoảng 2,000 USD/năm, nên những chiếc điện thoại thông minh đắt tiền là ngoài tầm với của đại bộ phận dân số nước này. Apple đã phải “vật lộn” để bán iPhone ở đó trong nhiều năm, và Samsung đang mất dần vị thế trước các thương hiệu rẻ hơn của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo.
Nhưng thách thức đó chỉ trở nên trầm trọng hơn khi đại dịch toàn cầu ảnh hưởng nặng nề đến các chuỗi cung ứng và gây ra tình trạng thiếu hụt những thành phần quan trọng. Kết quả là, việc chế tạo một chiếc điện thoại thông minh giá rẻ trở nên khó khăn hơn.
“Hạn chế về nguồn cung đang ảnh hưởng đến hầu hết mọi người trong ngành, nhưng tác động đến các công ty địa phương nhỏ hơn thậm chí còn nhiều hơn, vì họ không thực sự là ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất linh kiện”, Kiranjeet Kaur, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu IDC, cho biết. Mặc dù Jio có nguồn tài nguyên khổng lồ để tùy nghi sử dụng, nhưng nó vẫn còn tương đối mới với cuộc chơi điện thoại thông minh "và việc tập trung vào sản phẩm cấp thấp khiến họ càng khó mua sắm linh kiện hơn", Kaur nói thêm.
Jio đã phải giảm đáng kể các mục tiêu bán hàng điện thoại thông minh vì tình trạng thiếu linh kiện và giá cả tăng cao, theo một báo cáo gần đây từ Bloomberg.
Sự chậm trễ trong việc cho ra mắt điện thoại thông minh có thể làm giảm nỗ lực của Google nhằm nắm bắt cơ sở người dùng internet của Ấn Độ, vốn đã hơn 700 triệu người và sẽ mở rộng nhanh chóng trong vài năm tới.
Một phát ngôn viên của Jio từ chối bình luận về kế hoạch phát hành và bán điện thoại thông minh, nhưng thừa nhận đại dịch có thể ảnh hưởng đến tiến trình ra mắt của nó. Còn Google không phản hồi khi được yêu cầu bình luận.
Theo Tarun Pathak, giám đốc nghiên cứu thiết bị di động tại Counterpoint Research, sự bùng phát Covid kéo dài ở Ấn Độ và sự sụp đổ kinh tế cũng làm ảnh hưởng đến việc nâng cấp thiết bị của người tiêu dùng. Điều đó làm cho thị trường điện thoại thông minh của nước này trở nên nhạy cảm hơn về giá vào thời điểm việc sản xuất chúng ngày càng đắt đỏ.
Một cuộc chiến khó thắng?
Khoản đầu tư 5.7 tỉ USD của Facebook vào Jio - một trong những con số lớn nhất từ trước đến nay của công ty đến từ Mỹ này - là một cuộc “hôn nhân vụ lợi” giữa hai dịch vụ tạo thành xương sống của internet Ấn Độ. Jio và WhatsApp do Facebook sở hữu đều có hơn 400 triệu người dùng ở Ấn Độ và mối quan hệ đối tác giữa họ là một phần trong nỗ lực nhằm lật đổ vị trí hàng đầu của Amazon và Walmart trên thị trường bán lẻ trực tuyến Ấn Độ.
JioMart, nền tảng thương mại điện tử của Reliance, đặt mục tiêu làm được điều đó bằng cách đưa hàng triệu cửa hàng bán lẻ của Ấn Độ lên mạng. Ra mắt nhiều tháng trước khoản đầu tư lớn của Facebook, JioMart hiện hoạt động trên hơn 200 thành phố của Ấn Độ.
Bất chấp sự tăng trưởng của JioMart năm qua, các nhà phân tích cho rằng công ty này đang gặp một số khó khăn trong việc thuyết phục các nhà bán lẻ địa phương đăng ký. Theo báo cáo từ công ty môi giới Ấn Độ Kotak Securities hồi đầu năm nay, dịch vụ giao hàng trực tiếp đến người tiêu dùng đang "phát triển với tốc độ chậm, do các nhà bán lẻ tỏ ra e ngại".
“Đưa các tiểu thương độc lập tham gia chợ trực tuyến là một thách thức vì nhiều người trong số họ cảnh giác với việc chia sẻ thông tin kinh doanh và nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về giá trị đề xuất, theo quan điểm của họ”, Arvind Singhal, chủ tịch công ty tư vấn Technopak của Ấn Độ, cho biết.
Trong khi đó, WhatsApp đang đối mặt với những khó khăn riêng ở Ấn Độ. Sau thời gian dài bị trì hoãn để nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý cho hệ thống thanh toán ở đây, dịch vụ nhắn tin này hiện đang kiện Chính phủ Ấn Độ về các quy định mới, khiến WhatsApp gặp khó trên thị trường lớn nhất của họ.
Cuộc chiến của Ambani với Amazon cũng bị mang ra tòa, khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ khiếu nại thương vụ mua lại nhà bán lẻ đối thủ Future Group gần đây của Reliance. Dự kiến, cuộc chiến tại tòa án này sẽ kéo dài trong nhiều tháng, tiếp tục làm chậm lại triển vọng tăng trưởng của JioMart.
“Có thể tiến độ trong việc thực hiện tầm nhìn này không như mong đợi ban đầu của Reliance, nhưng rồi nó sẽ là một phép màu nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Reliance được biết là rất nhanh nhạy trong việc thích nghi và điều chỉnh hướng đi, do đó, rất có khả năng JioMart sẽ đạt được các mục tiêu ban đầu”, Singhal nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận